Kỳ thi THPT 2019 các trường ĐH, Cao đẳng nhận nhiệm vụ trông thi cùng với các địa phương đã được chỉ định, điều này khiến nhiều trường phải chi trả một phần tiền khá lớn để cho các giáo viên trông thi.

Hàng ngàn giảng viên, cán bộ về địa phương coi thi

Hải Yến | 23/06/2019, 11:52

Kỳ thi THPT 2019 các trường ĐH, Cao đẳng nhận nhiệm vụ trông thi cùng với các địa phương đã được chỉ định, điều này khiến nhiều trường phải chi trả một phần tiền khá lớn để cho các giáo viên trông thi.

          

Tùy theo địa bàn phải đảm nhiệm công tác coi thi, bắt đầu từ ngày 22.6 nhiều trường ĐH, Cao đẳng đã tổ chức cử các cán bộ, giảng viên của trường mình về các địa phương để thực hiện công tác coi thi kỳ thi THPT 2019. Do năm nay có nhiều điểm mới, nên ngoài công tác chuẩn bị nơi ăn, chốn ở cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về địa phương coi thi, các trường ĐH cũng đã tập huấn kỹ càng cho các giảng viên, cán bộ coi thi. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị phải huy động nhiều cán bộ, giảng viên đi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia nhất, tới 841 người. Địa phương mà trường được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi là Thanh Hóa, một trong những nơi có đông thí sinh dự thi nhất nước.

Trường thuê xe chở các thầy cô đi từ Hà Nội đến tận từng điểm thi. Theo quy định chung, tỉnh khoán cho mỗi thầy cô chỉ 300.000 đồng tiền xe (cả đi và về). Ngoài ra, trường còn hỗ trợ các thầy cô tiền ăn, nghỉ, ngoài khoản công tác phí. Tổng kinh phí trường phải bù vào là hơn 500 triệu đồng. PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường sẵn sàng chi trả để tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm làm nhiệm vụ trong điều kiện tốt nhất có thể”.

GS Nguyễn Trung Việt, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết trường bố trí tổng cộng 45 xe 45 chỗ để chở các đoàn cán bộ, giảng viên lên coi thi ở Điện Biên, toàn bộ chi phí do trường chi trả. Được biết, cộng với các khoản hỗ trợ khác, kinh phí trường bỏ ra cho kỳ thi này cũng ước tính khoảng 500 triệu đồng.

Hầu hết các trường ĐH khi tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi với các địa phương đều xác định phải bù thêm tiền cho cán bộ, giảng viên. Trường càng xa, chi phí bỏ ra càng nhiều. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xác định sẽ phải bù thêm khoảng 600 triệu đồng (dù chỉ cử 185 người). Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, dù địa bàn coi thi ngay tại Hà Nội, nhưng là ở ngoại thành (Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn), nên trường cũng xác định là sẽ phải bù vào khoảng 250 triệu để hỗ trợ cho 450 cán bộ giảng viên tham gia kỳ thi.

Trường ĐH Đại Nam sáng 22.6 đã cử đoàn giảng viên, cán bộ của trường về trông thi tại Bắc Giang - đây cũng là một địa điểm tổ chức thi với số lượng thí sinh khá đông đúc.

Sau khi được tập huấn trông thi một cách đầy đủ, các cán bộ, giảng viên của các trường ĐH sẽ lên đường về các địa phương phối hợp công tác trông thi cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 được diễn ra an toàn và nghiêm túc

Trao đổi với phóng viên về việc phối hợp với các trường ĐH, Cao đẳng cử lực lượng tham gia vào việc trông thi tại các địa phương, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, điều này sẽ mang tính chất khách quan hơn, mang lại sự tin tưởng cho xã hội. Tuy nhiên sẽ gây tốn kém và việc đón tiếp, lo chỗ ăn, ở, di chuyển tới các điểm thi tại nhiều địa phương sẽ gặp khó khăn. Quy chế của Bộ GD-ĐT lại nhận được sự ủng hộ từ chính các trường ĐH vì sẽ chọn lọc được các thí sinh chất lượng, cho dù nhiều trường phải xây dựng phương án huy động giảng viên và có thể còn kèm những phát sinh về chi phí.

Theo PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - cho rằng việc đưa các giảng viên, cán bộ vào trông thi là quyết định đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, về lâu dài, bộ cần thiết kế và xây dựng được dữ liệu câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo mỗi thí sinh một đề thi độc lập để việc coi thi nhẹ nhàng hơn, “ai coi cũng được”, không phải tiếp tục kỳ thi tốn kém, kéo giảng viên ĐH về địa phương “chốt” trong từng phòng thi nữa.

Trong ngày 22.6 nhiều trường cũng ra quân đưa cán bộ, giảng viên, cán bộ coi thi về các địa phương được chỉ định phối hợp và đa số các trường, các giáo viên, cán bộ trông thi đều ủng hộ phương án này của Bộ GD-ĐT để có được một mùa thi nghiêm túc và an toàn.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương bảo đảm an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đi lại, nơi ăn ở cho cán bộ, giáo viên, nhất là giảng viên các trường đại học, cao đẳng về coi thi tại địa phương.

Với các trường đại học, Bộ trưởng yêu cầu cử cán bộ đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, nắm vững về quy trình, kỹ thuật, làm việc trách nhiệm, công tâm, khách quan tham gia Ban chấm thi trắc nghiệm; chuẩn bị kỹ và thực hiện công tác chấm thi, chấm phúc khảo các môn trắc nghiệm theo đúng Quy chế thi, đảm bảo khách quan, trung thực, đúng tiến độ, đúng quy định theo sự chỉ đạo thống nhất của của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia.

Dạ Thảo - Ảnh: Thu Hòe

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng ngàn giảng viên, cán bộ về địa phương coi thi