Sáng 24.12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng loạt khánh thành 2 công trình giao thông quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, cùng lúc với 2 dự án lớn khác trên đất nước.
Sự kiện

Hai dự án lớn chắp cánh cho đồng bằng sông Cửu Long bay cao vươn xa

Văn Kim Khanh 24/12/2023 13:43

Sáng 24.12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng loạt khánh thành 2 công trình giao thông quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, cùng lúc với 2 dự án lớn khác trên đất nước.

Hai dự án tầm quốc gia

le-dinh-tho.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giới thiệu tổng quát về 4 dự án được khánh hôm nay - Ảnh: VKK

Phát biểu trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giới thiệu tổng quát về 4 dự án được khánh thành hôm nay. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ GTVT khánh thành 4 công trình lớn tầm quốc gia trong 1 ngày.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61km, cách cầu Mỹ Thuận 1 hiện hữu 350m về phía thượng lưu. Điểm đầu dự án nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

cau-my-thuan-dep.jpg
Hai cầu Mỹ Thuận 1 (cũ) và 2 (mới) trông rất đẹp, hiện đại, tạo cảnh quan sinh động cho ĐBSCL - Ảnh: Đ.V

Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công vào tháng 2.2020. Theo phương án thiết kế, cầu chính dài khoảng 1,9km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Nhịp chính dài 350m, hai trụ tháp mỗi trụ cao hơn 125m.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành cùng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nối liền tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, rút ngắn thời gian hành trình TP.HCM đến Cần Thơ từ khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ xuống còn hơn 2 tiếng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng ĐBSCL.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là một đoạn tuyến nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, dài gần 23km. Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu; trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

nut-giao-mt.jpg
Nút giao đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - Ảnh: Đ.V

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công vào tháng 1.2021 với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ. Trục đường này cũng là điểm nút kết nối với các tuyến cao tốc trọng điểm đang thi công như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở ra cơ hội bứt phá cho các tỉnh thành trong khu vực.

Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ chính thức thông xe vào lúc 7 giờ ngày mai 25.12.

Nhiều khó khăn trong quá trình thi công

Khởi công từ tháng 1.2021, trong quá trình triển khai thi công, dự án cao tốc và cầu liên tiếp gặp nhiều khó khăn khách quan liên quan đến mặt bằng, thời tiết, dịch COVID-19, vận chuyển vật liệu... Cùng đó, gần 23km tuyến đều phải xử lý nền đất yếu, xử lý gia tải trong thời gian từ 12 - 14 tháng.

viet-1.jpg
Sau lễ khánh thành, vào 7 giờ sáng mai 25.12 tuyến đường chính thức thông xe - Ảnh: Đ.V

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "vượt lên chính mình" cũng như các chuyến kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đốc thúc tiến độ dự án của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, phong trào thi đua "120 ngày đêm đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ về đích" được phát động, thổi bùng khí thế trên công trường.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ: “Hạn định tới ngày 31.12 được quyết định rút ngắn đến ngày 22.12 là phải hoàn thành tất cả các hạng mục để đến ngày 24.12 khánh thành tuyến. Ngay sau quyết định đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) cùng các nhà thầu đã huy động lượng thiết bị khổng lồ, cùng hàng nghìn kỹ sư, công nhân thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ thời gian, tận dụng thời tiết thuận lợi phấn đấu hoàn thành theo tiến độ đã đề ra”.

Cầu dây văng "Made in Vietnam" đầu tiên

cau-my-thuan-2.png
Cầu Mỹ Thuận 2 là cầu hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công - Ảnh: Đ.V

Cách cầu Mỹ Thuận gần 400m về phía thượng lưu, cầu dây văng Mỹ Thuận 2 với quy mô hiện đại sừng sững giữa sông Tiền mênh mông. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công.

Các kỹ sư làm việc tại dự án chia sẻ, trong quá trình thi công, anh em đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, phải kể đến công tác thi công hệ móng cọc của cầu chính với 52 cọc khoan nhồi, chiều sâu lên đến 115m.

Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, những nhà thầu Việt Nam đã khẳng định làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng, là tiền đề để tiếp tục khẳng định trên những dự án khác như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi...

Suốt 3 năm triển khai dự án cũng là quãng thời gian hàng nghìn công nhân, cán bộ kỹ sư, quản lý ăn ngủ luôn trên công trường. Có những giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp, dự án cầu Mỹ Thuận 2 vẫn vừa phòng chống dịch, vừa thi công bình thường để đảm bảo tiến độ.

chinh-3.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại lễ khánh thành - Ảnh: Đ.V

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng "Đây là 2 trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi TP.Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM.

Nhiều bài học từ 4 dự án khánh thành hôm nay

chinh-2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo - Ảnh: Đ.V

Phát biểu trong buổi lễ khánh thành 4 dự án lớn về giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng chưa bao giờ cùng một ngày chúng ta khánh thành 4 dự án có tổng giá trị đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng. Hầu các dự án do Việt Nam thiết kế, giám sát, thi công và đầu tư xây dựng. Đây là những công trình lớn, có quy mô và kỹ thuật cao cấp, phức tạp. Các dự án này khởi công cách nay 2 - 3 năm, tức là thi công trong điều kiện đại dịch, chịu sự phong tỏa nhưng vẫn hoàn thành đúng kế hoạch, với ý chí “Vượt nắng, thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, vượt qua thử thách”

Thủ tướng cũng nêu lên những bài học trong đầu tư xây dựng là: Thứ nhất, tập trung nguồn lực và tư duy, từ đó tạo nên sức mạnh để thực hiện các dự án. Nguồn lực và tư duy ở đây là từ sức mạnh nhân dân. Thứ nhì là sự phân cấp, phân quyền, kiểm tra giám sát chặt chẽ để dự án được thực hiện nhanh chóng, minh bạch. Thứ 3 là phát huy tinh thần tự lực tự cường. Thứ 4 là công trình dự án luôn thử thách, phải có nỗ lực lớn và quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Thứ 5 là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, các cơ quan, các địa phương để thực hiện công trình dự án. Thứ 6 là tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. Tất cả tạo nên sức mạnh để hoàn thành công trình dự án và nhiệm vụ được giao.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần thể hiện lòng biết ơn nhân dân các địa phương đã ủng hộ, đã phối hợp giao đất nhanh cho các dự án để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
53 giây trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai dự án lớn chắp cánh cho đồng bằng sông Cửu Long bay cao vươn xa