Trong lúc đang khều hái quả cóc, nữ sinh P.T.B. L.( 18 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ bị ong trên cây cóc túa ra đốt, khiến nữ sinh bị sốc phản vệ gây tổn thương phổi, tụt huyết áp, suy hô hấp nặng không thể kiểm soát bằng máy thở, bệnh nhân suýt tử vong.

Hái cóc, nữ sinh suýt mất mạng do ong đốt

Hồ Quang | 11/07/2016, 15:21

Trong lúc đang khều hái quả cóc, nữ sinh P.T.B. L.( 18 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ bị ong trên cây cóc túa ra đốt, khiến nữ sinh bị sốc phản vệ gây tổn thương phổi, tụt huyết áp, suy hô hấp nặng không thể kiểm soát bằng máy thở, bệnh nhân suýt tử vong.

Theo người nhà của nữ sinh này, khoảng 6 giờ ngày 5.7, L. ra sau vườn nhà thấy cây cócđang có trái liền với tay hái 1 trái, bất ngờ ong bầu ở trên cây túa ra, 1 con đốt ngay vào mí mắt phải.

Sau khi bị ong đốt L, bắt đầu nổi mẩn đỏ, ngứa toàn thân. Gia đình nghĩ chắc do L. hay bị dị ứng da nên nổi mẩn đỏ chắc không sao. Nhưng sau đó bệnh nhân có dấu hiệu thở mệt rồi khó thở, lập tức gia đình chuyển đến Bệnh viện huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cấp cứu. Tại đây các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy hô hấp, huyết áp tụt… nên tiến hành sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Lúc này tình trạng bệnh nhân rất xấu, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch để tăng huyết áp và chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân chuyển đến bệnh viện lúc 2 giờ ngày 7.7 trong tình trạng huyết áp tụt, máu trào ra từ ống nội khí quản, tổn thương phổi, suy hô hấp khá nặng. Sau đó, bệnh nhân tím tái, vật vã, huyết áp thấp, mạch nhanh, o xy máu thấp. Bệnh nhân được thở máy chế độ cao, sử dụng thuốc vận mạch để kiểm soát huyết áp.

“Do bệnh nhân này bị tổn thương phổi rất nặng nên việc thở máy không thể kiểm soát được tình trạng hô hấp. Chúng tôi buộc phải huy động bác sĩ đầu ngành ở các chuyên khoa tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện phương pháp điều trị giải o xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO)”, bác sĩ Linh cho hay.

Theo bác sĩ Linh, sau khi thực hiện phương pháp ECMO tình trạng suy hô hấp được cải thiện. Sau đó 2 ngày tổn thương phổi của bệnh nhân bắt đầu cải thiện, huyết áp ổn định.

“Đến sáng nay (11.7), các sinh hiệu bệnh nhân tương đối ổn định, phổi vẫn còn tổn thương nhưng có xu hướng cải thiện. Tới thời điểm này phương pháp điều trị ECMO đang có những chuyển biến tốt đối với bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn phải còn tiếp tục theo dõi xem bệnh nhân có thể cai được ECMO hay không”, bác sĩ cho biết.

“Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không sử dụng phương pháp ECMO thì bệnh nhân có thể tử vong trong vài tiếng do tình trạng suy hô hấp không kiểm soát”, bác sĩ Linh cho biết thêm.

Theo phân tích của bác sĩ Linh, thông thường những trường hợp ong đốt mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào số lượng ong đốt, vết ong đốt. Những bệnh nhân ong đốt bị tổn thương đa cơ quan thường có số lượng đốt lên đến trên 50 đốt.

Tuy nhiên, mức độ sốc và tổn thương phổi ở nữ sinh này không phụ thuộc vào số lượng ong đốt hay số lượng vết đốt mà phần lớn phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân; đặc biệt là những người có cơ địa mẫn cảm, thường xuyên bị dị ứng hay hen suyễn, chỉ cần 1 vết ong đốt cũng khiến tình trạng bệnh nặng.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hái cóc, nữ sinh suýt mất mạng do ong đốt