Có những đài nhận bừa kịch bản của sinh viên rồi giao cho các nhóm hài triển khai thành tiểu phẩm 30 phút, cứ thế bấm máy và phát sóng. Để tạo tiếng cười và cố làm mới những tiểu phẩm cũ, một số nghệ sĩ hài hiện còn lạm dụng ngôn ngữ “chợ búa”, nhạc chế làm tăng độ “nhảm” và phản cảm của các tiết mục.
Ngay sau thành công của một số chương trình truyền hình thực tế khai thác tiếng cười: Ơn giời cậu đây rồi! Hội ngộ danh hài, Cười là thua, Chết cười, Gặp nhau để cười, Thách thức danh hài..., kịch hài trên truyền hình đang được các nhà sản xuất tận lực khai thác để vừa cạnh tranh tìm khán giả vừa kiếm lợi nhuận thông qua quảng cáo. Các chương trình hài nở rộ trong lúc lượng diễn viên, tiểu phẩm và số lượng nhóm hài danh tiếng không thể bắt kịp tốc độ dẫn đến tình trạng giảm chất lượng.
“Nhảm” và phản cảm tràn lan
Không khó khăn gì khi bật những kênh truyền hình hiện nay để nhặt “rác” từ các chương trình hài kịch. Xem tiểu phẩm hài trên các kênh SCTV 1, SCTV 17, Đài PTTH Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh… và ngay cả trong các chương trình hài đình đám: Ơn giời cậu đây rồi! Cười là thua, Chết cười, Hội ngộ danh hài… đã bắt đầu lộ diện sự xuống cấp khi đưa nhạc chế, các tình huống hài nhạt nhẽo, diễn xuất cẩu thả của một số nghệ sĩ. Thậm chí, chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm của VTV cũng sử dụng nhạc chế nhưng nội dung các bài nhạc chế chẳng ăn nhập với tình huống hài kịch, lời nhạc chế sáo rỗng.
Để tạo tiếng cười và cố làm mới những tiểu phẩm cũ, một số nghệ sĩ hài hiện còn lạm dụng ngôn ngữ “chợ búa”, nhạc chế làm tăng độ “nhảm” và phản cảm của các tiết mục. Khán giả khó có thể cười được với kiểu nhạc chế: “Em đi chơi lâu quá, sao không đi luôn má…” (theo bài Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP); “Cho em một lần, một lần thôi, một lần được bế anh lên giường”… hoặc những câu thoại phản cảm kiểu: “Tao đánh chết mẹ mày”, “Hà Nội không vội, Sài Gòn không lòn, Bạc Liêu đít không viêu”, “Đồ mắm đù”… Không ít tiểu phẩm lấy người đồng tính ra chế nhạo hoặc mang những khuyết tật: cà lăm, nói lắp, thiểu năng, sứt môi, nói ngọng… để gây cười. Những gì từng diễn ra trên các sàn diễn hài những năm trước đây từng bị dư luận lên án, cơ quan quản lý văn hóa xử lý thì nay đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên sóng truyền hình.
Nhiều phụ huynh tâm sự họ không dám cho con em mình xem hài bởi lời thoại quá thô thiển vì trẻ nhỏ dễ bắt chước tiêu cực càng không muốn con mình ăn nói bỗ bã, xưng hô mày tao với người lớn tuổi và nghêu ngao nhạc chế nội dung chẳng ra sao.
Ăn xổi ở thì
Trước tình trạng “bệnh nhảm tái phát” của hài truyền hình, nhiều nghệ sĩ đổ lỗi cho việc thiếu thời gian tập dượt, hầu như chỉ tập qua loa rồi cứ thế mà quay. Còn diễn viên Quốc Thái thổ lộ ngay cả chương trình Đông Tây kim cổ của HTV2, kịch bản quá yếu, hầu như diễn viên phải thêm mảng miếng, tình huống hài vào để gây cười. “Nhưng khi xem lại, thấy những tình huống chủ quan do mình thêm vào không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả” - Quốc Thái nói.
Có nhiều nguyên nhân khiến hài trên sóng truyền hình xuống cấp nhưng cơ bản do tình trạng cạn kiệt kịch bản hay và thái độ thiếu nghiêm túc của những người thực hiện chương trình đối với tác phẩm của họ. Có những đài nhận bừa kịch bản của sinh viên rồi giao cho các nhóm hài triển khai thành tiểu phẩm 30 phút, cứ thế bấm máy và phát sóng. “Tiểu phẩm của sinh viên đơn điệu, đôi khi chỉ có 1 trang bản thảo, triển khai thành câu chuyện hay để diễn rất khó. Các diễn viên hài cố thêm thắt, miễn cưỡng kéo dài cho đủ thời lượng 30 phút. Cách làm nghệ thuật như thế không chuyên nghiệp lại còn ảnh hưởng đến những nghệ sĩ hài có tâm huyết” - NSƯT Hữu Châu bức xúc.
Nạn bè phái trong cách làm việc của một số ê-kíp thực hiện chương trình hài kịch trên các kênh truyền hình cùng mối quan hệ thân tình giữa các bộ phận, để sự cả nể xen vào công việc khiến tình hình thêm tệ.
Theo đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, để hài truyền hình không nhảm và phản cảm, chỉ còn cách kiên trì không nhận kịch bản kém chất lượng, không duyệt phát sóng vở hài chưa tập dượt nghiêm túc, không chấp nhận diễn viên hài diễn thô tục.
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ rằng thế mạnh của sân khấu kịch TP HCM là lực lượng sân khấu xã hội hóa. Đội ngũ diễn viên hài rất năng động, cái thiếu là sự quy tụ và đồng lòng để cùng “làm nên chuyện”. Vừa qua, nghệ sĩ Hoài Linh thành lập CLB Nghệ sĩ hài, quy tụ nghệ sĩ góp phần làm trong sạch tiếng cười. “Các chương trình hài truyền hình nên gắn kết với CLB hài TP HCM nếu muốn hiệu quả cao. CLB này sẽ chuẩn bị kịch bản, nguồn diễn viên, mời đạo diễn dàn dựng nghiêm túc, sau đó cung cấp cho các đài. Từ đây sẽ tránh việc sử dụng kịch bản trôi nổi, kém chất lượng làm gia tăng hài nhảm” - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Quy tụ, nâng chất
CLB Hài kịch TP HCM do nghệ sĩ Hoài Linh thành lập quy tụ gần 30 nhóm hài đang hoạt động tại TP HCM. Đây là nơi bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ và trau dồi kinh nghiệm trong diễn xuất. Hoài Linh chủ động mời các nghệ sĩ gạo cội từ Nam chí Bắc: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Hồng Vân, NSƯT Ca Lê Hồng... tham gia các lớp tập huấn cho diễn viên hài của CLB.
“Tôi muốn nghệ sĩ hài được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng. Thông qua những buổi trao đổi, trau chuốt từng tiểu phẩm hài cụ thể của từng nhóm, hoán đổi diễn viên với nhau để làm tăng hiệu quả diễn xuất, chất lượng tiểu phẩm. Các thầy cô cũng sẽ góp ý, nâng cao tính thẩm mỹ lâu nay còn yếu của các nhóm hài” - Hoài Linh cho biết.
Thanh Hiệp (Theo Người Lao động)