Hiệp hội tài xế công nghệ gồm cả xe bánh và 4 bánh (GARDA) hôm qua 7.12 đã tiết lộ rằng họ sẽ kêu gọi anh em thành viên xuống đường nếu Grab và Gojek sáp nhập

Hiệp hội "tài xế công nghệ" xứ Vạn đảo dọa biểu tình nếu Grab và Gojek sáp nhập

Anh Tú | 08/12/2020, 14:16

Hiệp hội tài xế công nghệ gồm cả xe bánh và 4 bánh (GARDA) hôm qua 7.12 đã tiết lộ rằng họ sẽ kêu gọi anh em thành viên xuống đường nếu Grab và Gojek sáp nhập

Theo Reuters và Jakarta Post, Grab  và Gojek đã có tiến bộ đáng kể trong việc tìm ra một thỏa thuận để sáp nhập với nhau.

Hai gã khổng lồ trong ứng dụng gọi xe đã thu hẹp sự khác biệt về quan điểm cho dù một số phần của thỏa thuận vẫn cần được thương lượng tiếp. Các chi tiết cuối cùng vẫn đang được thảo luận giữa các lãnh đạo cấp cao nhất của mỗi công ty với sự tham gia của Masayoshi Son, một nhà đầu tư lớn của Tập đoàn SoftBank.

grab.jpg
Các tài xế công nghệ tại Indonesia xuống đường

Theo một cơ cấu nhận được sự chấp thuận cao, người đồng sáng lập Grab, Anthony Tan sẽ trở thành giám đốc điều hành của tổ chức được sáp nhập, trong khi các giám đốc điều hành của Gojek sẽ điều hành doanh nghiệp sáp nhập ở Indonesia với thương hiệu Gojek. Người trong cuộc tiết lột hai thương hiệu có thể được điều hành riêng biệt trong một khoảng thời gian dài.

Đại diện của Grab, Gojek và SoftBank từ chối bình luận. “Chúng tôi không có bình luận gì về những đồn đoán” phát ngôn viên của Grab khẳng định hồi tuần trước. Giám đốc của Gojek, Nila Marita cũng từ chối làm rõ các vấn đề sáp nhập: “Chúng tôi không thể phản hồi về những tin đồn đang lan truyền". 

Mặc dù vậy, tin đồn về thỏa thuận vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Indonesia. Hiệp hội tài xế công nghệ gồm cả xe bánh và 4 bánh (GARDA) hôm qua 7.12 đã tiết lộ rằng họ sẽ kêu gọi anh em thành viên xuống đường nếu việc sáp nhập giữa Gojek và Grab thực sự xảy ra.

Chủ tịch GARDA Igun Wicaksono nói với Bisnis rằng các thành viên của hiệp hội sẽ tới trước các trụ sở chính phủ để tổ chức biểu tình. Ông khẳng định rằng hiệp hội mình đang lãnh đạo có trách nhiệm với sinh kế của hàng triệu đối tác trong ngành.

“Mục tiêu của chúng tôi sẽ là Cung điện Merdeka, Hạ viện (DPR), bộ điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, KPPU (ủy ban giám sát cạnh tranh kinh doanh), và BKPM (ban điều phối đầu tư),” Wicaksono cho biết vào ngày 7.12.

Ông thừa nhận rằng việc sáp nhập kinh doanh sẽ là việc giữa các doanh nghiệp nhưng chính phủ vẫn đóng vai trò là cơ quan quản lý, nên có thẩm quyền từ chối hoặc chấp nhận sự hợp nhất của hai gã khổng lồ trong ứng dụng gọi xe ở Indonesia.

Theo Jakarta Post, thỏa thuận này sẽ cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý do xuất hiện lo ngại về tình trạng độc quyền sau khi hợp nhất hai công ty dịch vụ gọi xe hàng đầu khu vực.

Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia (YLKI) hôm qua cũng đã phản ứng với kế hoạch sáp nhập của Gojek và Grab, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng động thái này sẽ là khởi đầu cho sự độc quyền, có khả năng vi phạm Luật Độc quyền và Cạnh tranh kinh doanh Không lành mạnh.

Theo chủ tịch YLKI Tulus Abadi, việc sáp nhập giữa hai bên có thể gây hại cho người tiêu dùng thông qua việc giảm các tiêu chuẩn dịch vụ cho đến độc quyền về giá.

“Việc sáp nhập rõ ràng có thể là một bất lợi, đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh (KPPU) xem xét. Đây là công việc của họ”, Tulus Abadi nói hôm 7.12,

Grab và Gojek đã bị sa lầy trong một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt và tốn kém để giành vị trí thống trị trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn và thanh toán di động trong vài năm qua. Các nhà đầu tư đang thúc đẩy họ kết hợp nguồn lực trên khắp Đông Nam Á để giảm việc đốt tiền và tạo ra một trong những công ty khai thác ứng dụng mạnh nhất trong khu vực. Grab, hiện có mặt tại 8 quốc gia, được định giá hơn 14 tỷ USD, trong khi Gojek, trị giá 10 tỷ USD đã có mặt tại Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

SoftBank đã thúc đẩy một thỏa thuận kể từ khi Son đến thăm Indonesia vào tháng 1. Theo nguồn tin am tường các cuộc đàm phán, mối quan hệ hiềm khích giữa các nhà lãnh đạo của hai công ty đã khiến các cuộc đàm phán trước đây bế tắc.

Nhưng sự xuất hiện của Sea Ltd. như một lực lượng đáng gờm trong thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số đã tạo thêm động lực mới cho cuộc kết nối Grab-Gojek. Ví điện tử ShopeePay, đã giành được thị phần nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ ngày càng tăng của nền tảng thương mại điện tử Shopee của Sea. Điều đó đang thách thức các công ty dẫn đầu thị trường GoPay và Ovo do Grab hậu thuẫn ở Indonesia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp hội "tài xế công nghệ" xứ Vạn đảo dọa biểu tình nếu Grab và Gojek sáp nhập