Hàn Quốc đã khởi động kế hoạch tự điều trị với những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ để giải phóng nguồn lực y tế tập trung vào các trường hợp nghiêm trọng hơn, khi số ca đạt mức cao mới hôm 11.2 do biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.

Hàn Quốc và Nhật đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do Omicron

Sơn Vân | 10/02/2022, 14:11

Hàn Quốc đã khởi động kế hoạch tự điều trị với những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ để giải phóng nguồn lực y tế tập trung vào các trường hợp nghiêm trọng hơn, khi số ca đạt mức cao mới hôm 11.2 do biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.

Hàn Quốc trước đây là câu chuyện thành công về giảm thiểu số ca mắc COVID-19 nhờ vào việc xét nghiệm, truy vết tích cực, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Thế nhưng khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao bắt đầu lan rộng, chính phủ Hàn Quốc trong tháng này đã bắt đầu chuyển chiến lược của mình khỏi việc xét nghiệm, truy tìm nguồn gốc mà hướng tới việc tự theo dõi, chẩn đoán và điều trị tại nhà.

Từ ngày 10.2, nhà chức trách sẽ chỉ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ 60 tuổi trở lên hoặc những ai có các bệnh nền tiềm ẩn, trong khi những người khác tự theo dõi và tìm kiếm trợ giúp y tế từ các phòng khám được chỉ định nếu tình trạng của họ xấu đi.

Bộ dụng cụ y tế bao gồm thiết bị đo độ bão hòa oxy, nhiệt kế và thuốc hạ sốt - trước đây dành cho tất cả bệnh nhân tự điều trị tại nhà - giờ sẽ chỉ được phân phối đến các nhóm ưu tiên.

Các quan chức ước tính khoảng 13,5% các trường hợp mắc COVID-19 mới sẽ được xếp vào nhóm nguy cơ cao.

Chính phủ Hàn Quốc đã loại bỏ các báo cáo theo dõi liên lạc và tự cách ly bắt buộc dựa trên công nghệ hệ thống định vị toàn cầu.

han-quoc-va-nhat-trong-con-hon-loan-vi-ca-mac-covid-19-tang-cao-ky-luc-do-omicron22.jpg
Một cậu bé đeo khẩu trang cầm dù đi trên phố thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters

Son Young-rae, người phát ngôn Bộ Y tế Hàn Quốc, nói trong cuộc họp hôm 9.2 rằng: “Kế hoạch trước đây không còn thực tế do nguồn lực hạn chế của chúng tôi và tốn kém chi phí kinh tế, xã hội lớn so với nhu cầu y tế của chúng tôi. Mục tiêu của hệ thống mới phản ứng với Omicron của chúng tôi là giảm thiểu các trường hợp nghiêm trọng và tử vong bằng cách tập trung vào chẩn đoán và điều trị các nhóm nguy cơ cao, đồng thời ngăn chặn sự bão hòa và suy giảm năng lực y tế của chúng tôi".

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở nước này đạt kỷ lục là 54.122 vào 9.2, nâng tổng số ca từ đầu đại dịch lên 1.185.361 trong số 52 triệu dân. Tuy nhiên, số ca tử vong mới do COVID-19 được ghi nhận hôm 9.2 vẫn ở mức thấp (20), nâng tổng số người chết lên 6.943.

KDCA cho biết số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng hơn 2 lần trong vòng chưa đầy một tuần và có thể lên khoảng 170.000 ca/ngày vào cuối tháng này với số người điều trị tại nhà lên đến 1 triệu.

Khoảng 96% người trưởng thành ở Hàn Quốc đã được tiêm hai mũi vắc xin và gần 65% nhận mũi tăng cường.

Chính sách biên giới của Nhật Bản khiến sinh viên khổ sở, nền kinh tế gặp khó khăn

Nước láng giếng của Hàn Quốc là Nhật Bản cũng đang phải đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục (trên 100.000/ngày) do biến thể Omicron gây ra.

Hôm 9.2, Thủ tướng Nhật Bản - Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ gia hạn các hạn chế COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 12 quận trong ba tuần nữa khi Omicron tiếp tục lan rộng.

Nhật Bản phá kỷ lục hàng ngày về số ca mắc COVID-19 và tử vong trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan cực nhanh. Hôm 8.2, Nhật Bản ghi nhận 101.278 ca COVID-19 mới với số người chết kỷ lục là 159.

Thủ tướng Fumio Kishida nói với các phóng viên rằng sẽ đưa thêm một tỉnh nữa vào danh sách các khu vực phải đối mặt với các biện pháp bán khẩn cấp, bao gồm cả hạn chế giờ làm việc của các quán ăn.

Chính quyền trung ương sẽ thành lập khoảng 1.000 cơ sở y tế tạm thời điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng chính quyền khu vực Tokyo và Osaka, ông nói thêm.

Nhật Bản đã ban bố nhiều mức độ khẩn cấp khác nhau trong suốt 2 năm đại dịch. Tình trạng khẩn cấp hoàn toàn có thể bao gồm việc đóng cửa các địa điểm phục vụ rượu, hạn chế tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa, phạt tiền với các doanh nghiệp không tuân thủ. Các biện pháp gần như cho phép các thống đốc khu vực ra lệnh hạn chế di chuyển xã hội và giờ làm việc.

han-quoc-va-nhat-trong-con-hon-loan-vi-ca-mac-covid-19-tang-cao-ky-luc-do-omicron.jpg
Nhiều hành khách đeo khẩu trang bên trong một đoàn tàu ở Tokyo, Nhật Bản ngày 9.2 - Ảnh; Reuters

Hai năm sau khi Nhật Bản đóng cửa biên giới để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2, khoảng 150.000 sinh viên nước ngoài vẫn không thể nhập cảnh vào nước này, bị bỏ lại trong tình trạng lấp lửng bởi chính sách làm gián đoạn cuộc sống và khiến các trường đại học, doanh nghiệp đau đầu.

Sự vắng bóng của các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài đang được cảm nhận từ các phòng thí nghiệm lớn đến trường đại học tư nhân nhỏ, làm nổi bật tầm quan trọng của tài năng nước ngoài và cả học phí của họ khi Nhật Bản phải vật lộn với dân số ngày càng giảm.

Trong khi chính sách ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 đã được Thủ tướng Fumio Kishida phổ biến rộng rãi, một số lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo về tác động kinh tế, đặc biệt là khi thị trường lao động bị thắt chặt.

Điều ít rõ ràng là tác động lâu dài hơn đến "quyền lực mềm" của Nhật Bản, đặc biệt là danh tiếng học thuật của nước này trên toàn thế giới.

Tại Viện nghiên cứu Riken, nhà di truyền học Piero Carninci cho biết đã tận mắt chứng kiến ​​tác động này. Nhật Bản đang thiếu các nhà nghiên cứu tin sinh học quan trọng cho các nghiên cứu bộ gen nhưng ông đã không thể lấp đầy khoảng cách với các tài năng nước ngoài trong 2 năm qua.

"Phòng thí nghiệm của tôi chắc chắn đang hoạt động chậm lại. Chúng tôi đang gặp khó khăn. Quốc tế hóa trong khoa học chắc chắn là rất quan trọng, bởi bạn không có tất cả chuyên môn trong cùng một quốc gia", theo Piero Carninci, Phó giám đốc Riken, người có nghiên cứu đoạt giải về di truyền học đã được trích dẫn trong 60.000 bài báo.

Nhiều quốc gia đã phong tỏa biên giới để ngăn chặn SARS-CoV-2. Mỹ chứng kiến ​​số lượng sinh viên quốc tế đăng ký giảm 43% vào mùa thu năm 2020 so với 2019, trong khi khoảng 80.000 visa lao động nhập cư đã hết hạn không được sử dụng vào 2021.

Thế nhưng, Nhật Bản nổi bật với đóng biên giới chặt chẽ nhất trong G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới gồm Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Canada). Chỉ có Trung Quốc với chính sách Zero COVID-19 đóng biên giới chặt chẽ hơn Nhật Bản trong số các nền kinh tế lớn.

Cái giá phải trả rất đắt. Một nghiên cứu do chính phủ liên kết cho thấy Nhật Bản năm ngoái đã rơi xuống vị trí thứ 10 trên toàn cầu về công bố các bài báo khoa học đáng chú ý. 20 năm trước, Nhật Bản đứng ở vị trị thứ 4.

Gần một nửa số trường đại học tư thục hệ 4 năm của Nhật Bản không thể lấp đầy tất cả chỗ cho sinh viên năm thứ nhất vào 2021, theo một quan chức đại diện các nhà giáo dục tư nhân.

Quan chức này cho biết, trong khi lý do lớn nhất là số lượng sinh viên Nhật Bản bỏ học thì lượng sinh viên nước ngoài cũng giảm theo.

Hơn 100 học giả và chuyên gia quan hệ quốc tế đã ký một lá thư yêu cầu Thủ tướng Fumio Kishida mở lại biên giới. Người dân biểu tình bên ngoài các đại sứ quán Nhật Bản và một bản kiến ​​nghị trực tuyến kêu gọi cho sinh viên, người lao động được vào nước này đã có hơn 33.000 chữ ký.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đưa ra một ngoại lệ và cho phép 87 sinh viên được nhà nước tài trợ vào quốc gia này.

Wesley Cheek, nhà xã hội học gần đây đã rời Nhật Bản để làm một nghiên cứu ở Anh, nói: “Đó là một bàn phản lưới nhà khổng lồ cho Nhật Bản sau nhiều thập kỷ sử dụng thành thạo quyền lực mềm. Những người như tôi, thường nộp đơn xin tài trợ để tiếp tục nghiên cứu của chúng tôi ở Nhật Bản, cần phải vượt qua trong tương lai gần".

Sinh viên quốc tế có thể làm việc bán thời gian ở Nhật Bản và theo truyền thống bị gọi là lao động "làm việc vặt" ở những nơi như cửa hàng tiện lợi.

Theo Yohei Shibasaki, cố vấn tuyển dụng quốc tế của các công ty dịch vụ và công nghệ, ngay cả trước khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện, không có đủ sinh viên nước ngoài để đáp ứng nhu cầu lao động.

Ông ước tính có khoảng 170.000 sinh viên từ các trường thương mại và ngôn ngữ ở Nhật Bản trước đại dịch, hầu hết trong số họ làm việc bán thời gian.

Hiroshi Mikitani, Giám đốc điều hành của Tập đoàn thương mại điện tử Rakuten, chuyên thuê các kỹ sư nước ngoài, cho biết các biện pháp hạn chế nên được xem xét lại vì không hiệu quả trên thực tế và "chỉ là một điểm trừ cho nền kinh tế".

Hoàn cảnh của các sinh viên quốc tế ở Nhật Bản có thể gây đau lòng.

Trên mạng xã hội và trong các cuộc phỏng vấn, họ mô tả việc trả học phí cho các lớp học trực tuyến vào lúc nửa đêm, mất học bổng và hàng tháng trời căng thẳng chờ đợi sự thay đổi. Một số đã cạn kiệt tiền tiết kiệm hay từ bỏ và đi nơi khác.

Davide Rossi, người điều hành một cơ quan xúc tiến du học, cho biết Nhật Bản không còn là điểm đến chính để học tập và nghiên cứu ở Đông Á, với nhiều sinh viên hiện đến Hàn Quốc hơn.

Sujin Song, sinh viên 20 tuổi chuyên ngành khoa học đến từ Hàn Quốc, bị mất học bổng nhưng vẫn cố gắng làm bài tập trong phòng thí nghiệm cho các lớp học trực tuyến của mình. Sujin Song lại bị chặn nhập cảnh vào Nhật Bản hồi tháng 11.2021.

"Tôi thực sự thích Nhật Bản nhưng bây giờ tôi cảm thấy bị phản bội", Sujin Song thổ lộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết sẽ suy nghĩ về các hành động thích hợp với điều mà ông gọi là các quy tắc biên giới mạnh nhất trong G7, nhưng không có dấu hiệu nới lỏng ngay lập tức.

Bài liên quan
Nước Đông Nam Á thứ 5 có ca nhiễm Omicron, Hàn Quốc tái áp dụng giãn cách sau ngày chết chóc nhất do COVID-19
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia vừa xác định ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc và Nhật đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do Omicron