Sri Lanka đang rất cần được giúp đỡ để vượt qua khủng hoảng tồi tệ hiện tại. Trường học đóng cửa vì thiếu nhiên liệu, nỗ lực đàm phán xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gặp khó.

Hồi chuông cảnh báo từ khủng hoảng tại Sri Lanka

Cẩm Bình | 14/07/2022, 19:56

Sri Lanka đang rất cần được giúp đỡ để vượt qua khủng hoảng tồi tệ hiện tại. Trường học đóng cửa vì thiếu nhiên liệu, nỗ lực đàm phán xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gặp khó.

Đây không phải nền kinh tế duy nhất gặp rắc rối khi giá lương thực, nhiên liệu cùng nhiều hàng hóa khác tăng vọt vì cuộc chiến tại Ukraine. Những gì xảy ra tại Sri Lanka là hồi chuông cảnh báo gửi đến một số nền kinh tế – từ Lào, Pakistan đến Venezuela, Guinea.

Báo cáo Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu của Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố tháng trước xác định khoảng 1,6 tỉ người ở 94 quốc gia phải đối mặt ít nhất một mặt của cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính – khoảng 1,2 tỉ người trong số này sống tại quốc gia dễ bị tổn thương nghiêm trọng bởi khủng hoảng giá cả cộng thêm loạt khó khăn dài hạn.

hosri00.jpg
Khủng hoảng tại Sri Lanka có thể xảy ra ở nhiều nước khác - Ảnh: Reuters

Nguyên nhân gây khủng hoảng rất đa dạng, nhưng tất cả đều có chung rủi ro từ gia tăng chi phí thực phẩm và nhiên liệu. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ thấp hơn 5% so với mức trước đại dịch COVID-19.

Vay ngắn hạn lãi suất cao hỗ trợ cho nhiều gói cứu trợ đại dịch làm gia tăng gánh nặng nợ của các quốc gia đang phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo Liên hợp quốc, hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất trên thế giới hiện khó trả nợ hoặc có rủi ro cao.

Tại vài quốc gia, khủng hoảng là do tham nhũng, nội chiến, đảo chính hoặc thảm họa khác.

Afghanistan

Afghanistan đang quay cuồng trong khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi Taliban tái nắm quyền vào năm ngoái. Viện trợ nước ngoài - vốn đóng vai trò chống đỡ nền kinh tế đất nước - biến mất nhanh chóng và hàng loạt chính phủ áp đặt trừng phạt, đóng băng hoạt động giao thương, ngừng giao dịch ngân hàng.

Khoảng một nửa trong số 39 triệu người dân Afghanistan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực đe dọa tính mạng. Hầu hết công chức, nhân viên y tế, giáo viên không được trả lương suốt nhiều tháng. Gần đây còn xảy ra động đất khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, làm tăng thêm đau thương cho đất nước này.

ho1000.jpeg
Nền kinh tế Afghanistan đang gặp nguy - Ảnh: AP

Argentina

Cứ 10 người Argentina thì có 4 người nghèo, ngân hàng trung ương nước này đang cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối khi đồng nội tệ suy yếu. Dự báo lạm phát sẽ vượt 70% trong năm nay.

Hàng triệu người hiện sống nhờ bếp ăn từ thiện và chương trình phúc lợi nhà nước. Một thỏa thuận tái cơ cấu nợ với IMF đạt được gần đây bị đặt câu hỏi về những điều khoản nhượng bộ mà giới phê bình đánh giá có thể cản trở kinh tế phục hồi.

Ai Cập

Tỷ lệ lạm phát ở Ai Cập tháng 4 tăng lên gần 15% – đẩy một phần ba trong số 103 triệu người đang sống trong nghèo đói vào cảnh khốn cùng. Họ vốn đã phải chịu đựng một chương trình cải cách tham vọng với nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng như thả nổi đồng nội tệ và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, nước và điện.

Ngân hàng trung ương giảm lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời phá giá nội tệ – khiến Ai Cập khó trả khoản nợ nước ngoài khổng lồ hơn. Dự trữ ngoại hối của nước này sụt giảm. Các nước láng giềng Ả Rập Saudi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cam kết hỗ trợ 22 tỉ USD bằng hình thức tiền gửi cùng đầu tư trực tiếp.

ho10001.jpg
Lạm phát Ai Cập tháng 4 tăng lên gần 15% - Ảnh: Arab News

Lào

Lào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trước lúc đại dịch ập đến. Nợ của nước này tăng lên nhanh chóng và hiện phải thương lượng với bên cho vay.

WB xác định dự trữ ngoại hối Lào chỉ tương đương với chưa đầy 2 tháng nhập khẩu. Việc đồng nội tệ Lào mất tới 30% giá trị khiến tình hình thêm tồi tệ. Giá cả tăng cao cùng mất việc làm do đại dịch làm gia tăng nghèo đói.

Lebanon

Lebanon giống Sri Lanka ở tình trạng tiền tệ sụp đổ, thiếu hụt nhiên liện cùng nhu yếu phẩm, lạm phát cao. Ngoài ra nước này còn hứng chịu nội chiến kéo dài, phục hồi kinh tế bị cản trở bởi tấn công khủng bố và một chính phủ hoạt động rối ren.

Một số khoản thuế được đề xuất vào cuối năm 2019 thổi bùng cơn giận dữ đối với giai cấp thống trị tại Lebanon, dẫn đến biểu tình kéo dài nhiều tháng. Đồng nội tệ bắt đầu rớt giá, Lebanon vỡ nợ khi phải trả khoản 90 tỉ USD (tương đương 170% GDP) vào thời điểm đó.

Đến tháng 4.2021, đồng nội tệ đã mất 90% giá trị. WB xếp tình trạng này vào danh sách những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới trong hơn 150 năm qua.

holebanon.jpg
Kinh tế Lebanon kiệt quệ - Ảnh: AP

Myanmar

Đại dịch cùng bất ổn chính trị tác động lớn đến kinh tế Myanmar, đặc biệt từ sau khi quân đội lật đổ chính quyền dân cử khiến phương Tây giáng trừng phạt.

Kinh tế Myanmar năm 2021 sụt giảm 18%, có thể không tăng trưởng trong năm nay. Hơn 700.000 người đã phải trốn chạy hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột vũ trang và bạo lực liên quan đến chính trị. Do tình hình còn bất ổn nên WB trong báo cáo kinh tế toàn cầu cập nhật gần đây từ chối dự báo cho Myanmar giai đoạn 2022-2024.

Pakistan

Cũng như Sri Lanka, Pakistan đang đàm phán với IMF về việc khôi phục gói cứu trợ 6 tỉ USD bị trì hoãn sau khi chính quyền Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ vào tháng 4. Giá dầu thô cao đẩy giá nhiên liệu lên cao, kéo theo đó là hàng loạt chi phí khác khiến lạm phát lên đến hơn 21%.

Lời kêu gọi giảm lượng trà tiêu thụ để giảm nhập khẩu trà của Bộ trưởng Kế hoạch -Phát triển Pakistan Ahsan Iqbal làm người dân tức giận. Đồng nội tệ mất 30% giá trị trong năm qua.

Để được IMF cứu trợ, Thủ tướng Shahbaz Sharif đã tăng giá nhiên liệu, bãi bỏ trợ cấp nhiên liệu, áp đặt thuế suất 10% với các ngành công nghiệp lớn để cải cách kinh tế. Dự trữ ngoại hối Pakistan tính đến tháng 3 chỉ còn 13,5 tỉ USD – tương đương 2 tháng nhập khẩu.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình tài chính ngày càng tồi tệ của chính phủ và thâm hụt thương mại ngày càng tăng khiến Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào cảnh khó khăn với nợ chồng chất, lạm phát hơn 60%, tỷ lệ thất nghiệp cao. Ngân hàng trung ương dùng đến dự trữ ngoại hối để đối phó khủng hoảng tiền tệ, khi giá trị đồng nội tệ giảm xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2021.

Cắt giảm thuế cùng trợ cấp nhiên liệu làm giảm ngân sách nhà nước. Các hộ gia đình vất vả tìm cách mua thực phẩm và nhiều hàng hóa khác, trong khi nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 54% GDP.

Zimbabwe

Lạm phát ở Zimbabwe đã tăng lên hơn 130% – làm dấy lên lo ngại nước này có thể quay trở lại thời kỳ siêu lạm phát năm 2008.

Quốc gia châu Phi tìm cách tạo ra dòng tiền USD để cứu vớt nền kinh tế bị tàn phá qua nhiều năm bởi tham nhũng, đầu tư thấp, xuất khẩu thấp và nợ cao. Nhiều người dân phải bỏ bữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi chuông cảnh báo từ khủng hoảng tại Sri Lanka