Không ít các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cho rằng, những điều kiện kinh doanh được đưa ra hiện nay phần lớn là do các yếu tố lợi ích nhóm và cục bộ vẫn được gọi với cái tên “nguyên lý những nồi cơm”, trong đó có vẻ như lại có sự liên hệ khá mật thiết đối với ngân sách nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp, không gì bằng giảm thâm hụt ngân sách?

Nhàn Đàm | 01/09/2016, 09:28

Không ít các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cho rằng, những điều kiện kinh doanh được đưa ra hiện nay phần lớn là do các yếu tố lợi ích nhóm và cục bộ vẫn được gọi với cái tên “nguyên lý những nồi cơm”, trong đó có vẻ như lại có sự liên hệ khá mật thiết đối với ngân sách nhà nước.

Có lẽ ít có khoảng thời gian nào nhưthời gian vừa qua, khi mà cuộc chiến giữa doanh nghiệp và các bộ ngành quản lý trở nên sôi động chưa từng thấy, thậm chí được đẩy lên cao trào như trong câu chuyện Thông tư 20. Phần lớn các thông tư, quy định này bị xem là chướng ngại và vật cản đối với các doanh nghiệp, và vì thế cần phải được loại bỏ nếu như muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không ít các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cho rằng, những điều kiện kinh doanh này một phần lớn là do cách thức quản lý không hiệu quả của các bộ ngành, chưa kể đến các yếu tố lợi ích nhóm và cục bộ. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn được gọi với cái tên “nguyên lý những nồi cơm” này không dừng lại ở đó, mà có vẻ như lại có sự liên hệ khá mật thiết đối với ngân sách nhà nước. Theo nguyên lý này, nếu càng giảm được thâm hụt ngân sách, thì càng hỗ trợ được doanh nghiệp.

Hai câu chuyện được nhắc đến như những điển hình của các điều kiện kinh doanh vô lý mà các bộ ngành áp đặt lên doanh nghiệplà về Thông tư 20 và Thông tư 37. Đều là những câu chuyện liên quan đến các quy định về nhập khẩu, với Thông tư 20 là xe ô tô dưới 9 chỗ, còn Thông tư 37 là kiểm định hàm lượng formaldehyt trong các sản phẩm dệt may. Liên quan đến các quy định xuất nhập khẩu này, có những thực tế khiến không ít người cảm thấy khó hiểu.

Chẳng hạn như Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu và thực hiện kiểm tra từng lô hàng, dù điều này được xem là gây khó khăn và cản trở nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu. Kể cả khi có những số liệu thống kê rất thuyết phục để gỡ bỏ việc kiểm tra kỳ lạ này, như thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), theo đó trong 7 năm thực hiện quy định kiểm tra formaldehyt với 8.000 lô hàng/năm thì chỉ phát hiện 6 trường hợp mẫu vải vượt hàm lượng quy định(theo The Saigon Times). Nói cách khác, việc kiểm tra từng lô hàng là không cần thiết, gây lãng phí lớn cả về thời gian và tiền bạc với doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “thích kiểm tra” này của cơ quan quản lý, theo các doanh nghiệp thì phần lớn xuất phát từ yếu tố tài chính. Theo đó, hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ thì doanh nghiệp phải đóng phí từ 500.000đ đến 1 triệu đồng/lần, nếu kiểm tra hàm lượng formaldehyt thì phải mất 1,4 triệu đồng nếu kết quả có trong 3 ngày. Ngoài ra, mỗi lô hàng phải thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ) phải đóng lệ phí 150.000 đồng để nhận thông báo kết quả. Một vài lô hàng thì con số này không đáng kể, nhưng hàng triệu lô thì đó lại là một số tiền khổng lồ.

Tuy nhiên, dường như đó vẫn chưa phải là nguyên nhân sâu xa nhất. Một số quan điểm cho rằngbản chất của việc kiểm tra từng lô hàng ở Việt Nam (thay vì kiểm tra xác suất như các nước trên thế giới thường làm) là do vấn đề ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ cũng như UBND các tỉnh thành phố năm nào cũng giao chỉ tiêu thu nộp ngân sách cho các cơ quan, nên các cơ quan quản lý phải lo thu cho đủ để đảm bảo yêu cầu (theo The Saigon Times). Điều này có nghĩa là, phần lớn tiền thu được đều được chuyển thẳng về kho bạc nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan hiện nay đều đã tự chủ về tài chính nên phải tăng thêm các khoản thu để trả lương cho cán bộ nhân viên.

Việc giao chỉ tiêu thu ngân sách này trên thực tế không phải là điều gì quá mới mẻ, khi đã có khá nhiều ngành công khai việc được Nhà nước giao chỉ tiêu hàng năm, mà điển hình nhất là ngành thuế. Nên cũng không lấy gì làm lạ nếu như lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành thuộc các bộ cũng được giao chỉ tiêu tương tự. Theo thống kê của ngành hải quanthì có tới hơn 343 văn bản quy phạm pháp luật, từ luật đến quyết định của các bộ ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành. Hệ thống hơn 340 văn bản chỉ trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành này, không nghi ngờ gì việc có thể tạo ra nguồn thu lớn đến mức nào.

Điều này có nghĩa làtrừ phi Việt Nam giải quyết được các vấn đề về thu ngân sách nhà nước, thì khi đó các quy định gây khó dễ cho các doanh nghiệp mới có thể được gỡ bỏ hoàn toàn. Đây có thể là một việc rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đã trở thành tình trạng thường xuyên diễn ra ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê,trong 8 tháng đầu năm 2016 thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã đạt mức 111.000 tỉ đồng (theo CafeF),trong đó nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khu vực doanh nghiệp nhà nước.Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thì thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2015 có thể lên tới gần 7% GDP – là mức cao nhất từ năm 2000 trở lại đây.

Vì thế, để có thể cùng lúc cân bằng giữa việc đảm bảo ngân sách nhà nước, giảm thâm hụt và đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp như mục tiêu được Chính phủ đề ra, thì giải pháp duy nhất có thể là giảm các khoản chi có hiệu quả thấp từ ngân sách. Trong đó có thể kể đến việc giảm các khoản chi trả nợ công ngắn hạn vốn chiếm một phần lớn trong chi ngân sách thường xuyên, bằng cách siết chặt lại các khoản vay nợ không thực sự hiệu quả.

Việc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới từ năm 2017 có thể xem như một động thái cần thiết để cải thiện vấn đề này, bên cạnh việc đảm bảo an toàn nợ công quốc gia. Một giải pháp khác là siết chặt việc thẩm định và thông qua các dự án đầu tư tràn lan không hiệu quả trên cả nước vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nợ địa phương tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua. Việc Luật đầu tư công bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2015 và được kiểm soát nghiêm ngặt kể từ đầu năm nay đang được kỳ vọng sẽ khiến cho toàn bộ quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí vốn, giải ngân… tại các địa phương trên cả nước sẽ phải tuân thủ các thủ tục, trình tự chặt chẽ hơn.

Chỉ khi siết chặt lại các khoản chi thường xuyên không hiệu quả, đồng thời nắn lại dòng vốn vào các lĩnh vực và dự án có hiệu quả kinh tế lớn nhất để giảm thâm hụt ngân sách, thì áp lực lên ngân sách nhà nước mới được giảm thiểu. Khi đó các doanh nghiệp mới được cởi trói khỏi các quy định vô lý ràng buộc mà mục đích cuối cùng cũng chỉ là để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ doanh nghiệp, không gì bằng giảm thâm hụt ngân sách?