Sáng nay, 9.5, tại Hà Nội, các địa phương khu vực phía Bắc đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2014 cho các trường trên địa bàn. Theo ghi nhận, năm nay tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ của các tỉnh đều giảm, tỷ lệ giảm bình quân khoảng 30%, cá biệt có tỉnh giảm tới gần 50%.

Hồ sơ đăng ký thi ĐH-CĐ giảm mạnh

Một Thế Giới | 09/05/2014, 19:37

Sáng nay, 9.5, tại Hà Nội, các địa phương khu vực phía Bắc đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2014 cho các trường trên địa bàn. Theo ghi nhận, năm nay tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ của các tỉnh đều giảm, tỷ lệ giảm bình quân khoảng 30%, cá biệt có tỉnh giảm tới gần 50%.

Ngành kinh tế tiếp tục giảm

Cụ thể, theo số liệu của Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, năm nay Hà Nội có 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm trên 10.000 hồ sơ so với năm 2013. Tỷ lệ hồ sơ dự thi trung bình khoảng 1,5 hồ sơ/thí sinh.

Trong đó khối A, A1, D vẫn được thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất. Khối C cả thành phố Hà Nội chỉ có trên 7.000 hồ sơ đăng ký. Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ được thí sinh Hà Nội chọn đăng ký dự thi nhiều nhất, nhóm ngành kinh tế vẫn như mấy năm trước đây, có xu hướng giảm.

Đây cũng là đặc điểm tương tự của nhiều địa phương khác khi số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay đều giảm mạnh, ông Đặng Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết toàn tỉnh có gần 38.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm trên 5.000 bộ so với năm trước. Tỷ lệ hồ sơ ảo giảm mạnh.  Nhìn chung nhóm ngành kinh tế, sư phạm đều giảm trong khi nhóm ngành kỹ thuật chiếm ưu thế.

Tại tỉnh Ninh Bình, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT Ninh Bình Nguyễn Văn Sản cho biết,  tổng số hồ sơ dự thi toàn tỉnh là  trên 13.000 hồ sơ, giảm 3.000 hồ sơ so với năm trước, tương đương khoảng 20%. 

50% học sinh tỉnh Ninh Bình lựa chọn thi đại học khối A, A1; trong khi đó khối C chỉ có trên 1.100 hồ sơ với khoảng gần 8%.  Về nhóm ngành, thí sinh ở tỉnh Ninh Bình vẫn chuộng nhất Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cùng với đó là nhóm ngành kỹ thuật, kinh tế. Còn lại, nhóm ngành kinh tế đều có xu hướng giảm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sản, xu thế chọn ngành nghề của thí sinh ngày càng đáng mừng. “Đây là xu hướng rất tốt, thí sinh đã lựa chọn nghề nghiệp thực tế hơn, có tham khảo cảnh báo của Bộ GD-Đ, của thị trường, ví dụ như đã không còn đổ xô thi vào kinh tế.

Điều đặc biệt, năm nay ở Ninh Bình xu hướng học nghề và trung cấp chuyên nghiệp đã tăng lên, chứng tỏ công tác phân luồng học sinh có hiệu quả hơn”, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình nhận định. Từ đó, ông đề xuất cần tăng chất lượng dạy nghề và TCCN để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học.

Ông Tạ Nhật Tân, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, toàn tỉnh năm nay có 35.000 hồ sơ, giảm 8.000 bộ so với năm ngoái. Mọi năm, trung bình mỗi thí sinh nộp 2 đến 3 bộ, nhưng năm nay mỗi em chỉ nộp từ một đến hai hồ sơ. Điều đó cho thấy thí sinh đã biết cân nhắc hơn trong việc chọn trường, chọn nghề.

Mặt khác, thực tế hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã phần nào tác động đến sự lựa chọn của các em. Nhiều học sinh đã tự xác định năng lực của mình để chọn các trường trung cấp thay vì học đại học.

Đáng chú ý, lượng hồ sơ giảm mạnh hơn ở bậc cao đẳng. Nhiều trường cao đẳng chỉ có vài ba hồ sơ, trường nào nhiều thì có trên 100 hồ sơ. Tổng số hồ sơ vào cao đẳng của học sinh toàn tỉnh Thái Bình là 3.688 bộ, chỉ tương đương với số hồ sơ đăng ký vào một trường đại học.

Tại các tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc, ghi nhận chung cũng cho thấy lượng hồ sơ giảm mạnh. Cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có 6.668 hồ sơ ĐKDT, giảm gần 50% so với năm trước. Thí sinh tỉnh Tuyên Quang chủ yếu chọn thi vào ĐH “nhà” là ĐH Tân Trào, tiếp đến là ĐH vùng Thái Nguyên với ngóm ngành kỹ thuật, nông nghiệp là chủ yếu.
Ho so dang ky thi DH-CD giam manh

Bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2014 cho các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội 

Tại tỉnh Hòa Bình, tổng cộng cũng chỉ có 6.300 hồ sơ, giảm 30% so với năm trước; khối nông-lâm tăng, trong khi khối ngành kinh tế giảm rõ rệt. Lượng hồ sơ giảm ở tất cả các trường, nhiều trường không có thí sinh đăng ký; hoặc chỉ có duy nhất 1 thí sinh ở tỉnh Hòa Bình đăng ký dự thi vào trường Cao đẳng công nghiệp và thương mại Hà Nội.

Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, tổng số hồ sơ là 7.100, giảm 30% so với năm trước. Khối ngành kỹ thuật, nông nghiệp vẫn giữ ổn định, trong khi khối ngành kinh tế giảm mạnh. Lý giải về sự sụt giảm hồ sơ này, đại diện sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho rằng, nguyên nhân chính là cơ hội viêc làm sau khi học ĐH của thí sinh không lớn nên nhiều em chuyển hướng vào đời sớm, từ bỏ con đường học hành.

Đề nghị sớm ổn định đổi mới thi cử

Một điều dễ nhận thấy là năm nay, đa phần thí sinh vẫn lựa chọn thi vào các trường có tổ chức thi đại học 3 chung. 
Theo lý giải của Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình, vì là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện cho các trường tuyển sinh riêng nên tâm lý của thí sinh vẫn rất ngại ngần. Ví dụ trong số 104 trường có hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, chỉ duy nhất 1 trường thi riêng có thí sinh đăng ký dự thi.

Nhiều địa phương cũng lo ngại với quy định các trường được tuyến sinh 2 lần/năm; cho các trường thực hiện xét tuyển… như năm nay thì chắc chắc, các trường đại học top dưới, ĐH ngoài công lập, ĐH tuyển sinh sẽ rất khó tuyển sinh.

Nhiều địa phương cũng đề xuất Bộ GD-ĐT sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tiến tới chỉ còn 1 kỳ thi, gộp kỳ thi ĐH và thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi “2 trong 1”, vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ.

“Nên chỉ còn 1 kỳ thi, nhưng có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải giữ kỳ thi nghiêm túc như thi ĐH-CĐ”, ông Đặng Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định nói.

Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Văn Sản cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải sớm ổn định việc đổi mới thi cử, không đề ra quá nhiều thay đổi như vừa qua, khiến học sinh rất lo lắng.

Mặt khác, nhiều địa phương cũng đề xuất Bộ GD-ĐT năm sau phải hoàn thiện hơn về thông tin của cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ. Năm nay, do cuốn cẩm nang này có nhiều thông tin không chính xác, thiếu, khiến sở GD-ĐT phải cập nhật, bổ sung hướng dẫn, đồng thời thí sinh cũng phải tra cứu thông tin thêm ở các trường, rất vất vả.

Theo Phan Thảo (SGGP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ sơ đăng ký thi ĐH-CĐ giảm mạnh