Chiều ngày 12.9, đại diện Hội Toán học Việt Nam - Giáo sư Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, cho biết Hội Toán học Việt Nam gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017.
Hội Toán học phản đối hình thức thi trắc nghiệm môn Toán
Đại diện Hội Toán học Việt Nam cho rằng, việc thi hình thức trắc nghiệm môn Toán đưa ra đột ngột, gấp gáp. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đếntâm lý của giáo viên và học sinh do thiếu sự chuẩn bị và phương án thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp cách dạy và học. Về góc độ chuyên môn việc chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm là sự thay đổi không phù hợp mục tiêu của đào tạo Toán bậc THPT, theo đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Hơn hết, quyết định thi trắc nghiệm môn Toán dựa chủ yếu vào cơ sở và kinh nghiệm của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 3 năm qua. Trong khi đó, kỳ thi này chưa có bất cứ đánh giá khoa học nào về ưu điểm, khẳng định tốt hơn đối với học sinh.Đây chính là 3 vấn đề mấu chốt để Bộ GD&ĐT cần thay đổi, giữ nguyên hình thức thi môn Toán là môn tự luận đối với học sinh.
Cũng trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí, giáo sư Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) cho biết: Việc đưa môn Toán vào hình thức thi trắc nghiệm sẽ bỏ sót những người tài, qua bài thi không đánh giá được năng lực thực sự của thí sinh. Là người nghiên cứu toán học lâu năm, giáo sư Vũ Tuấn khẳng định Bộ GD&ĐT không nên áp dụng hình thức thi môn Toán, điều này sẽ khiến cho linh hồn môn Toán học không còn nữa. "Kiểm tra trắc nghiệm không cho biết khả năng tổng hợp, vận dụng sự liên hệ giữa kiến thức các bộ môn khác nhau. Đặc biệt đối với đối tượng học sinh có mục đích thi môn Toán để thi tuyển vào đại học thìcàng cần được khảo sát sâu hơn về tư duy, lập luận logic mà thi trắc nghiệm sẽ không làm được điều này".
"Cũng vì số câu hỏi trắc nghiệm trong một đề thi quá nhiều mà thời gian để làm quá ít nên dẫn tới sự khuyến khích thói làm ẩu và làm liều và tôi tin hầu như các giáo viên Toán không ai phản đối bản thân cái ý tưởng thi trắc nghiệm vì nó là công cụ thích hợp nếu dùng đúng nơi, đúng chỗ nhưng nếu áp dụng hình thức này vào kỳ thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông tại Việt Nam thì đó chính là điều lo ngại. - thầy giáo Nguyễn Quang - dạy bộ môn Toán trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa cho hay.
Bộ GD&ĐT liệu có thay đổi?
Trước các phản ứng dữ dội của các giáo viên giảng dạy môn Toán và mới đây nhất chính làHội Toán học Việt Nam, Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng thi trắc nghiệm hay thi tự luận chỉ là hình thức của câu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệmhoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải “tìm” đáp án,còn câu hỏi trắc nghiệm thì học sinh phải “chọn” đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi.
Để “chọn” được đáp án đúng thì thí sinh phải biết “tìm” đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn.Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi trắc nghiệm). Như vậy, hình thức câu hỏitrắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng thì mới “tìm” rồi “chọn” được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất. Việc dùng sách giáo khoa hiện hành cũng không ảnh hưởng gì đến việc thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận.
Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nộicho rằng: việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh trong kỳ thi, ở phương án Bộ đề xuất thi 2 ngày với toàn bộ các môn thi sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với 4 ngày, thời lượng thi cũng bớt đi nhiều, trước đây 180 phút, thi trắc nghiệm giờ chỉ còn 90 phút phù hợp với kỳ thi tại các địa phương.
Đề thi trắc nghiệm khách quan được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Trong các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.
Trao đổi với phóng viên, giáo sư Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định:Từ năm 2006 Bộ đã tính tới phương án đưa môn Toán thành môn thi trắc nghiệm nhưng từ đó đến nay chưa được thực hiện. Việc đưa môn Toán thành hình thức trắc nghiệm sẽ không để cho học sinh phân tích được cái gì đúng, cái nào sai và học sinh phải dùng luận điểm của mình để chứng minh cái đúng, cái sai đó. Từ đó, người chấm thi sẽ biết khả năng tư duy của học sinh tới đâu.
Nếu thi bằng hình thức thi trắc nghiệm học sinh sẽ không còn cơ hội thực hiện điều chứng minh đó. Các em không cần học quá nhiều, thậm chí "đánh bừa" vào ô cũng được vài điểm. Tổ chức thi trắc nghiệm là làm thui chột khả năng viết của học trò, làm tăng tính lười học và sự dối trá của một số trò hư. Nếu chỉ thi trắc nghiệm, với xác suất khác 0 sẽ có người có kiến thức lớp một cũng có khả năng được nhận vào học đại học. Nếu tất cả các môn, trừ Ngữ Văn đều thi trắc nghiệm, tôi dám chắc rằng giáo viên sẽ dạy theo kiểu trắc nghiệm, học sinh sẽ học theo kiểu trắc nghiệm, khi đó hậu họa về một tầng lớp trí thức dành cho tương lai sẽ thế nào? Xin đừng đưa môn Toán thâm gia “trò chơi đỏ đen” - giáo sư Lê Đức Vĩnh khẳng định.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã từng bị Hội Khoa học Lịch sử Việt Namphản ứng gay gắtkhixếp môn Lịch sử vào bộ môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giữa Lịch sử và Giáo dục công dân.
Dạ Thảo