Các dự án nổi bật vào chung kết ngày 14.9 có thể kể đến hệ thống quản trị nhà máy năng lượng mặt trời, hệ thống phát thanh thông minh…
Chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) 2022 sẽ diễn ra vào ngày 14.9 tại GEM Center (TP.HCM) với sự tranh tài của Top 10 startup.
Được biết, các dự án nổi bật có thể kể đến hệ thống quản trị nhà máy năng lượng mặt trời, hệ thống phát thanh thông minh, thiết bị DAC sound card cao cấp “made in Vietnam”, nền tảng công nghệ vạn vật trí tuệ nhân tạo (AIoT) giám sát chất lượng không khí, giải pháp ảnh nhiệt, các ứng dụng IoT, máy bay không người lái và AI ứng dụng trong nông nghiệp thông minh…
Ba công ty đạt giải nhất, nhì, ba sẽ nhận về khoản tiền thưởng trị giá lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD cùng những hỗ trợ khác sau chương trình trong mạng lưới Qualcomm toàn cầu.
Đặc biệt, Qualcomm Technologies cam kết không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu cổ phần hoặc tài sản trí tuệ nào để đổi lấy các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ… mà các công ty nhận được khi tham gia chương trình này.
Qualcomm Technologies Inc. - công ty con của tập đoàn công nghệ Mỹ Qualcomm Inc., tổ chức cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) thường niên từ năm 2019 và có sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ KH-CN.
Theo BTC, QVIC có mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bằng cách xác định và nuôi dưỡng các công ty công nghệ tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, học máy, thành phố thông minh… ứng dụng chuyên môn về công nghệ và các nền tảng trong lĩnh vực thế mạnh của Qualcomm.
Năm 2022, sau hơn 6 tháng công bố Top 10, các dự án đã được Qualcomm tổ chức thực hiện chương trình ươm tạo; đồng thời hỗ trợ tài chính với gói tài trợ 10.000 USD chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho mỗi công ty, thêm 5.000 USD chi phí đăng ký bằng sáng chế tại Việt Nam hoặc Mỹ.
Ngoài ra, 10 nhóm cũng đã tham gia các chương trình đào tạo phát triển kinh doanh, hỗ trợ chuyên sâu về kỹ thuật, R&D từ các kỹ sư, chuyên gia của Qualcomm và đối tác, cũng như cho phép sử dụng phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế bao gồm hỗ trợ ML/AI, camera, âm thanh, buồng RF, đánh giá hiệu năng về nhiệt và modem.
TS Trần Mỹ An, Phó chủ tịch công nghệ, mảng Bản quyền công nghệ tập đoàn Qualcomm, cũng là người sáng lập ra chương trình này, kỳ vọng đây là một trong những bước đệm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới công nghệ của khu vực và thế giới.
"Cùng với đó, QVIC có thể trở thành nền móng kiến tạo tầm nhìn này thông qua việc nuôi dưỡng và phát triển các khởi nghiệp công nghệ trong nước…", TS Trần Mỹ An nhấn mạnh.