GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng cơ giới hóa vùng ĐBSCL thời gian qua có nhiều thành tựu, tuy nhiên do hoàn cảnh đặc biệt của vùng này cũng còn nhiều hạn chế cần bàn.

Cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL: Thuận lợi và khó khăn

Văn Kim Khanh - Mỹ Tho | 12/09/2022, 19:45

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng cơ giới hóa vùng ĐBSCL thời gian qua có nhiều thành tựu, tuy nhiên do hoàn cảnh đặc biệt của vùng này cũng còn nhiều hạn chế cần bàn.

7bb4f9def8e53dbb64f4.jpg
Thu hoạch trái cây có sử dụng cơ giới - Ảnh: Mỹ  Tho

Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng thuận lợi của ĐBSCL hiện nay là việc cơ giới hóa đạt được nhiều thành tích. Trên đồng ruộng từ cày xới, làm đất, gieo sạ, rải phân, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch lúa, sấy, xay xát đều cơ giới hóa. Lượng gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao một phần quan trọng nhờ vào việc cơ giới hóa. Về trồng cây ăn trái, cơ giới hóa cũng đã tham gia nhiều, từ việc lên liếp, đánh luống, đào mương, gieo hạt, thu hoạch, sấy khô, đông lạnh...

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, cơ giới hóa ở ĐBSCL vẫn tồn tại những khó khăn mang tính lịch sử. Cụ thể, ruộng vườn trong vùng còn manh mún, nhiều hộ gia đình chỉ có 500 - 1.000m2 đất canh tác, tính trung bình mỗi hộ có 1ha. Hộ nông dân có từ 5 - 10ha đất canh tác rất hiếm. Từ thực tế này, áp dụng cơ giới hóa vô cùng khó khăn. Việc gieo sạ hạt giống, thu hoạch trái cây bằng cơ giới vẫn còn hạn chế do diện tích manh mún, quy hoạch mương liếp trong vườn không phù hợp với thu hoạch bằng cơ giới. Việc gieo giống, phun thuốc trừ sâu, rải phân bằng máy bay không người lái vẫn chưa phổ biến.

gs-xuan.jpg
Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo Giáo sư Xuân, ngay cả việc trang bị cơ giới hóa cũng có rất nhiều nguồn. Máy móc nông nghiệp nhập từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp... đa dạng nhưng cũng rất trở ngại khi chúng hư hỏng không có đồ thay thế. Nhiều nông dân có tay nghề đã sửa chữa, sáng tạo, lắp ráp, chắp vá để chế ra những sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp như máy tuốt lúa, máy chở lúa, máy đào mương, máy hút bùn phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, họ không thể tiến xa do trình độ, tay nghề, vốn đầu tư và không có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng giải pháp canh tác là điều kiện tiên quyết trong cơ giới hóa sản xuất trái cây. Giải pháp thứ nhất là cây giống chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Viện Cây ăn quả miền Nam đã lai tạo thành công 13 giống mới và 13 cây đầu dòng.

Giải pháp về quy hoạch, thiết kế phải sử dụng cơ giới để trồng cây; kích thước mương liếp nên thiết kế phù hợp để trữ nước trong mùa nắng. Ngoài ra, để thuận tiện trong việc áp dụng cơ giới hóa nên trồng theo kiểu hình vuông và di chuyển trên liếp. Khoảng cách giữa các hàng nên thiết kế rộng trên 2 mét để sử dụng các thiết bị, máy móc trong chăm sóc, thu hoạch. Cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong chăm sóc như sử dụng hệ thống tưới bán tự động, hệ thống tưới kết hợp bón phân, hệ thống tưới nhỏ giọt.

may-phun.jpg
Máy phun thuốc trừ sâu cho vườn cây trái - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nhiều địa phương trong vùng đã đầu tư, xây dựng các dự án hỗ trợ nhà vườn, doanh nghiệp trong việc cơ giới hóa sản xuất trái cây. Cụ thể như trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất, xây kho lạnh, đầu tư máy móc sơ chế.

Tại tỉnh Tiền Giang, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ đã giải ngân cho vay với tổng số vốn hơn 14,7 tỉ đồng, qua đó nhiều đề tài, dự án đã phát huy hiệu quả như: Đầu tư mở rộng nhà xưởng - ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thanh long sấy tại Công ty TNHH Phước Hưng; Đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến trái cây sấy dẻo với quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao...

Thực tế cho thấy cơ giới hóa là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, phù hợp với sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ giới hóa vùng ĐBSCL hiện còn nhiều hạn chế khi chưa có nhiều chủng loại máy, thiết bị đáp ứng yêu cầu của sản xuất, làm việc hiệu quả và phù hợp với thực tế sản xuất. Năng lực tài chính của các hộ dân, doanh nghiệp còn khiêm tốn, trong khi thời gian sử dụng máy trong năm ít. 

Ngoài ra, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, nhất là cho lĩnh vực cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn ít; chưa đáp ứng được yêu cầu ngày một cao, đa dạng của sản xuất. Quy mô sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ, manh mún, các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính. Quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho cơ giới hóa còn hạn chế, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ...

4894a4aed77612284b67.jpg
ĐBSCL sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ lúa - Ảnh: Internet

Để cơ giới hóa thành công cần có giải pháp đồng bộ từ tư duy, nhận thức của nhà vườn, doanh nghiệp đến sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học về các vấn đề đất đai, tài chính, khoa hoc kỹ thuật...

Vườn cây áp dụng cơ giới hóa phải được trồng theo quy hoạch, trồng tập trung để phát triển thảnh vùng chuyên canh; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, cống tưới tiêu nước, đảm bảo thoát nước trong mùa mưa lũ, chủ động ngăn chặn xâm nhập mặn trong mùa khô; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cầu đường giao thông, hệ thống điện.

Các doanh nghiệp cần đầu tư về nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, thường xuyên đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để nâng cao công suất bảo quản, chế biến trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến để giải quyết đầu ra cho trái cây...

cho-lua.jpg
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa  - Ảnh: Internet

Hiện nay, các bộ ngành trung ương, nhất là Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ đang đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất trái cây vùng ĐBSCL. Đi đôi với đó là nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ để hoạt động này đi vào thực chất, giúp nhà vườn và doanh nghiệp áp dụng đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) cho rằng để thực hiện cơ giới hóa vùng ĐBSCL cũng như trên cả nước, cần có các chính sách hỗ trợ kèm theo về tài chính, cơ chế, nguồn nhân lực, đất đai.

Cụ thể là: Chính sách về quy hoạch, khảo sát đánh giá nhu cầu thị trường máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (trong nước, khu vực). Trên cơ sở đó xác định lĩnh vực có lợi thế để ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Khắc phục tình trạng cơ chế khuyến khích dàn trải, không hiệu quả. Rà soát quy hoạch ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trên cơ sở gắn kết các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chế tạo cơ khí.

Hình thành các doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp vệ tinh. Phát triển công nghiệp phụ trợ. Chính sách về đầu tư: Ban hành chính sách ưu đãi về tín dụng, đặc biệt để hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện để nông dân và các tổ chức tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi. Căn cứ vào yêu cầu sản xuất xây dựng kế hoạch, lộ trình cung ứng số lượng, chủng loại máy phù hợp từng giai đoạn.

Có như thế mới đẩy nhanh được công cuộc cơ giới hóa tại vùng kinh tế ĐBSCL.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL: Thuận lợi và khó khăn