PGS.TS Hà Đình Đức bắt đầu nghiên cứu về rùa Hồ Gươm từ năm 1991, thế nên, dường như nhất cử nhất động của “cụ” Rùa đều được ông ghi lại đầy đủ. Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, lật giở lại từng trang ký ức, “nhà rùa học” đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự ra đi của “cụ” Rùa đang được dựng tiêu bản trong đền Ngọc Sơn.

Hé lộ thủ phạm gây ra cái chết “cụ” Rùa trong đền Ngọc Sơn

Một Thế Giới | 04/05/2015, 07:22

PGS.TS Hà Đình Đức bắt đầu nghiên cứu về rùa Hồ Gươm từ năm 1991, thế nên, dường như nhất cử nhất động của “cụ” Rùa đều được ông ghi lại đầy đủ. Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, lật giở lại từng trang ký ức, “nhà rùa học” đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự ra đi của “cụ” Rùa đang được dựng tiêu bản trong đền Ngọc Sơn.

Ngày “cụ” Rùa đến Ngọc Sơn lạ thế

Cách đây gần nửa thế kỷ, vào thời khắc mà miền Bắc đang phải căng mình trực chiến trước những trận giội bom như bão táp của đế quốc Mỹ, khu vực Hồ Gươm bỗng xuất hiện một hiện tượng lạ. Mặt nước bỗng nhiên lay động, xô từng đợt sóng lớn vào khu vực gần nhà Thủy Tạ bây giờ. Đến thời điểm gần trưa, phía dưới làn nước xanh trong, bỗng xuất hiện một “cụ” Rùa to bằng cái nia cứ nổi lều phều trên mặt nước, chốc chốc lại thò mũi lên thở phì phì. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã chen chân ven hồ, hướng ánh mắt tò mò ra phía khu vực nơi “cụ” đang nổi. Khi đó, việc tụ tập thành đám đông là điều cần tránh, vì như thế sẽ thu hút sự chú ý và bị ném bom là điều dễ xảy ra.

Sự việc ngay lập tức được báo cho chính quyền sở tại. Lực lượng an ninh bên khu vực Hồ Gươm đã có mặt để nắm bắt và giải quyết tình hình. Nếu điều không may xảy ra, bom Mỹ oanh tạc đúng điểm tập trung đông người, sẽ có nhiều người thiệt mạng. Và, tính mạng “cụ” Rùa chắc chắn cũng bị đe dọa. Lúc này, phía ngoài xa, “cụ” Rùa nổi lên với nhiều biểu hiện khác lạ. Mặc dù đã dùng mọi cách đẩy “cụ” ra xa bờ, nhưng “cụ” vẫn không thể hiện động thái gì và lại bơi vào bờ. Theo “nhà rùa học” - PGS. Hà Đình Đức, lúc ấy, “cụ” Rùa có vẻ yếu lắm, nổi trên mặt nước nhưng không giữ được trạng thái tự nhiên, thoải mái. Trên chiếc mai khổng lồ, rêu mốc, có một đám bọt màu hồng to như cái mũ sùi lên. Đám bọt ấy cho thấy rùa đang bị thương. Lúc này, giả thuyết đặt ra: “Cụ” bị trúng mảnh bom đạn từ hai hôm trước.

Đúng lúc đó, một nhóm người của quốc doanh cá (đơn vị được phép khai thác cá ở Hồ Gươm) phóng mô tô 3 bánh đến. Đỗ xịch ngay chỗ đám đông, họ hò nhau xuống thuyền, giăng lưới quây lại, kéo “cụ” Rùa vào bờ. Cũng cần nói thêm, thời điểm đó, họ vẫn nghĩ rằng, đây chỉ là con ba ba không lồ chứ Hồ Gươm chẳng có loài rùa nào lớn như thế. Đám người cùng nhảy xuống hồ rồi hò nhau vần “cụ” lên bờ, vật ngửa “cụ” ra, trói 4 chân và thít cái thòng lọng to đùng vào cổ “cụ” Rùa.

Lát sau, người của công ty thực phẩm đến khiêng “cụ” lên xe đem đi xẻ thịt bán. Tuy nhiên, khi vừa kéo lên thùng xe, nhóm người trên nhận được chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Duy Hưng. Nội dung chỉ thị nêu rõ, công an có nhiệm vụ bảo vệ “cụ” Rùa, còn cơ quan y tế phải vào cuộc cứu chữa khẩn cấp. Nhờ có chỉ thị kịp thời này của Chủ tịch UBND TP, “cụ” Rùa nhanh chóng được đưa về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (bây giờ là trụ sở BQL Di tích đền Ngọc Sơn) để cứu chữa. Nhưng, “cụ” Rùa đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng.

Bí ẩn về thủ phạm “ra tay” vói “cụ” Rùa

Sự ra đi bất thường của “cụ” Rùa khiến các lãnh đạo thành phố lúc đó đứng ngồi không yên. Một chuyên án điều tra về cái chết “cụ” Rùa Hồ Gươm đã được thiết lập ngay sau đó, thế nhưng việc tìm ra thủ phạm thực sự gây ra vết thương trên mai “cụ” lại không hoàn toàn đơn giản. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã tìm gặp nhiều nhân chứng gắn bó với những sự kiện lịch sử của Hồ Gươm để tìm kiếm câu trả lời, tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không dễ dàng. Mọi người nhớ rất rõ về thời khắc “cụ” Rùa tạ thế, nhưng họ không thể biết ai là thủ phạm chính xác.

Sinh ra và lớn lên ở phố Thuốc Bắc, Hồ Gươm và cụ Rùa đã trở thành một phần ký ức không thể quên của hoạ sỹ đường phố Hoàng Minh Đức. Mấy chục năm nay, ngày ngày người họa sỹ ấy vẫn ngồi bên Hồ Gươm, vẽ truyền thần cho khách. Trong ký ức của người hoạ sỹ tuổi thất thập ấy, sự ra đi của “cụ” Rùa trong đền Ngọc Sơn vẫn còn ám ảnh ông. Theo lý giải của họa sỹ Minh Đức, vết thương trên mai “cụ” Rùa là do trúng mảnh bom Mỹ. Ông nói: “Vết thương đau đớn khiến “cụ” bơi lên bờ như thể muốn tìm ai đó để cầu cứu. Lúc đó, dân quân đi tuần quanh Hồ Gươm đã nhìn thấy. “Cụ” Rùa lúc đó mặc dù bị thương nhưng vẫn còn khoẻ”.

Tuy nhiên, theo họa sỹ Hoàng Minh Đức, không ngờ, một người nào đó đã nhẫn tâm dùng xà beng đâm một vết chí mạng lên thân thể của “cụ”. Đây chính là lý do khiến “cụ” Rùa tử vong. Chính Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc đó là ông Trần Duy Hưng đã đưa ra quyết định, tìm cách ướp xác “cụ” lại để người dân Thủ đô về sau biết về “cụ” Rùa ở Hồ Gươm. Tiêu bản “cụ” Rùa đặt trong đền Ngọc Sơn ngày nay chính là “cụ” Rùa hồi đó.

Thế nhưng, một số nguồn tin lại cho rằng, vết thương trên mai “cụ” Rùa là do tác động của xà beng chứ không phải mảnh bom Mỹ. và, “cụ” Rùa đã bị thương trước đó. Trong quá trình thu thập tư liệu xung quanh Hồ Gươm, chúng tôi đã khám phá ra một thông tin khá bất ngờ. Theo đó, vào ngày hôm trước, một nhân viên tên Thu làm thuê cho quốc doanh cá tiến hành thả lưới vét tại khu vực Hồ Gươm. Lúc kéo lưới lên gần mặt nước, ông Thu nhìn thấy một khối đen to như chiếc nia, rêu bám đầy. Theo phản ứng tự nhiên, ông Thu dùng xà beng trên thuyền thủ thế, giáng một đòn vào lưng con vật lạ. Vì vết đâm khá sâu, “vật lạ” đã vùng vẫy suýt kéo cả người lẫn xà beng xuống nước...

Nghe nói, sau khi “cụ” Rùa không qua khỏi, ý thức được hậu quả việc làm của mình và không chịu được sức ép của dư luận, ông Thu đã trốn biệt. Một số nguồn tin cho biết, ông Thu quê ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Nghe đâu, sau lần đó, ông đã trốn về quê và không ai biết tung tích gì. Lực lượng chức năng cũng không tổ chức truy tìm vì tình hình chiến tranh bắn phá ngày càng ác liệt. Sau lần đó, mọi người cũng không ai nhắc, đến trách nhiệm của đơn vị khai thác nữa.

Cái chết của “cụ” Rùa trong đền Ngọc Sơn đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân phố cổ. Họ tiếc thương cho sự ra đi một cách chóng vánh của “cụ”, để lại “cụ Rùa bà” Hồ Gươm một mình cô đơn. Nhiều lần, quan khách thấy “cụ bà” trườn lên đền Ngọc Sơn. Hai mắt ướt sũng như lệ rơi, người ta nói rằng, “cụ bà” đang nhớ người bạn của mình(!?). Đó là những hình ảnh thương tâm lay động bất cứ ai chứng kiến.

Trinh Phúc – An Đức/ Theo Đời sống và Pháp luật

Hà Nội có thêm nhiều “cụ” Rùa khác?

Theo nhiều nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, ngoài “cụ” Rùa đang sống, một “cụ” được quàn tại đền Ngọc Sơn, còn có một “cụ” Rùa Hồ Gươm khác nữa cũng đã bị giết. Hiện bộ xương đang được bảo quản trong chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi cất giữ cổ vật của bảo tàng Hà Nội. “Cụ” Rùa này cũng bị một vết thương lớn ở trên mai. Điều lạ lùng là cái chết của "cụ ” Rùa này là một bí ẩn mãi mãi không được khám phá. Chỉ đến khi “cụ” chết nổi trên mặt hồ, người ta mới phát hiện và vớt “cụ" về lọc lấy bộ xương đem bảo quản. Ngoài ra, có một dấu tích cho thấy hiện còn có một “cụ Rùa đang được chăm sóc ở ao Bán nguyệt, cạnh chân núi Nùng (trong khuôn viên vườn Bách thảo Hà Nội).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hé lộ thủ phạm gây ra cái chết “cụ” Rùa trong đền Ngọc Sơn