Khi còn sống, Sue Potter, một phụ nữ có hai con ở Denver (Hoa Kỳ), mong muốn được hiến xác sau chết trong tình trạng xác bị cắt lát và số hóa để phục vụ giảng dạy y khoa. Năm 2015 bà qua đời và đã được thỏa ước nguyện.

Hiến xác để khoa học 'số hóa' phục vụ giảng dạy

15/12/2018, 05:28

Khi còn sống, Sue Potter, một phụ nữ có hai con ở Denver (Hoa Kỳ), mong muốn được hiến xác sau chết trong tình trạng xác bị cắt lát và số hóa để phục vụ giảng dạy y khoa. Năm 2015 bà qua đời và đã được thỏa ước nguyện.

Bà Sue được nhiều sinh viên y khoa yêu thích.

Đây là người sống đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Qua đời vào năm 2015 khi 87 tuổi vì viêm phổi, ngay lập tức thi thể của bà được đông lạnh, cắt ra thành 27.000 lát nhỏ như sợi tóc, bảo quản cẩn thận trong vòng 3 năm rồi số hóa để sinh viên học tập.

Vào năm 2000 bà Sue bày tỏ mong muốn của mình với đại học Colorado (Hoa Kỳ) khi nghĩ mình chỉ còn một năm để sống trên đời. Nhưng bà tiếp tục sống trong 15 năm sau, trong quảng thời gian đó bà ghi nhận mọi thứ về cuộc sống của mình, mô tả những sở thích, cảm giác, các chứng bệnh hành hạ mình và nhiều thứ khác để các sinh viên có thể hiểu rõ người phụ nữ đàng sau những hình ảnh y khoa mà họ học tập.

Trong thời gian đó, bà cũng đề nghị được xem cách thức xử lý cơ thể mình sau chết, cách bảo quản lạnh, sử dụng cồn polyvinyl để làm sạch cơ thể và cả cách cưa nhỏ bà ra thành nhiều lát. Bà cũng yêu cầu việc cưa xác phải được làm trong tiếng nhạc cổ điển (trong đó có tác phẩm Cầu hồn của Mozart bà yêu thích) và trang trí bằng hoa hồng chung quanh.

Xác của bà Sue được bảo quản ở -15oF, cắt thành 27.000 lát mỏng rồi phục dựng thành xác chết số.

Khi mọi tiến trình hoàn tất, hành trình 15 năm trọn vẹn này đã được nguyệt san National Geographic số tháng 1.2019 đăng tải trong chuyên đề có tên “Tương lai của y học”, hé lộ mọi công việc tỉ mỉ, cảm xúc và những mối quan hệ phía sau công trình khoa học này.

Bị cha mẹ bỏ rơi để lại bà cho ông bà nuôi. Bà nói với National Geographic mình không bao giờ tha thứ cho họ. Bà lập gia đình với chồng là Harry Potter vào năm 1956 và có hai con gái.

Gia đình chuyển đến Colorado sống khi Harry về hưu. Không rõ chuyện gì xảy ra cho Harry và vì sao bà Sue bị các con ghẽ lạnh mà vào năm 2000, ở tuổi 73, bà chỉ sống một mình. Là người giữ gìn sức khỏe cẩn thận, nhưng bà vẫn bị tiểu đường, u hắc tố da, ung thư vú tình trạng nhẹ và nhiều lần mổ xẻ bên dưới người.

Năm 2000, khi nghĩ mình không còn sống được bao lâu, bà đọc được một bài báo về Dự án mô phỏng người của đaị học Colorado và dự án độc đáo Người nhìn thấy (Visible Human).

Được tài trợ bởi Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, nhóm thực hiện dự án đã xử lý và bảo quản cơ thể một người nam (bị kết án tử hình năm 1993 lúc 39 tuổi) và một phụ nữ (59 tuổi chết vì bệnh tim năm 1994). Các xác này được cưa nhỏ và số hóa để giảng dạy sinh viên y khoa. Sue muốn mình là người thứ ba, nhưng là người sống đầu tiên tự nguyện hiến cơ thể để trở thành “xác chết bất tử”.

Thoạt đầu, chủ trì nhóm thực hiện là TS Vic Spitzer từ chối mong muốn của bà Sue vì thấy quá phức tạp bởi ông đang tạo ra những mô hình “cơ thể bình thường”, trong khi bà Sue lại có quá nhiều bệnh.

Số chuyên đề đặc biệt tháng 1/2019 của National Gepgraphic. Người ta phải mất 16 năm chuẩn bị mới có được chuyên đề này.

Cuối cùng thì Sue đã thuyết phục được mọi người, nhưng Spitzer ra điều kiện là bà phải ghi hình phần còn lại của cuộc đời mình. Bà đồng ý, và TS Spitzer tiếp xúc với National Geographic để làm những gì mà ông tưởng tượng là dự án ghi hình một năm.

Thật ngạc nhiên là Sue không chết sau một năm và tiếp tục sống 15 năm nữa, khiến dự án trở nên tốn kém nhất trong số các dự án tài liệu nghiên cứu khoa học.

Trong khi đa số những dự án kiểu này là ẩn danh thì Sue lại tự hào khi mình được xuất hiện ở nhiều cuộc hội thảo và phát biểu. Bà thích gặp sinh viên, những người một ngày nào đó sẽ phân tích xác chết của bà, và “dạy cho họ về sự cần thiết của lòng trắc ẩn”. Vì điều này mà sinh viên rất yêu quý bà và họ đã có mặt ở đám tang bà tỏ lòng tiếc thương.

TS Vic Spitzer xử lý xác chết một cách cẩn thận.

Nhưng việc xử lý cơ thể Sue không đơn giản vì bà có một vòng titanium ở xương đùi do thay khớp háng, nó to đến nỗi có thể làm hư lưỡi cưa. Vì thế sau khi làm đông lạnh xác, người ta phải xử lý xương đùi cẩn thận để TS Spitzer rút vòng titanium ra ngoài. Về kỹ thuật, việc cưa xác đã phát triển khá nhiều, người ta đã có chiếc lưỡi cưa tự động cắt được lát mỏng như sợi tóc trong 24 giờ ở tốc độ rất nhanh.

Vào năm 1993, để cắt cơ thể ra 2.000 lát phải mất 4 tháng, nhưng 24 năm sau, cơ thể Sue cắt thành 27.000 lát chỉ trong 60 ngày. Nhờ thế tiết kiệm được thời gian cho quá trình kéo dài sau đó dùng để số hóa và làm rõ những chi tiết như thần kinh, xương, mạch máu, một quá trình mất 2 – 3 năm.

Mặt cắt ngang đầu cho thấy bộ não, mắt và mũi của Sue.

Theo TS Spitzer, đây chỉ là sự khởi đầu và mục đích sau cùng là ngày nào đó người ta có đủ xác chết nghiên cứu để có thể mô phỏng tiến trình bệnh lý ở người.

Bình Yên (theo DailyMail)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiến xác để khoa học 'số hóa' phục vụ giảng dạy