Thông tin mới nhất về vụ “học sinh bị 231 cái tát phải nhập viện”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã chỉ đạo Trường THSC Duy Ninh đình chỉ công tác cô giáo T (trong vòng 15 ngày) để “làm rõ sự việc” và “xử lý vi phạm”.

Học sinh bị tát phải nhập viện: Dùng hình phạt bạo lực là phản giáo dục

thegioitiepthi | 24/11/2018, 18:49

Thông tin mới nhất về vụ “học sinh bị 231 cái tát phải nhập viện”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã chỉ đạo Trường THSC Duy Ninh đình chỉ công tác cô giáo T (trong vòng 15 ngày) để “làm rõ sự việc” và “xử lý vi phạm”.

Nhiều khả năng động thái trên nhằm xoa dịu dư luận, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm chấn chỉnh sai phạm của công tác giáo dục tại Trường THCS Duy Ninh, cụ thể là hành vi phạt học sinh gây phẫn nộ của cô giáo T.

Trước tâm điểm vụ việc,Thế Giới Tiếp Thị Onlinenhận được rất nhiều ý kiến, cùng những chia sẻ của các nhà văn, nhà báo, nhà giáo và cả từ phía phụ huynh học sinh… Chúng tôi xin trích đăng những góc nhìn đa chiều về vụ việc trên.

"Ai đáng bị ăn tát?"

Nhà văn Trần Đức Tiến

Mặt rát bỏng, như vừa hứng trọn hơn 200 cái tát. Đấy là cảm giác của tôi khi vừa đọc xong tin cô giáo trừng phạt cậu học trò bằng cách cho các bạn khác trong lớp tát vào mặt.

Có 3 chi tiết lập tức gây ấn tượng:

Một, đứa nào tát bạn không đủ mạnh, sẽ bị đứa “tội phạm” tát lại. Chi tiết này chứng tỏ: trò trừng phạt đã được cô giáo lạnh lùng tính toán cẩn thận. Nó không còn là phản ứng bột phát trước khuyết điểm của học trò. Nó đã mang tính chất của thứ đòn thù, tuyệt nhiên không còn hơi hướng giáo dục.

Hai, đứa em họ của kẻ “tội phạm” bật khóc khi phải tát vào mặt anh. Em tát anh, mà phải tát cho ra tát, khác gì cô giáo bắt chúng phải chối bỏ tình máu mủ ruột thịt? Chuyện này rõ ràng còn làm chúng tổn thương, đau đớn hơn những cái tát.

Ba, kết thúc, cô giáo nhảy vào tát bồi phát cuối cùng.

Có phải chỉ một mình cậu học trò phạm lỗi bị tát vào mặt? Hay là tất cả chúng ta?

Nhưng ai là kẻ đáng bị trừng phạt, đáng bị ăn tát trước tiên?

Cậu học trò mắc lỗi? Cô giáo? Chưa hẳn.

Theo tôi, kẻ đáng bị ăn tát nhất là ngành giáo dục.

Và người đáng bị ăn cái tát bồi, chính là người đứng đầu ngành.

Nhà văn Trần Đức Tiến (TP.Vũng Tàu)

“Tôi cảm thấy bất lực và chua xót”

Nhà văn Đặng Chương Ngạn

Những năm gần đây, các bậc phụ huynh cứ phải giật mình trước các vụ việc phản giáo dục ở trường học: Cô giáo dạy toán lớp 11 ở TP.HCM “khủng bố” học sinh bằng “quyền im lặng”; cô giáo dạy tiểu học ở Hải Phòng phạt học sinh (một học sinh lớp 3) uống nước vắt từ giẻ lau bảng…

Và, ngay ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm này, chúng ta lại giật nảy mình, bàng hoàng, ngơ ngác: Một cô giáo dạy lớp 6 ở Quảng Bình bắt học sinh trong lớp xử phạt bạn nói tục bằng bạo lực: Mỗi học sinh phải tát mạnh 10 cái vào má bạn tục. Lớp học có 26 học sinh (3 bạn vắng mặt vào lúc xảy ra vụ việc) tát 230 cái, cô giáo tát thêm một cái tổng cộng 231 cái tát (vả) vào má em học sinh phạm lỗi.

Đọc tin, tôi chỉ biết đưa hai tay lên trời và thốt lên: “Trời ơi!”

Trời ơi – vì cảm thấy bất lực, cảm thấy chua xót, đau đớn…

Trời ơi – vì không thể tin lại có những chuyện như vậy vẫn tiếp tục xảy ra ở trường học…

Trời ơi – vì lo lắng cho con em mình, biết cái gì có thể đến với các con khi hàng ngày vẫn phải gửi đến trường học trong hệ thống giáo dục này.

Nhà văn Đặng Chương Ngạn (TP.HCM)

“Nghề giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng”

Nhà giáo Phạm Thái Lê

Có 2 vấn đề mình muốn nói qua vụ này:

1. Thực trạng học nói tục chửi bậy phải nói là kinh hoàng. Tận cùng của tục tĩu. Không một từ tục nào mà các bạn ấy không dùng. Nói tục ở khắp nơi, trên sân trường, xe bus, trên mạng. Điều đó khiến các thầy cô đau đầu. Thực sự là với bản thân mình, mình cũng thấy chưa có cách gì hiệu quả và hợp lí để giải quyết hiện trạng này. Nói tục, chửi thề không đúng lúc, không đúng chỗ (anh đóng cửa xả giận một mình trong phòng thì oke nhé) và với học sinh đương nhiên là cần sự uốn nắn và giáo dục.

2. Mình phản đối bạo lực, ở bất kì đâu trong gia đình, ngoài xã hội, đặc biệt là trong nhà trường. Việc cô giáo "tổ chức" cho lớp tát tập thể, nếu là sự thật, thì đau lòng quá. Có biết bao vụ việc tương tự như thế bị xã hội phẫn nộ, lên án mà cô giáo này vẫn lặp lại thì mình không hiểu nổi. Dù có áp lực thi đua hay vì mục đích rèn dạy học sinh thì hành động này cũng không thể chấp nhận được. Cô muốn thông qua trường hợp này để răn đe các bạn khác thì cô đã sai về cả phương pháp lẫn mục tiêu rồi.

Một đứa trẻ khi đã bị bêu riếu trước tập thể mặc nhiên nó đã được "dán mác", và nghiễm nhiên nó sẽ hành xử cho xứng đáng cái mác mình được dán. Mặt khác, xử lí hành vi nói tục bằng hành vi bạo lực là giải quyết cái sai bằng cái sai hơn.

Tóm lại, nếu đúng sự thật cô giáo tổ chức "đánh tập thể" như thế là cô sai rồi, sai về phương pháp giáo dục và sai pháp luật.

Nghề giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng. Mình không hình dung được hết áp lực thành tích ở các trường công lập như thế nào (mình rời hệ thống giáo dục công lập đã 16 năm) nhưng mình thấy cần chống lại sự thi đua đầy hình thức và rất giả dối như hiện nay

Phạm Thái Lê (Trường Marie Curie Hà Nội)

“Dùng hình phạt bạo lực là phản giáo dục nhất”

ThS Dương Thanh Huyền

Trước hết, việc làm ấy thể hiện sự kém cỏi về kĩ năng xử lí tình huống của cô giáo. Nặng hơn, cô còn mắc tội xâm phạm thân thể trẻ vị thành niên, làm nhục người khác. Điều đó sẽ được pháp luật và các cơ quan chức năng liên quan xem xét có hình thức kỉ luật thích đáng. Thứ đến, rõ ràng cô T không phải là một giáo viên có năng lực sư phạm tốt, càng không xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, mục đích của cô giáo không phải là xấu. Có thể cô là người chịu trách nhiệm cam kết trước nhà trường về chỉ tiêu “không có học sinh lớp mình chủ nhiệm nói tục chửi bậy” (giả dụ thế). Cũng có thể cô là người ghét cay ghét đắng thói nói tục chửi thề hoặc đã dùng nhiều biện pháp răn đe nhưng không cải thiện được tình hình nên khi nghe trò ngang nhiên nói tục cô đã không kìm nỗi tức giận rồi hành xử chệch hướng theo kiểu dùng bạo lực thân thể để “xử” bạo lực tinh thần mà không lường trước hậu quả.

Không biết liệu đằng sau câu chuyện nói tục, học sinh này có biểu hiện gì về đạo đức nữa hay không thì không thấy nhắc tới. Nhưng theo chúng tôi, mới học lớp 6 mà sẵn sàng văng tục trong lớp liệu có phải là học trò ngoan? Hơn nữa, trẻ nói tục sao nhiều người lại đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường? Tôi chắc chắn một điều, những người có thói quen nói tục thì hầu hết không có nền tảng giáo dục tốt từ gia đình. Trong môi trường ấy người lớn (không loại trừ bố mẹ) chắc cũng nói tục như hát hay hoặc gia phong có vấn đề về văn hóa giao tiếp.

Trở lại câu chuyện cô giáo T tổ chức cho học sinh tát vào má học sinh chửi tục, thiết nghĩ đó là kết quả của một sự nóng giận tột đỉnh, thiếu kiểm soát đối với HS ngang nhiên vi phạm nội qui lớp học. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về số lần 231 cái tát dẫn đến hậu quả em học sinh ấy phải “nhập viện cấp cứu” vì “má sưng phần ngoài” (kết luận của bác sĩ). Từ đó ai ai cũng truy xét, lên án chửi rủa cô giáo. Điều đó có nặng nề, có “thổi phồng” quá không? Và, có ai tìm hiểu xem cô giáo T mới chuyển tới trường này vài tháng vì lí do gì, có điều gì ẩn ức hay không để rồi khiến cô “giận cá chém thớt” như thế? Ấy là bàn cho hết nhẽ thế thôi, còn thì chúng tôi không hề có ý ngụy biện hay bênh vực cho việc làm sai trái của cô giáo cả.

Tôi không cổ xúy bạo lực, căm phẫn trước những hành động bạo lực đối với con trẻ nhưng trước sự việc này lại chua chát nghĩ đến phận nghề trong thời điểm hiện tại: Vừa khổ vừa bạc, lại bị trói buộc đủ thứ. Mà đã thế rồi thì đội ngũ các thầy cô giáo đừng để xã hội lên án thêm nữa bởi những việc làm thiếu kiểm soát, thậm chí ngu ngốc của mình có được không?!

Có nhiều cách để xử lí với những biểu hiện phi đạo đức của học sinh, nhất là trong tình hình đạo đức học đường xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng dùng bạo lực là phản giáo dục và nhất thiết không phải phương pháp mang lại hiệu quả tốt đẹp.

ThS Dương Thanh Huyền (Đại học Nha Trang)

“Có những điều cần tuân thủ, có những điều cần phản pháo”

Bạn đọcTrần Thị Hoàng Oanh

Cảm giác của tôi khi đọc tin về vụ này là: bất động và không biết mình sẽ ứng phó như thế nào nếu mình là mẹ của em N.

Ai trong chúng ta cũng đã từng là những cô cậu học trò nhỏ, ngỗ nghịch, thích trêu đùa, đặc biệt có cả những trò tinh quái. Thế nên người ta mới nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Theo thông tin báo chí, tôi nghĩ N. là học trò chuyên gây những trò nghịch ngợm nhưng đó không thể là lý do khiến cô giáo – hình ảnh đại diện cho sự chuẩn mực, giáo dục, mô phạm, lại đi dùng một hình phạt mà, tôi tạm gọi là “hình phạt thời Trung cổ”. Thực sự không ai có thể tưởng tượng ra được vì quá sức tàn nhẫn.

Một hình phạt tàn nhẫn, làm tổn thương tất cả mọi người và rúng động tinh thần xã hội.

Quay lại vấn đề nếu tôi là mẹ của trò bị hại, hiện giờ tôi chỉ muốn ôm ấp con mình bằng trọn tim yêu thương của tôi. Và có khi, tôi còn không đủ dũng cảm để gặp cô giáo đó hay nhận lời nói xin lỗi hay bất cứ hình thức nào gọi là tạ lỗi từ phía cô, nhà trường hay đoàn thể nào. Vì đơn giản, tha thứ cũng cần có thời gian. Vậy mà, tôi thấy người ta tới không bằng sự chân thành, mà vì lo cho những thứ danh dự và thành tích sắp mất đi của họ. Tôi không quan tâm những điều đó, tôi chỉ đóng cửa và chữa lành cho đứa con yêu quý của mình.

Tôi cũng xin nói thêm là, chúng ta, tức những phụ huynh nên quan tâm giáo dục đến tâm lý con em mình, trang bị cho các em những kiến thức để phân biệt đúng sai. Nếu thấy sai các em có quyền từ chối thực hiện, hoặc yêu cầu Ban giám hiệu đến chứng kiến, có ý kiến… Chứ không phải cô thầy ra lệnh là làm, và nghĩ mình cũng có quyền làm điều đó. Có những điều phải tuân thủ, có những điều phải phản pháo lại. Đó mới chính là CON NGƯỜI CHÍNH NGHĨA.

Trần Thị Hoàng Oanh (TP.Đà Nẵng)

“Đừng bị ám ảnh bởi thi đua thành tích”

Nhà báo Trần Triều

Nếu không bị ám ảnh thi đua lập thành tích, thầy cô sẽ có cơ hội được suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn chứ không phải hành động rập khuôn để tránh bị trừ điểm thi đua. Nếu không mất thời gian chạy theo thi đua, các giáo viên có thời gian để nhìn lại học trò của mình để xem các em thực sự có niềm vui trong học tập không và giúp các em học tập trong hạnh phúc. Nếu không vì hai chữ "thi đua" oan nghiệt, sẽ không có những màn kịch dự giờ mà cả thầy và trò cùng diễn trong giả dối.

Nhìn rộng ra cuộc đời, tôi, bạn và những người xung quanh, có ai thành công hay hạnh phúc nhờ thi đua lập thành tích không? Bạn tôi là bác sĩ giỏi vì anh ấy say mê và miệt mài tự học tập chứ không phải vì thi đua trong trường đại học hay thi đua trong cơ quan. Bạn tôi là doanh nhân thành đạt vì anh ấy có trí lực hơn người và làm việc chăm chỉ chứ không phải nhờ thi đua lập thành tích. Cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi biết, thành công nhờ trời phú giọng hát và đam mê với nghề chứ không nhờ thi đua lập thành tích.

Xung quanh tôi, chẳng thấy ai thành công và hạnh phúc nhờ thi đua lập thành tích cả.

Thành tích ảo ngành nào cũng có, nhưng trầm kha nhất là ngành giáo dục.

Chỉ có thầy cô là chịu đau khổ và cuối cùng là học sinh chịu bất hạnh cho chuỗi hành động triền miên thi đua lập thành tích ảo.

Nhà báo Trần Triều (TP.HCM)

Theo TRẦN NHÃ THỤY/Thế Giới Tiếp Thị Online
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh bị tát phải nhập viện: Dùng hình phạt bạo lực là phản giáo dục