Bức màn bí mật đã được vén lên, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có tới hai người mẹ. Một người đã sinh ra tôi tuy không ở bên tôi nhưng luôn theo dõi từng bước đi của tôi. Một người đã hy sinh tất cả để nuôi dưỡng tôi trưởng thành.

Hai người mẹ của tôi

DDVN | 21/10/2016, 05:22

Bức màn bí mật đã được vén lên, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có tới hai người mẹ. Một người đã sinh ra tôi tuy không ở bên tôi nhưng luôn theo dõi từng bước đi của tôi. Một người đã hy sinh tất cả để nuôi dưỡng tôi trưởng thành.

Sâm, mẹ xin lỗi con. Hôm naycon là một cô dâu rất xinh đẹp. Chiếc váy cô dâu này đẹp quá, nó rất hợp với con! Con sẽ hạnh phúc bên người con yêu thương! Sâm, mẹ xin lỗi! Mẹ đã không ở bên cạnh con tới lúc con trưởng thành. Nhưng con đã khôn lớn và thực sự trưởng thành rồi! - Mặc cho ê kíp trang điểm cô dâu đang chỉnh trang váy áo cho tôi trước giờ hôn lễ, người phụ nữ mặc chiếc áo đỏ ấy cứ ôm lấy tôi, vừa thút thít khóc vừa nói với tôi những lời thống thiết.

- Cô ơi! Cô bình tĩnh lại đi.

Chắc cô nhầm cháu với ai đó rồi. Tôi chưa hết bàng hoàng cũng chưa kịp hỏi thêm bất cứ điều gì về người phụ nữ đó thì chủ hôn thông báo hôn lễ chuẩn bị bắt đầu. Cùng gia đình họ hàng hai bên, tôi và chồng tương lai bước vào hôn lễ với những băn khoăn, rối bời. Cũng may lúc đó mẹ tôi đang bận tiếp khách nên không hay biết gì. Nhiều lần tôi định gặp mẹ tôi để hỏi chuyện nhưng rồi lại quyết định dừng lại. Tôi sẽ coi như không có chuyện này. Nhưng còn hộp quà và người phụ nữ áo đỏ ấy đã để lại, tôi phải làm gì với nó?

Dù hộp quà ấy, tôi đã cẩn thận cất vào tủ mong có ngày trả lại... Nhiều đêm tôi định mở quà ra xem nhưng rồi lại ngại ngần, tôi cất nó đi. Một đêm cuối tháng 9, tôi chờ đến khi cả gia đình đã ngủ say, tôi đem hộp quà ra ban công... Thật bất ngờ với những thứ mà tôi nhận được bên trong hộp quà ấy. Đó là nhữngmón đồ rất có giá trị. Một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng ghi tên tôi là chủ sở hữu, một chiếc lắc tay bằng vàng khắc đầy đủ họ tên và ngày tháng năm sinh của tôi trên đó. Và đặc biệt hơn là những dòng nhắn gửi:

“Con gái! Hãy tha lỗi cho mẹ! Mẹ biết, mẹ đã sai. Sinh con ra nhưng mẹ đã không thể ở bên cạnh con.Đó là lỗi rất lớn của mẹ. Nhưng lúc đó mẹ đã rất xấu hổ vì mẹ còn quá trẻ. Mẹ thiếu tự tin vào cuộc sống con à! Giờ mẹ đã có cơ hội được gặp con. Mẹ đòi hỏi quá chăng? Nhưng mẹ thèm được nghe con gọi hai tiếng Mẹ ơi!”. Đọc xong những dòng nhắn gửi đó, tôi xâu chuỗi lại những thông tin mà trước đây tôi đã từng nghe nói về mẹ của mình. Chợt nhớ lại cách đây mấy năm có người từng nói với tôi rằng mẹ của tôi bây giờ không phải mẹ đẻ ra tôi. Nhưng tôi chẳng quan tâm vì tôi và mẹ có rất nhiều nét giống nhau, chưa kể tính cách của tôi và mẹ cũng giống nhau. Thế nên, tôi không tìm hiểu về chuyện này.

Nhưng sao người phụ nữ ấy biết rõ về tôi như thế? Liệu tôi có nên đi tìm người phụ nữ ấy để hỏi rõ lại chăng? Nhưng làm như thế tôi lại thấy mình có lỗi với mẹ của tôi bây giờ. Tin làm sao được khi người mẹ của tôi bây giờ rất tuyệt vời. Mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng tôi. Mẹ luôn tốt với tôi. Tôi biết, dù chỉ là những câu nói bông đùa nhưng cũng chưa bao giờ mẹ nói bóng gió về chuyện này. Vừa lúc những dòng suy nghĩ đang rối bời trong tôi thì bất ngờ mẹ tôi xuất hiện. Mẹ tôi dẫn tôi về phòng của mẹ. Mẹ kể chuyện cho tôi nghe trong nước mắt. Quả thực đúng! Mẹ của tôi bây giờ không phải là người đã sinh ra tôi. Mẹ tôi chính là bác gái ruột của tôi. Nghĩa là người mẹ đã sinh ra tôi chính là em gái của mẹ tôi bây giờ.

Thật đau lòng khi cách đây 26 năm, cô thiếu nữ xinh đẹp, ngoan hiền đã bị tên hàng xóm xấu xa hãm hiếp khi mới tròn 17 tuổi. Một thiếu nữ non nớt giờ lại bụng mang dạ chửa, thương em gái trẻ tuổi đã mang thai nên bác gái (tức mẹ tôi bây giờ) đã cùng gia đình vào miền Nam sinh sống. Không thể vượt qua nỗi đau, mặc cảm nên chỉ sau 2 ngày khi sinh ra tôi mẹ tôi đã bỏ đi. Tôi lớn lên nhờ công nuôi dưỡng của bác. Trở thành mẹ của tôi, bác đã phải chịu đủ thiệt thòi. Bởi lẽ, khi nhận nuôi tôi mẹ mới hơn 20 tuổi. Cũng đồng nghĩa với việc mẹ phải đương đầu với nhiều thử thách sóng gió. Sống nơi đất khách quê người, mẹ phải bỏ học đi làm thuê, bán hàng để kiếm tiền lo mua sữa, mua quần áo lo trang trải cho cuộc sống hàng ngày... mẹ hi sinh rất nhiều cho tôi. Có nhiều đám tử tế muốn kết hôn với mẹ nhưng khi gia đình họ phát hiện bác có con riêng (nghĩa là tôi) là họ xin trì hoãn hoặc xin rút lui.

Có đám bảo rằng mẹ lừa họ... Nhưng mẹ tôi không buồn. Mẹ càng thương tôi hơn. Khi đã luống tuổi, mẹ mới có cơ hội gặp được dượng (dượng lớn hơn mẹ 20 tuổi). Dượng rất tốt với chúng tôi, tuy chỉ có điều khi lấy mẹ không còn khả năng sinh đẻ. Tôi chính là người con duy nhất của mẹ. Thế nên không phụ công nuôi dưỡng của mẹ, tôi học tập chăm chỉ. Hiện tôi là một thạc sĩ, là giảng viên trường đại học lớn. Trở thành một cô giáo đó cũng là ước mơ lớn nhất của mẹ thời con gái. Mẹ rất vui và tự hào khi tôi đã thực hiện ước mơ của mẹ. Tôi và mẹ như hai người bạn thân, thế nên không phải mẹ không biết đến câu chuyện về người phụ nữ mặc áo đỏ tìm đến tôi mà mẹ đã biết trước điều đó rồi. Mẹ bảo mẹ cũng đã rất hạnh phúc khi biết tin em gái mình vẫn còn sống.

Bởi lẽ, sau khi người em gái của mẹ tôi bỏ đi mấy ngày, gia đình nhận được thông báo có thiếu nữ đã nhảy cầu tự vẫn. Khi gia đình mẹ tìm đến để nhận dạng thì nhận được đôi dép của người con gái ấy. Thương em, gia đình mẹ đã nhờ người tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn bặt âm vô tín. Thế rồi, mẹ tôi bảo cuộc sống vẫn còn nhiều điều kì diệu lắm! Không thể tin nổi khi người em gái ấy đã được một ngư dân cứu giúp. Họ đã cưu mang, giúp đỡ người con gái ấy. Cũng từ ngày đó, người con gái ấy đã hồi sinh và vẫn ngày này tháng kia theo dõi gia đình tôi. Người mẹ sinh ra tôi giờ đã có một tổ ấm nhỏ, một người chồng yêu thương mẹ thật lòng ngay cả khi biết mẹ có một đứa con riêng là tôi. Tôi không cảm thấy mình xấu hổ, ngược lại tôi thấy mình thật hạnh phúc khi bí mật ấy được phát hiện. Tôi có hai người mẹ. Một người đã sinh ra tôi tuy không ở bên tôi nhưng luôn theo dõi từng bước đi của tôi. Một người đã hi sinh tất cả để nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Sớm mai, tôi sẽ chạy đi tìm người phụ nữ mặc áo đỏ để được ôm bà và gọi: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều!”.

Tâm Giao
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai người mẹ của tôi