Tầng thứ hai của tên lửa SpaceX đã rơi trở lại khí quyển và cháy rụi hoàn toàn trên bầu trời sau khi đưa một vệ tinh vào không gian cách đây 5 năm.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phân rã trên bầu trời Mexico

Long Hải | 08/02/2022, 17:10

Tầng thứ hai của tên lửa SpaceX đã rơi trở lại khí quyển và cháy rụi hoàn toàn trên bầu trời sau khi đưa một vệ tinh vào không gian cách đây 5 năm.

nasa-spacex-launch-dart.jpg
Tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Tổ hợp phóng không gian 4 tại căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg ở California vào ngày 23.11.2021, mang theo tàu vũ trụ DART của NASA

Truyền thông địa phương cho biết một phần của tên lửa Falcon 9 của SpaceX dường như đã phân rã an toàn trên bầu trời miền bắc Mexico vào ngày 6.2. Tên lửa này đã đưa vệ tinh Echostar 23 lên không gian vào tháng 3.2017.

“Tối nay một 'thiên thạch' đã được nhìn thấy rơi xuống phía bắc Mexico”, nguồn cung cấp dữ liệu tiếng Tây Ban Nha Frontera Espacial đã tweet trên Twitter kèm theo đoạn video cho thấy tầng thứ hai của tên lửa đang phân rã.

Cả SpaceX và Giám đốc điều hành Elon Musk đều chưa phản hồi về sự việc. Tuy nhiên, Aerospace Corporation, tổ chức của Mỹ chuyên theo dõi quá trình hồi quyển của các vệ tinh và phương tiện vũ trụ, đã xác nhận việc tầng thứ hai tên lửa Falcon 9 rơi trở lại khí quyển.

Tên lửa Falcon 9 đã giúp phóng vệ tinh Echostar 23 lên quỹ đạo chuyển giao địa tĩnh cách Trái đất khoảng 35.900 km và ban đầu được hướng đến vị trí phía trên đường xích đạo ở 45 độ kinh Tây. Nhiệm vụ ban đầu của Echostar 23 là cung cấp các dịch vụ phát sóng, internet và các dịch vụ truyền thông khác cho Brazil. Theo NASA, vệ tinh này vẫn đang hoạt động và dự kiến ​​sẽ tồn tại trong ít nhất một thập kỷ nữa.

spacex111.jpg
Tên lửa Falcon 9 chở Đài quan sát Khí hậu không gian sâu vào không gian năm 2015

Tầng tên lửa hay các loại rác vũ trụ khác rơi xuống khí quyển Trái đất và cháy rụi không phải việc bất thường. Năm ngoái, một tầng tên lửa Falcon 9 cũng phân rã trên bầu trời thành phố Seattle, Mỹ, theo cách tương tự.

Mới đây, các nhà thiên văn học dự đoán một tầng đẩy của tên lửa khác mà SpaceX phóng vào không gian cách đây gần 7 năm có thể đâm vào Mặt trăng. Đây là tầng đẩy của tên lửa Falcon 9 có nhiệm vụ đưa Đài quan sát Khí hậu không gian sâu NOAA (DSCOVR) vào không gian hồi tháng 2.2015.

Vào thời điểm đó, tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 này đã nằm ở độ cao lớn đến mức không có đủ nhiên liệu để quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. Nó cũng thiếu năng lượng để thoát khỏi lực hấp dẫn của hệ Trái đất - Mặt trăng, vì vậy đã trôi nổi trên quỹ đạo kể từ đó.

Giờ đây, theo các nhà quan sát bầu trời, quỹ đạo của tầng thứ hai của tên lửa đã qua sử dụng sẽ giao cắt với Mặt trăng. Theo Bill Gray, người viết phần mềm Project Pluto được sử dụng rộng rãi để theo dõi các vật thể gần Trái đất như tiểu hành tinh và sao chổi, một tác động như vậy có thể đến vào tháng 3 năm nay.

Nếu dự đoán chính xác, những vệ tinh đang quay quanh Mặt trăng bao gồm tàu Lunar Reconnaissance và tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ có thể thu thập quan sát về miệng hố va chạm.

Mặc dù các nhà khoa học quan tâm nhất đến việc tìm hiểu sự hiện diện của băng ở các cực Mặt trăng, nhưng việc có thể quan sát vật chất dưới bề mặt bị đẩy ra từ vụ va chạm của tên lửa Falcon 9 vẫn có thể cung cấp một số dữ liệu mà chúng ta chưa từng biết.

Bài liên quan
Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ tên lửa mới của Nga
Hãng Reuters đưa tin các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mà Nga vừa sử dụng để không kích Dnipro tuần trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phân rã trên bầu trời Mexico