Nhiều doanh nghiệp phản ánh có nhiều lô hàng xuất khẩu tại TP.HCM và một số tỉnh thành không thể lấy được mã vạch hải quan nên không thông quan hàng hóa được.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan đêm 9.11, hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan hải quan đã hoạt động không ổn định.
Các doanh nghiệp phản ánh nhiều lô hàng xuất khẩu tại TP. HCM, tỉnh Bình Dương không thể lấy được mã vạch hải quan nên không thông quan hàng hóa được.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương kiểm tra, rà soát, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để khắc phục, đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống. Đến 17 giờ 30 phút ngày 9.11, hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan hải quan đã hoạt động ổn định.
Trường hợp doanh nghiệp gặp sự cố trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, các doanh nghiệp có thể liên hệ với bộ phận hỗ trợ (helpdesk) của Tổng cục Hải quan qua Tổng đài 19009299 (nhánh số 2) hoặc thư điện tử: [email protected] để được hỗ trợ.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương cho biết, từ chiều 8.11 đến ngày 9.11, nhiều lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp chưa thể lấy được mã vạch hải quan nên không thông quan hàng hóa được. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động thương mại bước vào cao điểm cuối năm.
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống hải quan điện tử bị lỗi. Đầu tháng 8 vừa qua, hệ thống hải quan điện tử cũng rơi vào tình trạng nghẽn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan. Các chi cục hải quan sau đó phải làm thủ tục bằng phương pháp thủ công.
Sau sự cố, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính cho phép nghiên cứu bổ sung, sửa đổi nội dung liên quan đến cơ chế pháp lý, quy trình cho các trường hợp cấp bách, phân cấp giải quyết tình huống... để đưa vào Luật Hải quan. Được biết, việc sửa đổi này vẫn đang được phía Tổng cục Hải quan đề xuất.
Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi, quan trọng nhất của Tổng cục Hải quan, do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại và được triển khai cách đây hơn 10 năm (từ tháng 4.2014). Sau 10 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cho rằng đến nay hệ thống này có thể đã lạc hậu và không đủ quy mô để thực hiện khối lượng công việc ngày càng tăng cũng như các tình huống phát sinh.