Foxconn, hãng cung cấp chính cho Apple, đang tăng cường tuyển dụng tại các nhà máy ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) kèm các khoản thưởng béo hơn để thu hút người tìm việc trước mùa sản xuất cao điểm cho các mẫu iPhone 14.

Hàng ngàn người xếp hàng tìm việc lắp ráp iPhone 14 ở nhà máy Foxconn, mong có khoản thưởng béo bở

Sơn Vân | 26/07/2022, 08:38

Foxconn, hãng cung cấp chính cho Apple, đang tăng cường tuyển dụng tại các nhà máy ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) kèm các khoản thưởng béo hơn để thu hút người tìm việc trước mùa sản xuất cao điểm cho các mẫu iPhone 14.

Tại khuôn viên Foxconn ở quận Long Hoa, thành phố Thâm Quyến, hàng ngàn người tìm việc đã xếp hàng ở cổng trung tâm tuyển dụng và đào tạo để đăng ký vào chiều 25.7, bất chấp cái nóng oi ả và các quy định nghiêm ngặt về COVID-19.

Hàng trăm người tìm việc đã đến bằng xe buýt và ô tô đưa đón do một số công ty tuyển dụng cung cấp, sẵn sàng phỏng vấn và kiểm tra sức khỏe. Các ứng viên thành công sẽ được ghi danh chính thức vào ngày 26.7, theo các nhà tuyển dụng mà tờ SCMP trò chuyện tại địa điểm đó.

hang-ngan-nguoi-xep-hang-tim-viec-lap-rap-iphone-14.jpg
hang-ngan-nguoi-xep-hang-tim-viec-lap-rap-iphone-14-1.jpg
Những người tìm việc xếp hàng dài bên ngoài trung tâm tuyển dụng của Foxconn ở quận Long Hoa, Thâm Quyến để phỏng vấn và kiểm tra sức khỏe - Ảnh: SCMP

Một nhà tuyển dụng họ Huang từ Longhua Human Resources Market (Thị trường Nguồn nhân lực Long Hoa) ước tính rằng khoảng 2.000 ứng cử viên gần đây đã ở đó để trải qua quy trình tuyển dụng mỗi ngày.

Tuy nhiên, Huang cho biết mức này vẫn thấp hơn mức cao nhất từ ​​8.000 đến 9.000 ứng cử viên mà ông từng thấy trong mùa cao điểm kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9.

Đưa khoảng 70 ứng viên đến tuyển dụng hôm 25.7, Huang cho biết ít người đến xin việc tại Foxconn hơn so với cùng thời điểm năm ngoái vì tình hình COVID-19.

Nhiều người khó đi đến Thâm Quyến từ các thành phố khác và cũng có một vài ca mắc COVID-19 ở quận Long Hoa, vì vậy một số người ngại đến đây”, Huang nói.

Foxconn đã yêu cầu tất cả ứng viên làm bài xét nghiệm COVID-19 hàng ngày trong ba ngày qua và kiểm tra vị trí của họ để đảm bảo không ở bất kỳ khu vực rủi ro cao nào, một người tuyển dụng từ Foxconn cho biết.

Đây không phải là trò đùa, chúng tôi rất coi trọng các chính sách của COVID-19. Chúng tôi báo cáo với chính quyền địa phương mỗi ngày về kết quả xét nghiệm COVID-19 của nhân viên và các biện pháp kiểm soát của chúng tôi”, nhân viên Foxconn nói.

Nhiều công ty đã phải từ chối các ứng cử viên đến từ các khu vực có nguy cơ rủi ro cao về COVID-19, bao gồm cả thành phố Thành Đô và Thượng Hải, một nhà tuyển dụng khác của Foxconn tiết lộ. Người này nói thêm rằng hầu hết ứng cử viên mà ông đã đưa đến Foxconn hôm 25.7 đều sống tại Thâm Quyến.

Foxconn nằm trong danh sách các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt ở Thâm Quyến đã được lệnh áp dụng phương thức sản xuất khép kín trong 7 ngày bắt đầu từ 24.7 khi thành phố này phải đối mặt với đợt bùng phát dịch nhỏ.

Điều đó đòi hỏi sự sàng lọc và cách ly nghiêm ngặt với tất cả những người trong khuôn viên công ty. Khi Thâm Quyến áp đặt một tuần ngừng hoạt động vào tháng 3, Foxconn là một trong những công ty đầu tiên bắt đầu sản xuất trở lại do tầm quan trọng của nó với nền kinh tế địa phương và chuỗi giá trị.

Đợt tuyển dụng của Foxconn tại Thâm Quyến diễn ra trước thời điểm ra mắt iPhone 14 của Apple, dự kiến ​​sẽ trình làng vào tháng 9 tới. Khu phức hợp sản xuất Foxconn tại Trịnh Châu, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, đã bắt đầu chiến dịch tuyển dụng mới, đưa ra phần thưởng tiền mặt hậu hĩnh vào tháng trước.

Để thu hút nhiều thợ săn việc làm hơn ở Thâm Quyến, một số công ty tuyển dụng đã chào hàng số tiền thưởng lên tới 7.480 nhân dân tệ (1.108 USD) cho việc làm lâu dài tại đơn vị sản xuất linh kiện của Foxconn, được gọi là Product Enclosure Business Group.

Tại Digital Product Business Group của Foxconn, bộ phận chịu trách nhiệm lắp ráp iPhone, những người mới được tuyển dụng có thể nhận khoản tiền thưởng lên tới 4.980 nhân dân tệ, theo quảng cáo việc làm được đăng bởi các cơ quan tuyển dụng.

Chuỗi cung ứng của Thâm Quyến đang đối mặt với những rủi ro mới khi thành phố có gần 18 triệu cư dân báo cáo 8 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 13 trường hợp COVID-19 không có triệu chứng vào ngày 24.7, một mức tăng chậm nhưng ổn định so với con số được ghi nhận hồi đầu tháng.

Dù đợt bùng phát dịch hiện tại vẫn còn tương đối nhỏ, Thâm Quyến đã tuyên bố sẽ cố gắng dập tắt nó theo các chính sách Zero COVID của Trung Quốc.

Chúng ta phải huy động mọi nguồn lực và áp dụng mọi biện pháp để nhanh chóng loại bỏ nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại các khu vực trọng điểm, kiên quyết cắt đứt các chuỗi lây truyền và ngăn chặn bùng phát càng nhanh càng tốt”, Meng Fanli, người đứng đầu thành phố Thâm Quyến, nói với một cơ quan kiểm soát COVID-19 ở cuộc họp tuần trước.

Chính quyền Thâm Quyến đã phong tỏa hàng chục tòa nhà dân cư để ngăn chặn số ca COVID-19 ngày càng tăng, đồng thời đình chỉ dịch vụ tàu điện ngầm tại ga Xiasha ở quận Phúc Điền.

Thành phố Thâm Quyến đã buộc 100 công ty lớn nhất hoạt động trong một hệ thống khép kín 7 ngày khi trung tâm sản xuất của Trung Quốc chống lại đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất.

Chính quyền thành phố Thâm Quyến đã yêu cầu 100 công ty lớn nhất, bao gồm cả Foxconn và CNOOC (nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc), hãng sản xuất ô tô BYD, công ty viễn thông Huawei Technologies và ZTE Corp, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI, chỉ hạn chế hoạt động với những nhân viên sống và làm việc trong vòng khép kín hoặc bong bóng, ít hoặc không liên lạc với những người ngoài nhà máy hoặc văn phòng của họ.

Chỉ thị cũng áp dụng với China National Offshore Oil Corp (công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc), Mindray (nhà sản xuất thiết bị y tế) và những cái tên khác được xếp hạng trong 100 công ty công nghiệp hàng đầu của thành phố.

Bắt đầu vào 24.7 và kết thúc sau 7 ngày, lệnh này được đưa ra khi Thâm Quyến tăng gấp đôi nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát biến thể phụ Omicron, khiến người dân thành phố lo lắng với các biện pháp kiểm soát tăng cường.

Các nhà chức trách cũng yêu cầu những công ty này giảm bớt sự tương tác không cần thiết giữa các nhân viên không sản xuất và nhà máy để giảm lây nhiễm SARS-CoV-2, theo một thông báo của chính quyền Thâm Quyến được trang Bloomberg News đưa tin.

Trung Quốc cố gắng thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế từ hàng loạt vụ phong tỏa khiến hàng loạt doanh nghiệp trên toàn quốc đóng cửa, làm xói mòn việc làm và tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Động thái của Thâm Quyến diễn ra vài tháng trước khi Foxconn, công ty sản xuất phần lớn iPhone trên thế giới, chuẩn bị cung cấp dòng iPhone 14.

Người phát ngôn của Foxconn cho biết hai cơ sở ở Thâm Quyến vẫn hoạt động bình thường. Nhà máy của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, là trung tâm sản xuất iPhone lớn hơn nhiều.

Đại diện của ZTE và DJI từ chối bình luận về chuyện trên.

Người phát ngôn của văn phòng thông tấn của chính quyền Thâm Quyến không trả lời tin nhắn tìm kiếm bình luận, trong khi đại diện cho ngành công nghiệp và văn phòng thông tin của thành phố nói không biết về hành động nêu trên khi được liên lạc qua điện thoại.

Người phát ngôn của Huawei, CNOOC và BYD đã không phản hồi ngay lập tức các câu hỏi từ Bloomberg News.

Chiến lược Zero COVID của Trung Quốc, dựa trên biên giới khép kín, cách ly, phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt, đang ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất ngay cả khi phần còn lại thế giới đang sống chung với vi rút SARS-CoV-2 và mở cửa.

Biện pháp ở Thâm Quyến làm dấy lên khả năng xảy ra các vụ phong tỏa kiểu Thượng Hải khiến hàng chục ngàn công nhân bị cách ly.

Nhà cung cấp cho Apple là Quanta Computer, hãng sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và hãng sản xuất ô tô điện Tesla từng vận hành các nhà máy ở thành phố Thượng Hải trong vòng khép kín nhiều tuần hoặc vài tháng, khi trung tâm tài chính của Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất.

Bài liên quan
Chuyên gia bác tin Apple phải giảm 10% đơn đặt hàng iPhone 14
Nhà phân tích nổi tiếng về Apple nghi ngờ tuyên bố được đưa ra trong một tin đồn rằng công ty Mỹ cắt giảm đơn đặt hàng dòng iPhone 14, nhấn mạnh rằng sự kiện chuỗi cung ứng lớn như vậy khó có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng ngàn người xếp hàng tìm việc lắp ráp iPhone 14 ở nhà máy Foxconn, mong có khoản thưởng béo bở