Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi như một bước tiến mạnh mẽ của ảnh hưởng Trung Quốc trên các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Vai trò của Mỹ ở đâu?

Hiệp định RCEP và dòng chảy thế giới xuôi về đâu?

Lê Học Lãnh Vân | 30/11/2020, 11:15

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi như một bước tiến mạnh mẽ của ảnh hưởng Trung Quốc trên các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Vai trò của Mỹ ở đâu?

Ngày 15.11.2020, RCEP được ký kết giữa 15 quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó có những cường quốc kinh tế, kỹ thuật toàn cầu như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… Với kích thước dân số và nền kinh tế, Trung Quốc được xem là trụ cột của tập hợp các quốc gia này. Cho dù Ấn Độ không tham gia, RCEP được coi như một bước tiến mạnh mẽ của ảnh hưởng Trung Quốc trên các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều người cũng xem đây là một thí dụ về sự thụt lùi thêm nữa của Mỹ trong vai trò dẫn dắt toàn cầu.

1. Kể từ sau thế chiến II, nước Mỹ luôn có vai trò lãnh đạo thế giới. Siêu cường kinh tế, siêu cường quân sự và quan trọng nhất là siêu cường dân chủ, tự do.

Với tư cách siêu cường kinh tế, Mỹ đã hỗ trợ nhiều quốc gia phục hồi kinh tế sau thế chiến II, đặc biệt là sự phục hồi thần kỳ của Nhật và Tây Âu. Sự trỗi dậy ngoạn mục của Hàn Quốc, Đài Loan có vai trò rất lớn của Mỹ. Với tư cách siêu cường quân sự, Mỹ là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình trên thế giới. 

Tuy nhiên, tư cách siêu cường dân chủ, tự do mới củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Nền dân chủ của quốc gia này được ngưỡng mộ trên cơ sở của rất nhiều quyền tự do, trong đó có quyền tự do ứng cử bầu cử, tự do báo chí và ngôn luận, tự do lập hội… Hệ thống pháp luật và định chế xã hội bảo đảm vững chắc các quyền tự do này.

Rất nhiều quốc gia nhìn về Mỹ như hình mẫu của sự tổ chức và vận hành xã hội với tính hiệu quả cao. Một “melting box” (nồi pha trộn, tan chảy vào nhau), một tô xà lát “salad bowl” (cũng có ý nghĩa pha trộn), như là một thế giới nhỏ thu hút người các nơi khác về tạo thành xứ sở tinh hoa, nơi mà đặc điểm văn hóa của các sắc dân vẫn được duy trì. Vùng đất của sự cạnh tranh trong bình đẳng cơ hội, của nền đạo đức kinh doanh được thiết lập vững vàng. Quốc gia của tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp luật, xã hội dân sự…

2. Sự trỗi dậy của các nước thuộc thế giới thứ ba đã bắt đầu từ lâu. Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, các nước Đông Âu và gần đây nhất, Trung Quốc cạnh tranh việc làm với Mỹ và các nước Tây Âu . Những tập đoàn kinh tế lớn tại Mỹ và châu Âu đầu tư vào châu Á và giàu mạnh hơn, nhưng đời sống người lao động tại Mỹ và Tây Âu lại tương đối khó khăn hơn, do đó mâu thuẫn và xung đột xã hội trong lòng những quốc gia này căng thẳng hơn.

Trung Quốc là trường hợp đặc biệt của sự trỗi dậy. Khác với các quốc gia kể trên, kích thước dân số lớn, lịch sử lâu dài, một khi đã tích lũy được tư bản và kiến thức khoa học kỹ thuật thì cách hành xử của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế mang phong cách của chủ nghĩa nước lớn khiến hệ thống trật tự thế giới bị đe dọa dịch chuyển khỏi vị trí cân bằng. Trung Quốc không giấu diếm ý định “chia hai thế giới” với Hoa Kỳ.

Dưới thời tổng thống Barack Obama, và cả trước đó nữa, Mỹ đã ý thức rằng trật tự thế giới bị đe dọa bởi sự vươn lên của Trung Quốc. Điều này thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ. Chính sách “xoay trục về châu Á” của chính quyền Obama là một giải pháp lớn, trong đó TPP là giải pháp về kinh tế. Nước Mỹ lúc đó cũng cho thấy nỗ lưc sát cách với các đồng minh châu Âu và Nhật tìm giải pháp chung cho các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, hình như lúc đó hơi trễ so với lòng dân, cử tri Mỹ nghiêng về chọn một giải pháp, một thử nghiệm có phong cách khác với truyền thống. Tổng thống Donald Trump trúng cử.

3. Bốn năm làm tổng thống của ông Trump đảo lộn nhiều điều. Mỹ đã bác bỏ những chính sách lớn của nước Mỹ dưới thời các tổng thống tiền nhiệm của ông Trump. Trong tháng đầu ông tiếp nhận bàn giao, Mỹ rút ra khỏi TPP.

Từ đó, nhiều người cảm nhận nước Mỹ đang dần từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Không ai nghi ngờ quyết tâm chống Trung Quốc của ông Trump, nhưng hình như người ta cảm nhận ông đang hành động chỉ cho quyền lợi riêng của nước Mỹ? Mỹ đã quá mệt mỏi chăng? Sau bao năm ở vị trí đỉnh cao, Mỹ đã chán rồi chăng?

Mỹ muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng Mỹ có thể làm điều đó bằng việc tập trung tranh hơn thua trên những hợp đồng thương mại? Phải chăng Mỹ đang muốn Mỹ vĩ đại trở lại trên những tài sản hữu hình? Nhưng chính tài sản vô hình, khó thấy, mới là bệ đỡ cho sự tăng trưởng của tài sản hữu hình. Muốn lãnh đạo thế giới nào, quốc gia lãnh đạo phải bám sát các giá trị cốt lõi của thế giới đó. Các đồng minh phương Tây có cảm nhận Mỹ đang vi phạm một số nguyên tắc căn bản của chính họ không? Dù sao đi nữa, dưới thời tổng thống Trump, châu Âu cảm nhận quan hệ Mỹ - Âu xấu đi tới mức rất thấp, theo thăm dò của Trung Tâm Brookings về Quan Hệ Mỹ - Âu (Trans-Atlantic Scorecard, October 2020 - Monday, October 26, 2020 ).

4. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có kinh nghiệm nhất thế giới về Trung Quốc. Nếu người Việt chưa có những nghiên cứu tổng hợp hàn lâm đồ sộ về Trung Quốc thì kinh nghiệm thực tế còn in rành rành trên từng thước đất trong từng chặng mười, hai mươi năm suốt chiều dài lịch sử!

Không ít bài viết lo lắng về RCEP có tác động theo hướng củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc trên Đông Nam Á nói chung và trên Việt Nam nói riêng. Cho dù với nguy cơ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc nếu tham gia RCEP, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng một cuộc chơi châu lục lớn và quan trọng tới như thế. Nên nhớ nền kinh tế Việt Nam còn xa mới có tầm vóc của Ấn Độ hay của Mỹ, nghĩa là có độ tự chủ cao.

Cũng đừng quên Việt Nam đã tham gia EVFTA, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia TPP trước khi Mỹ thời ông Trump rút khỏi hiệp định này, và sau khi Mỹ rút ra, Việt Nam là thành viên của TPP sửa đổi (CPTPP). Việt Nam đã chứng tỏ sự độc lập của mình trong việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương. Cùng với vị thế ngày càng được củng cố, Việt Nam sẽ có tiếng nói ngày càng độc lập.

Gần như chắc chắn rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức cho thế giới về môi trường, kinh tế, địa chính trị thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài toán của Việt Nam hiện nay là:

a) Xoay sở thế nào để có lợi ích lớn nhất trong khuôn khổ hiệp định RCEP?

b) Tìm đối sách hợp lý trước chính sách của Mỹ, của Trung Quốc và các cường quốc khác. Dù bên ngoài nghiêng về đâu, biến chuyển thế nào thì Việt Nam cần có chính sách, đường lối quốc gia, cách tổ chức xã hội phù hợp và hữu hiệu nhất phụng sự cho sự phát triển dân tộc!

Cái nền căn bản nhất của giải pháp cho bài toán thách thức nói trên là một nước Việt Nam với đại đa số người dân tin vào một hướng đi, một tương lai chung, thấy có họ trong tương lai chung. Đứng trên nền đó, dòng chảy thế giới có nghiêng về đâu Việt Nam cũng thuận dòng phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp định RCEP và dòng chảy thế giới xuôi về đâu?