Theo trang SCMP, Goertek (Trung Quốc) cho biết sẽ đầu tư 280 triệu USD để thành lập nhà máy thuộc sở hữu hoàn toàn của họ tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu “mở rộng kinh doanh và hoạt động lâu dài” ở nước ta.
Thế giới số

Hãng lắp ráp Vision Pro mở nhà máy ở Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple

Sơn Vân 16/01/2024 09:40

Theo trang SCMP, Goertek (Trung Quốc) cho biết sẽ đầu tư 280 triệu USD để thành lập nhà máy thuộc sở hữu hoàn toàn của họ tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu “mở rộng kinh doanh và hoạt động lâu dài” ở nước ta.

Goertek là đối tác sản xuất quan trọng của Apple.

Nhà máy của Goertek tại Việt Nam sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng từ AirPods của Apple, đồng hồ thông minh cho đến thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Đây là một dự án sẽ đáp ứng cả kế hoạch phát triển trong tương lai của Goertek và nhu cầu từ khách hàng, theo hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (Trung Quốc).

Goertek cho biết: “Dự án có lợi thế trong việc tận dụng tốt hơn các nguồn lực địa phương ở Việt Nam nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của công ty”.

Apple chọn Goertek là một trong những nhà cung cấp lớn ở Trung Quốc lắp ráp kính thực tế hỗn hợp Vision Pro, dự kiến sẽ bán ra vào đầu tháng 2.2024 với giá 3.999 USD.

Nhà máy của Goertek ở Việt Nam sẽ được thiết lập thông qua đơn vị Goertek (Hồng Kông) Co. Nhà máy dự kiến sẽ được đặt tại tỉnh Bắc Ninh, nơi đã thu hút đầu tư từ hàng loạt các công ty Hàn Quốc, gồm cả gã khổng lồ điện tử tiêu dùng và bán dẫn Samsung Electronics. Các công ty Hàn Quốc đã nổi lên như những nhà đầu tư lớn vào tỉnh Bắc Ninh, thành lập các nhà máy sản xuất điện tử, smartphone, chất bán dẫn và chế tạo cơ khí chính xác.

Động thái mới nhất của Goertek được thực hiện khi Apple đang bắt đầu chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Điều này diễn ra sau khi các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc trong đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng toàn cầu trong mùa mua sắm Giáng sinh năm 2022.

Kể từ đó, Apple đã khuyến khích các đối tác sản xuất của mình đa dạng hóa sản xuất sang các quốc gia khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo trang AppleInsider trích dẫn nghiên cứu của ngân hàng đầu tư TD Cowen (Mỹ), các nhà cung cấp của Apple, gồm cả Foxconn (Đài Loan), đã đầu tư tới 16 tỉ USD để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ, Mexico và Mỹ.

Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất và hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Cuối năm 2023, Foxconn đã công bố kế hoạch đầu tư 1,6 tỉ USD vào Ấn Độ để mở rộng sự hiện diện tại quốc gia Nam Á này.

hang-lap-rap-vision-pro-mo-nha-may-o-viet-nam-trong-ke-hoach-da-dang-hoa-chuoi-cung-ung-cua-apple.jpg
Goertek mở nhà máy ở Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple - Ảnh: Internet

Apple và hầu hết các hãng công nghệ trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc đang nỗ lực thoát khỏi điều này, một phần do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng.

Nghiên cứu mới từ TD Cowen ước tính rằng thiệt hại doanh thu của Apple do Trung Quốc gây ra là đáng kể và một phần do các nhà cung cấp của hãng dịch chuyển hoặc đặt nơi sản xuất ở quốc gia khác.

TD Cowen cho biết: "Trong 4 năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, chúng tôi ước tính doanh thu của Apple đã bị ảnh hưởng hơn 30 tỉ USD. Điều này xuất phát từ việc thị trường không cung cấp đủ cầu do gián đoạn sản xuất xuất phát từ nguồn cung linh kiện, nguồn lao động sẵn có và hạn chế di chuyển do chính phủ Trung Quốc yêu cầu".

Theo các nhà phân tích từ TD Cowen, do tác động này đến chuỗi sản xuất của mình, Apple cùng 188 nhà cung cấp lớn của hãng đều đầu tư để tìm nơi sản xuất khác càng nhanh càng tốt và họ sẽ tiếp tục làm như vậy.

Các nhà phân tích viết: “Chúng tôi tin rằng những rủi ro này mang tính chất dai dẳng và các thảm họa môi trường không lường trước được cũng là yếu tố quan trọng cần theo dõi. Chúng tôi nghĩ rằng sự đa dạng hóa về mặt địa lý và nguồn cung lao động hiện tại có thể làm giảm đáng kể tác động của sự gián đoạn sản xuất trong tương lai, mà lúc cao điểm từng làm giảm doanh thu Apple tới 4 - 8 tỉ USD mỗi quý”.

Việc các nhà cung cấp của Apple dịch chuyển nơi sản xuất sẽ tốn nhiều chi phí. TD Cowen ước tính rằng các nhà cung cấp của Apple đã chi khoảng “16 tỉ USD để đa dạng hóa nơi sản sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Mexico, Mỹ và Việt Nam kể từ năm 2018”.

Báo cáo của TD Cowen cho hay: "Dù việc nhà cung cấp của Apple dịch chuyển nơi sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ dẫn đến chi phí cao hơn trong thời gian ngắn, chúng tôi tin rằng sẽ có lợi ích với chi phí sản phẩm về lâu dài khi năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc đạt đến quy mô đầy đủ. Chúng tôi hình dung quá trình kéo dài nhiều năm trước khi Apple thấy được lợi ích đầy đủ về lợi nhuận hoạt động khi các đối tác tận dụng nguồn lao động địa phương".

Các nhà phân tích khẳng định: “Chúng tôi tin rằng chi phí sản xuất cao hơn một phần do Apple gánh chịu, dù điều này chưa được thể hiện đầy đủ trong xu hướng lợi nhuận gần đây…”.

Sau khi phân tích hơn 1.000 hồ sơ tài chính từ các nhà cung cấp chủ chốt của Apple, gồm cả Foxconn, TD Cowen ước tính rằng "việc sản xuất iPhone vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc dù Tata Electronics của Ấn Độ có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu iPhone trong tương lai".

Các nhà phân tích cho biết: "Với iPhone, phần lớn hoạt động sản xuất vẫn tập trung ở Trung Quốc nhưng các khoản đầu tư gần đây vào Ấn Độ bắt đầu tạo ra một trung tâm sản xuất mới, nơi công ty có thể xuất khẩu số lượng lớn máy sang Mỹ. Ấn Độ đang nhanh chóng trở thành nước tiêu dùng iPhone hàng đầu và hoạt động sản xuất tại địa phương không chỉ giúp giảm chi phí hậu cần phân phối mà còn cải thiện khả năng chi trả vì thuế nhập khẩu không được áp dụng".

Dù vậy, khả năng dịch chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc vẫn hạn chế.

TD Cowen cho biết: “Chúng tôi tin rằng năng lực hiện tại tại các nhà máy ở Ấn Độ có thể sản lượng hàng năm khoảng 25 triệu chiếc iPhone. Điều này đáp ứng nhu cầu trong nước này khoảng 10 triệu chiếc iPhone và có khả năng đáp ứng nhu cầu tới 20% trong số hơn 70 triệu iPhone hàng năm tại Mỹ (chiếm 30% nhu cầu toàn cầu).

Ngược lại, có bước tiến triển tốt trong việc đưa dây chuyền sản xuất Mac và iPad rời Trung Quốc sang Đông Nam Á. Nghiên cứu thực địa về chuỗi cung ứng của chúng tôi cho thấy Việt Nam đã phát triển thành trung tâm sản xuất máy tính lớn những năm gần đây và một lượng nhỏ MacBook, iPad, Apple Watch đã được sản xuất ở đây.

Chúng tôi ước tính rằng năng lực của Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu máy Mac/iPad hàng năm ở Mỹ. Tuy đây là bước tiến tốt và vẫn cần bổ sung năng lực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ, việc đa dạng hóa sản xuất sang các nhà cung cấp không phải của Trung Quốc vẫn cần thiết để đạt được mục tiêu”.

TD Cowen ước tính rằng phải mất tới 18 tháng để một công ty thành lập một nhà máy sản xuất mới và thậm chí có thể lâu hơn để tổ chức toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nhà phân tích viết: “Nếu ngay cả một bộ phận quan trọng không thể sản xuất được bên ngoài khu vực mà chuỗi cung ứng đang muốn giảm thiểu rủi ro thì việc dịch chuyển sẽ chỉ là một phần”.

Apple chưa bình luận về báo cáo này hoặc về kế hoạch giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Bài liên quan
Đối tác của Apple đặt cược loại pin mới sẽ thay đổi cuộc chơi trên các smartphone ngày càng mỏng hơn
TDK Corp (Nhật Bản) đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á về dòng pin smartphone mới mà hãng hy vọng sẽ thay đổi cuộc chơi trong nỗ lực cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các thiết bị ngày càng mỏng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng lắp ráp Vision Pro mở nhà máy ở Việt Nam trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple