Chính ra Ali Hafed nên ở nhà và đào xới khu vườn, hay bên dưới những cánh đồng lúa mì, thay vì lâm vào cảnh khốn cùng, đói khát và phải quyên sinh ở xứ lạ…

Học viện thành công – phát triển trên cánh đồng kim cương của bạn

H.V | 31/12/2022, 13:22

Chính ra Ali Hafed nên ở nhà và đào xới khu vườn, hay bên dưới những cánh đồng lúa mì, thay vì lâm vào cảnh khốn cùng, đói khát và phải quyên sinh ở xứ lạ…

Khi nhân vật chính chết ngay từ chương đầu

Nhiều năm trước, khi xuôi dòng sông Euphrates và Tigris cùng hội lữ hành Anh, tôi được một ông lão người Ả Rập dẫn đường. Ông lão dẫn đường nắm dây cương dắt con lạc đà của tôi đi dọc theo bờ hai con sông cổ xưa, và ông kể cho tôi nghe hết chuyện này đến chuyện khác cho đến khi tôi phát mệt với các câu chuyện và chỉ vờ lắng nghe. Nhưng tôi nhớ ông đã cởi chiếc mũ kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ra và huơ huơ thành vòng tròn để tôi chú ý. 

Ông bảo: “Giờ tôi sẽ kể anh nghe một câu chuyện mà tôi chỉ dành cho những người bạn đặc biệt”. Ông lão dẫn đường kể cho tôi rằng đã lâu lắm rồi ở một nơi không xa sông Indus, có một người Ba Tư tên là Ali Hafed. Ali Hafed có một nông trại rất rộng lớn, có vườn cây ăn trái, những cánh đồng, những khu vườn; ông ta có tiền sinh lời, ông là một người giàu có và mãn nguyện. 

Một ngày nọ có một nhà sư đến nông trại, ngồi bên đống lửa và kể cho ông điền chủ già đó về chuyện thế giới của chúng ta được tạo ra như thế nào. Nhà sư kể rằng thế giới này trước kia chỉ là một dải sương mù, và Đấng Toàn Năng nhúng ngón tay của Người vào dải sương mù đó, chầm chậm khuấy đều, rồi dần dần khuấy nhanh hơn và cuối cùng xoáy cuộn dải sương mù đó thành một quả cầu lửa đặc. Quả cầu lửa đó lăn qua khắp vũ trụ, trên đường đi đốt cháy những dải sương mù khác, và cô đọng hơi ẩm bên ngoài cho đến khi nó rơi xuống thành những trận mưa như thác lũ đổ lên bề mặt nóng bỏng, làm nguội lớp vỏ ngoài. 

Rồi ngọn lửa còn bên trong bùng ra ngoài xuyên qua màn bụi trồi lên thành núi đồi, thung lũng, đồng bằng và thảo nguyên như thế giới tuyệt trần ngày nay của chúng ta. Nếu khối nóng chảy bên trong này sôi trào ra ngoài và nguội đi nhanh chóng, nó sẽ thành đá hoa cương, nguội chậm hơn thì thành đồng, chậm hơn nữa là bạc, chậm hơn nữa là vàng, sau vàng thì kim cương hình thành.

Nhà sư già nói: “Một viên kim cương là một giọt nắng đông đặc lại”. Giờ thì chuyện này về mặt khoa học là đúng, kim cương thực tế là khoáng chất của nguyên tố carbon từ Mặt trời. Nhà sư già nói với Ali Hafed rằng nếu ông có một viên kim cương to bằng ngón tay cái, ông có thể mua cả tỉnh, và nếu ông có một mỏ kim cương thì ông có thể đưa con cháu lên ngai vàng nhờ ảnh hưởng của khối của cải đồ sộ.

Ali Hafed nghe câu chuyện về kim cương, rằng chúng quý giá thế nào, và đi ngủ với một cảm giác như một người nghèo túng. Ông không mất gì cả, nhưng ông nghèo vì ông không thỏa mãn, vì ông không thỏa mãn là vì sợ mình nghèo. Ông tự nhủ: “Ta muốn có một mỏ kim cương”, rồi ông thức trắng cả đêm.

5cae060a-5526-4abc-958b-b6406b8697a1.jpeg

Sáng sớm hôm sau ông đi tìm nhà sư già. Theo kinh nghiệm tôi biết, một nhà sư sẽ rất cáu gắt khi bị đánh thức lúc sáng sớm, và khi lay nhà sư già tỉnh giấc nồng, Ali Hafed nói:

“Ông có thể chỉ cho tôi nơi tìm thấy kim cương được không?”

“Kim cương! Ông muốn làm gì với kim cương?” “Lý do à, tôi muốn trở nên vô cùng giàu có.” “Vậy thì cứ đi mà tìm chúng. Đó là tất cả những gì cần làm; đi mà tìm, rồi ông sẽ có chúng.” “Nhưng tôi không biết tìm ở đâu.” “À, nếu ông tìm thấy một con sông chảy qua bờ cát trắng, giữa những ngọn núi cao, ở bãi cát trắng đó ông sẽ luôn tìm thấy kim cương.” “Tôi không tin có con sông nào lại như vậy”. “Ồ có chứ, có nhiều là đằng khác. Tất cả những gì ông cần làm là đi mà tìm, rồi ông sẽ có chúng.” Ali Hafed nói: “Vậy tôi sẽ đi”.

Thế là ông ta bán đi nông trại, gom góp tiền bạc, nhờ một người hàng xóm chăm lo cho gia đình và ra đi tìm kiếm kim cương. Ông bắt đầu tìm kiếm, từ dãy núi Mặt trăng. Sau đó ông đổi ý, đi tới Palestine, rồi rong ruổi khắp châu Âu, cuối cùng khi tiền nong đã cạn, ông trở nên rách rưới, nghèo đói khốn cùng, ông đứng trên một bờ vịnh ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi một cơn sóng lớn cuộn trào giữa những cột đá. Và người đàn ông nghèo khó, đau đớn, ưu phiền, đang chết dần không thể cưỡng lại cám dỗ gieo mình xuống cơn sóng sắp ập đến, ông chìm dần dưới những bọt sóng, không bao giờ nổi lên trong cuộc đời này nữa.

Khi người dẫn đường già kể xong câu chuyện buồn thảm đó, ông dừng con lạc đà tôi đang cưỡi và đi sắp lại hành lý đang tuột ra khỏi một con lạc đà khác. Đó là câu chuyện lần đầu tiên tôi được nghe, trong đó nhân vật anh hùng chết ngay chương đầu. Chẳng có gì ngoài một chương của câu chuyện mà nhân vật chính đã chết.

Kim cương ở đâu?

Khi người dẫn đường trở về nắm lấy dây cương con lạc đà của tôi, ông quay lại ngay với câu chuyện, kể tiếp phần hai như chưa ngừng nghỉ. Nói về người đàn ông đã mua lại nông trại của Ali Hafed, một ngày nọ ông dắt lạc đà vào vườn uống nước, và khi con lạc đà vục mặt xuống dòng nước cạn của con suối trong vườn, người kế tục Ali Hafed để ý thấy một tia sáng kỳ lạ lóe lên từ bãi cát trắng bên bờ suối. Ông nhặt một hòn đá đen lên, nó phản chiếu vào mắt mọi sắc màu của cầu vồng. Ông đem viên đá đó về nhà và đặt nó bên cạnh tấm ván che lò sưởi lớn rồi quên bẵng đi mất.

Vài ngày sau, cũng chính nhà sư già lại đến thăm người kế tục Ali Hafed, lúc mở cửa bước vào phòng khách, ông đã thấy ánh sáng lóe lên từ phía lò sưởi, ông chạy nhanh lại phía đó và la lên: “Kim cương đây rồi! Ali Hafed đã trở về sao?”. “Không, Ali Hafed chưa trở về, mà đây có phải kim cương đâu. Nó chỉ là viên đá cuội chúng tôi tìm thấy ngay ở trong vườn nhà đây”. “Nhưng ta cam đoan là ta biết đâu là kim cương khi gặp nó. Ta biết chắc chắn đây là một viên kim cương”, nhà sư nói.

5cae060a-5526-4abc-958b-b6406b8697a1.jpeg

Rồi họ hối hả cùng nhau đến khu vườn xưa và đào xới cát trắng bằng tay, thật bất ngờ! Có những viên khác còn đẹp và giá trị hơn cả viên đầu tiên. “Thế rồi”, người dẫn đường kể cho tôi và các bạn đồng hành một sự thật lịch sử, “mỏ kim cương Golconda, mỏ kim cương vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, được phát hiện ra, vượt trội so với ngay cả mỏ Kimberly. Viên kim cương Kohinoor được khảm lên vương miện của Hoàng gia Anh và viên Orloff của hoàng gia Nga chính là từ mỏ này”. 

Khi ông lão dẫn đường người Ả Rập kể cho tôi nghe xong phần hai của câu chuyện, ông lại cởi chiếc mũ kiểu người Thổ ra và huơ huơ lên không trung để tôi chú ý vào đạo lý câu chuyện. Những người dẫn đường Ả Rập luôn đưa bài học đạo lý vào câu chuyện của họ, dù họ không phải lúc nào cũng là người đạo đức. Sau khi huơ chiếc mũ, ông ta nói với tôi: “Chính ra Ali Hafed nên ở nhà và đào xới khu vườn, hay bên dưới những cánh đồng lúa mì, thay vì lâm vào cảnh khốn cùng, đói khát và phải quyên sinh ở xứ lạ, ông ta lẽ ra đã có ’những cánh đồng kim cương’. Ở từng tấc đất trên cánh đồng cũ, vâng, chính xác là từng nhát xẻng, đã phát lộ ra những viên đá quý mà sau được trang hoàng cho những chiếc vương miện hoàng gia”.

Khi ông thêm phần bài học đạo lý vào câu chuyện, tôi đã nhận ra vì sao ông dành nó cho “những người bạn đặc biệt”. Nhưng tôi đã không nói với ông về điều đó. Đó là ông lão người Ả Rập có cách nói xa gần như một luật sư, không nói trực tiếp những gì ông không dám nói, điều ông muốn nói là: “theo ý ông, chàng trai nào đó đang du hành dọc theo sông Tigris lẽ ra tốt hơn là nên ở quê nhà nước Mỹ thì hơn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học viện thành công – phát triển trên cánh đồng kim cương của bạn