Hoa đào trong ký ức người xa quê thật trong trẻo, êm đềm, gợi bâng khuâng, xao xuyến, cứ chập chờn như thực như mơ, lúc xa lúc gần. Hoa đào là vẻ đẹp của đất Bắc nhiều sương gió, lạnh lùng.

Hoa đào trong ký ức người xa quê

21/01/2017, 07:29

Hoa đào trong ký ức người xa quê thật trong trẻo, êm đềm, gợi bâng khuâng, xao xuyến, cứ chập chờn như thực như mơ, lúc xa lúc gần. Hoa đào là vẻ đẹp của đất Bắc nhiều sương gió, lạnh lùng.

Hoa đào, nét xuân đặc trưng đất Bắc

Gần 4 chục năm sống phận tha hương, mỗi khi nhớ về đất Bắc, nếu không kể nỗi nhớ con người, tôi chỉ nhớ nhất hoa đào.

Cũng chả hẳn riêng hoa đào. Nhiều lúc cồn cào nhớ mùa đông bởi trong này nóng quanh năm, chẳng biết mùa đông bao giờ. Dù có nhiều kỷ niệm về mùa đông, nhưng mùa đông thường gợi lại cảm giác kinh hoàng, rét mướt, đói rách, vất vả… nên tuy nhớ, bồi hồi thật đấy mà vẫn kinh kinh. Còn hoa đào lại khác, trong trẻo, êm đềm, gợi bâng khuâng, xao xuyến, cứ chập chờn như thực như mơ, lúc xa lúc gần. Hoa đào là vẻ đẹp của đất Bắc nhiều sương gió, lạnh lùng.

Từ bé đến nhớn 17 tuổi, tôi chỉ quanh quẩn nơi xóm làng, chẳng mấy khi được đi xa. Làng Trà Phương (Hải Phòng) quê tôi nằm ngay chân núi Trà, còn gọi là núi Chè, làng nhỏ bé, chật chội, sức trai đi một mạch hết từ đầu làng tới cuối làng, vẫn chưa phải thở dốc, chưa đổ mồ hôi. Người làng hiền lành, từng họ tộc quây quần với nhau thành nhóm chục hoặc hơn chục hộ, đến giờ sau gần nửa thế kỷ xa quê (kể cả thời đi học), tôi vẫn nhớ như in chỗ quần cư của họ Nguyễn, họ Vũ, họ Ngô, họ Đặng, họ Đỗ, họ Phạm; nhớ hồi ấy xóm Núi có những nhà nào, xóm Thành phủ có nhà nào, lối đi làm sao; nhớ những nhà ai xây tường bằng đá núi, nhà ai lợp ngói (hiếm lắm), nhớ những khoảnh vườn của từng nhà rào giậu ra sao. Nhiều lúc thấy khiếp cho bộ não, nó chứa thứ trí nhớ bền bỉ vậy, nó lèn đầy hình ảnh, chi tiết, nó không chịu xóa bớt đi để nhường chỗ cho cái mới, mà sao chả nổ tung lên nhỉ. Thứ nồi áp suất này, phải tháo van xả bớt ra bằng những cuộc gõ bàn phím tái hiện ký ức, âu cũng là cách giữ cho đầu mình được an toàn vậy.

Trong đám trí nhớ đó, hiện lên những sắc hoa đào. Hầu như nhà nào, dù vườn rộng hay hẹp, cũng trồng một hoặc vài cây đào. Dường như tôi thấy chỉ có nhà cụ Đẹn nghèo nhất làng là không trồng đào. Mảnh vườn trước sân nhà cụ chỉ trồng khoai lang quanh năm, ngoài ra chả có thứ cây ăn quả nào. Có lẽ, với vợ chồng cụ và các con cụ, khoai cần hơn tất cả, bởi ổi hay táo hay hoa đào đều không cứu được đói.

Cây đào, hình như thiên nhiên tạo hóa phú cho nó vẻ thanh lịch, điệu đà, cao quý bẩm sinh nên luôn được chăm chút đặc biệt. Không ai trồng đào ở góc vườn, bờ rãnh, chỗ đất thừa đuôi thẹo bao giờ. Đào luôn ngự ngay giữa vườn, chỗ đẹp nhất, trang trọng, dễ coi nhất, cửa chính nhìn ra là thấy ngay. Nếu trồng hai cây thì cũng vẫn phải chỗ đắc địa, cân đối. Với người nông dân quanh năm suốt tháng vất vả cần lao, chân lấm tay bùn thì những ngày xuân là ngày trút những lo âu phiền muộn, vui với cái vui của đất trời. Chỉ có cây đào, sắc hoa đào mới có thể gánh vác được nhiệm vụ nặng nề, vinh quang ấy. Phần việc còn lại trong năm, nó (đào) nhường cho cây cau, cây táo, cây mít, cây ổi, cho đám rau thì là, húng láng, mùng tơi, rau ngót, rau dền…

Thày tôi, thuộc lớp người cuối cùng của nền nho học đã lụi tàn, rất thích hoa đào. Vườn nhà tôi, lúc thịnh nhất thày tôi trồng 5 cây đào cả thảy. Không cần coi lịch, cứ ngắm vườn đào cũng có thể biết mùa xuân đang về đến đâu rồi. Thày tôi chăm chút, tưới tắm, vun gốc, tỉa cành, bắt sâu, vặt lá… cho đào còn hơn chăm chính mình, chăm vợ con. Trong cung cách ấy toát lên sự say mê, trân trọng cái đẹp, nhận ra sự vận chuyển kỳ diệu của đất trời, tạo hóa mà đám trẻ con chúng tôi nhiều khi không tài nào hiểu được, chỉ thấy có vẻ gì bí hiểm. Những nụ đào hàm tiếu, những bông đào mãn khai, những cành đào xù xì gân guốc, đầy mấu mí có gì đó thiêng liêng lắm, thày tôi xem như một phần không thể thiếu của mùa xuân, của cuộc đời mình.

Ấy vậy mà, nhà tôi nằm ven đường, mỗi lần các chú bộ đội trận địa tên lửa Mả Đò đi ngang qua, thấy vườn rực sắc hồng đào xen lẫn bích đào đẹp quá, liền vào xin một cành về cắm cho anh em lính xa quê vui đón xuân. Thày tôi quý đào nhưng cũng rất quý các chú bộ đội. Nhà tôi chưa khi nào lần nào chặt cành đào đem vào trưng tết trong nhà, nhưng thày tôi vẫn biếu các chú, chọn cho cành đẹp nhất. Khổ nỗi cả trận địa có nhiều phân đội, chú này có được thì chú khác cũng tìm ra xin. Có năm vườn đào vãn đi cả, mấy chị em chúng tôi tiếc lắm, và hiểu ngầm với nhau rằng thày tôi cũng tiếc lắm. Không thể cho hết cả vườn, nhà lấy gì mà đón xuân, một hôm thày tôi bảo anh Uy tôi hòa cho ống nước vôi, rồi thày tôi nắn nót viết lên bờ tường xi măng cạnh vườn “Đề nghị không hỏi xin cành đào”. Mãi về sau này tôi mới hiểu được nỗi lòng của thày tôi trong chữ “đề nghị” ấy.

Sau này đất bạc màu dần, vườn đào cũng cỗi đi, chỉ còn lại đôi cây nhưng sắc đào vẫn ửng dịp cuối tháng chạp để con cháu nhớ xuân tìm về. Chỉ mãi sau nữa khi thày tôi xa rồi, bu tôi già yếu, con cái cháu chắt tỏa đi tứ xứ kiếm kế sinh nhai, sắc đào mới lụi dần, lụi dần. Mỗi lần về quê, lọ dọ ra vườn, chả hiểu sao tôi vẫn nguyên cái cảm giác mình đang le te hăm hở giúp thày xúc đất vun vào mấy gốc đào. Hoa đào và hình ảnh thày tôi cứ chập chờn trong gió xuân se lạnh.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa đào trong ký ức người xa quê