Về mặt tạo hình, Bửu Chỉ là họa sĩ đã có hình riêng, nhắm mắt có thể mường tượng ra được. Với người mới xem, chỉ vài lần thôi, cũng đã có hình dung khá chính xác. Những mặt trăng, mặt trời, đồng hồ, ngọn nến, đèn dầu, lưỡng nghi... là những biểu hiệu của Bửu Chỉ.
Trong hành trình hội họa khá đủ đầy, Bửu Chỉ kinh qua nhiều phong cách, mà mỗi phong cách đều vẽ khá sung mãn. Từ vẽ kiểu biếm họa cho đến tranh thiếu nữ lãng mạn, tranh minh họa. Từ ấn tượng cho đến hiện thực huyền ảo, nhưng có vẻ nổi trội hơn lại là tân biểu hiện (néo-expressionnisme) và tượng trưng (symbolism), đôi khi ông kết hợp nhiều phong cách với nhau.
Về mặt nhận diện, ngoài một số tranh theo tinh thần lãng mạn, còn tựu trung Bửu Chỉ là họa sĩ diễn ý - tác phẩm luôn giàu tính văn chương, tư tưởng. Đôi khi vẽ là vẽ một ý niệm trực tiếp, cụ thể. Đọc ý tưởng hoặc bình luận một bức tranh của Bửu Chỉ khá dễ rành mạch, vì chúng dùng biểu hình, biểu ý và biểu tượng khá rõ ràng.
Về mặt tạo hình, Bửu Chỉ là họa sĩ đã có hình riêng, nhắm mắt có thể mường tượng ra được. Với người mới xem, chỉ vài lần thôi, cũng đã có hình dung khá chính xác. Những mặt trăng, mặt trời, đồng hồ, ngọn nến, đèn dầu, lưỡng nghi... là những biểu hiệu của Bửu Chỉ, chúng dùng để đọc ý, để chiêm nghiệm. Bửu Chỉ luôn làm cuộc đi tìm ý nghĩa thời gian của người.
Sinh thời, Bửu Chỉ từng viết: “Có người quan niệm rằng hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính, nghĩa là không có trình tự trước sau. […]. Tôi không đồng ý với quan niệm này, vì nó có nhiều điểm không ổn và không xác đáng”.
Nói như nhà phê bình Thái Bá Vân: “Tôi không hiểu sai Bửu Chỉ: nghệ thuật không phải để trang điểm hay phụ bạc, mà nó phải được bảo đảm và định hướng bằng chính cái ý nghĩa người, bao giờ cũng đẹp đẽ và có ích, trong cuộc sống thường là nhỏ nhen và tàn bạo. Sự trốn thoát nào đó cái hàng ngày, bằng hội họa, của anh là có nghĩa bởi nó đồng nhất với nhập cuộc và đấu tranh cho cái chưa là”.
Còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn vời chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này…”
Bộ sưu tập tranh Bửu Chỉ về số lượng có thể không được nhiều, nhưng cũng khó thấy ở đâu có cùng một lúc gần có đến 30 tranh như thế. Về mặt tạo hình và thẩm mỹ, vì mối quan hệ đặc biệt của chủ sở hữu với chính họa sĩ, nên có được những đại diện cho một vài phong cách đặc trưng của Bửu Chỉ.
Catalogue của bộ sưu tập sẽ được công bố từ ngày 23.8.2019, lễ khaimạc diễn ra vào lúc 18 giờ đến 20 giờ tại Salon LYTHI ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM).
Họa sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 8.10.1948.Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật, Đại họcHuế. Tự học vẽ, chuyên về sơn dầu. Năm 1972, Bửu Chỉ bịbắt giam tại Sài Gònvì tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên học sinh miền Nam. Đến ngày 30.4.1975ông mới được ra tù. Từ năm 1983-1988, ônglà ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Bửu Chỉ có tác phẩm trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Singapore và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.Năm 1989, ôngđã triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Paris (Pháp).Bửu Chỉ đã qua đời năm 54 tuổi sau một cơn huyết áp cao tại nhà riêng, Huế.
Sau ngày anh ra đi đột ngột, nhiều tờ báo lớn đã đăng bài khẳng định vị trí của Bửu Chỉ trong nền hội họa Việt Nam hiện đại. Bửu Chỉ là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam 1983-1988, tranh của anh đã được triển lãm tại Liên Xô, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong nhiều bộ sưu tập tranh ở châu Âu, châu Á… Họa sĩ Đinh Cường, một trong “bộ ba” thân thiết Trịnh Công Sơn-Bửu Chỉ-Đinh Cường, đã viết:“Bửu Chỉ là một tấm lòng rộng mở, một dòng máu tài hoa của Vương Phủ, Vỹ Dạ, một “mệ” vừa là nghệ sĩ tài danh, vừa là con người dấn thân có sức thuyết phục… Con người luôn phản kháng trong anh là để đi đến cái đích cuối cùng: Sự thật và sự cao đẹp…”
Bao nhiêu người đã bày tỏ sự tiếc thương đến bàng hoàng khi nghe tin Bửu Chỉ đột ngột ra đi vào một ngày Đông mưa rét 10 năm trước, ở tuổi 54 khi sức sáng tạo còn tràn đầy và tài năng đang độ chín. Với riêng Bửu Chỉ, hình như chiếc “đồng hồ sinh học” trong anh đã báo động thời khắc muốn dừng lại để nghỉ ngơi, như cái cây vừa nở rộ mùa hoa rực rỡ cuối cùng. Trong lá thư gửi bạn Đinh Cường chỉ một tuần trước ngày Bửu Chỉ bước sang cõi khác, anh viết:“Nhìn lại một đời người cảm thấy ngắn ngủi quá, không đủ để làm cho toại nguyện một cái gì cả!...”
Một nghệ sĩ “tự biết”, không bao giờ toại nguyện, nhưng tác phẩm anh để lại còn mãi với đời…
Nguyễn Khắc Phê (nhà văn)