Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới với 5 bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau cùng rất nhiều sách tham khảo, điều này đã khiến nhiều phụ huynh lúng túng. Không những thế, nhiều trường đã lợi dụng tình hình này đã bán "trộn thêm" các cuốn bài tập khiến phụ huynh "rối càng thêm rối".

Hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm nếu ép phụ huynh mua sách tham khảo tại trường

18/09/2020, 09:48

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới với 5 bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau cùng rất nhiều sách tham khảo, điều này đã khiến nhiều phụ huynh lúng túng. Không những thế, nhiều trường đã lợi dụng tình hình này đã bán "trộn thêm" các cuốn bài tập khiến phụ huynh "rối càng thêm rối".

Phụ huynh tìm mua sách lớp 1 cho con tại nhà sách

Loạn SGK và sách bài tập: Lỗi thuộc về các cơ sở giáo dục

Bắt đầu vào năm học mới, nhiều phụ huynh cho biết họ đã được các giáo viên giới thiệu mua trọn bộ SGK tại trường, trong đó có cả những bộ bài tập, bộ học cụ, bộ Tiếng Anh lên tới cả 700 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng. Nhiều phụ huynh vẫn bỏ tiền ra mua cho con nhưng không biết để làm gì và có thật sự cần thiết hay không. Thậm chí cả những cuốn sách Giáo dục thể chất hay cuốn Hoạt động trải nghiệm thì chỉ cần một cuốn sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ vì các môn này đều là môn thực hành.

Trước ý kiến của một số phụ huynh học sinh về việc phải mua quá nhiều sách tham khảo lớp 1 cho con em mình khiến chi phí cho một bộ sách tăng quá cao, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, cơ sở giáo dục nào không thông báo rõ ràng mà chỉ liệt kê danh mục các sách cần mua, trong đó để cả sách giáo khoa kèm sách tham khảo thì trường đó làm sai.

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết do đặc thù năm nay mỗi trường được quyền chọn cho mình một hoặc nhiều hơn một bộ SGK nên rất cần sự thống nhất với phụ huynh. Về mặt nguyên tắc, học sinh phải được trang bị đầy đủ SGK. Còn sách tham khảo, bổ trợ và một số loại khác theo ông Tiến, căn cứ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Phụ huynh hoàn toàn có thể chỉ đăng ký mua sách giáo khoa ở trường, còn sách tham khảo ra hiệu sách mua để cho con làm thêm vào cuối tuần, nhà trường tuyệt đối không được bắt phụ huynh mua cả sách tham khảo ở trường.

Trước tình trạng loạn giá sách giáo khoa hiện nay, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, lỗi này hoàn toàn thuộc về cơ sở giáo dục vì hầu như các phụ huynh tin đều có tâm lý tin tưởng nhà trường, tâm lý sợ con không có sách sẽ thua kém bạn bè. Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra. Số ít có thắc mắc nhưng cũng ngại "đi đến cùng" vì lo lắng con mình bị trù dập. Chuyên gia này cho rằng Bộ GD-ĐT nên xử nghiêm việc nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách bổ trợ, tham khảo ngay từ những trường hợp đầu tiên, nếu không muốn ảnh hưởng việc thực hiện chương trình mới.

Hiệu trưởng sẽ bị xử lý nếu trường sai phạm trong việc sử dụng SGK

Trao đổi về việc các phụ huynh khá bức xúc khi nhiều trường nhập nhèm trong việc cung cấp SGK và cả sách bài tập khiến giá thành bộ sách được đội lên không ít. Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ đã ban hành và thường xuyên được cập nhật, nhắc nhở, quán triệt các văn bản hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư 28 mới ban hành cũng quy định rõ: SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.

Các trường tiểu học sử dụng SGK được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt và được UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường. Giáo viên, học sinh sử dụng SGK này vào các hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD-ĐT ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Thái Văn Tài cũng khẳng định: "Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết là “mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”. Thông tư 28 đồng thời phân rõ trách nhiệm quản lí, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường tiểu học là của Hiệu trưởng nhà trường tiểu học. Như vậy, nếu có sai phạm trong việc trang bị, sử dụng SGK và tài liệu tham khảo ở cơ sở giáo dục tiểu học, Hiệu trưởng sẽ bị chịu xử lý trách nhiệm".

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan
Bộ GD-ĐT dự kiến siết xét tuyển đại học bằng học bạ
Ngày 22.11, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó, có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm nếu ép phụ huynh mua sách tham khảo tại trường