Khoản chi quốc phòng kỷ lục 6.800 tỉ yen (50 tỉ USD) cho năm 2023 là một nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Tokyo, khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn.

Hạ viện Nhật Bản phê chuẩn chi quốc phòng kỷ lục

Bảo Vĩnh | 01/03/2023, 17:26

Khoản chi quốc phòng kỷ lục 6.800 tỉ yen (50 tỉ USD) cho năm 2023 là một nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Tokyo, khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn.

tomahawk.jpg
Một quả tên lửa Tomahawk - Ảnh: AP

Hạ viện Nhật Bản ngày 28.2 đã phê duyệt khoản chi quốc phòng tăng 20% so với năm trước (2022), trong đó sẽ chi 211,3 tỉ yen (1,55 tỉ USD) để mua tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ.

Tên lửa Tomahawk có thể được phóng từ tàu, có tầm bay xa khoảng 1.600km, sẽ được triển khai trong 2 năm 2026 - 2027 trên các khu trục hạm với hệ thống phóng thẳng đứng để thực hiện các cuộc tấn công hạm đối đất, các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Trong năm tài khóa 2023 vốn sẽ bắt đầu từ tháng 4 tới, Nhật Bản sẽ trả cho Mỹ số tiền 110 tỉ yen (830 triệu USD) mua thiết bị và phần mềm cần có để phóng Tomahawk, cùng khoản phí chuyển nhượng công nghệ và huấn luyện nhân sự.

Theo AP, việc thông qua khoản chi quốc phòng 114.000 tỉ yen (836 tỉ USD) của Hạ viện Nhật Bản - cơ quan quyền lực nhất trong hai viện quốc hội nước này, bảo đảm khoản chi sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 3, bất kể quyết định nào của Thượng viện.

Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông Kishida nắm đa số ở Thượng viện Nhật Bản, đã cam kết tăng gấp đôi mức chi quốc phòng từ 1% GDP lên 2% GDP đúng theo tiêu chuẩn của NATO, nhằm đề phòng các mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.

LDP cũng cam kết sẽ nâng khoản chi quốc phòng hằng năm của Nhật Bản lên khoảng 10.000 tỉ yen (73 tỉ USD), điều khiến Nhật Bản sẽ là nước chi quân sự lớn hàng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Khoản chi ngân sách quốc phòng lớn cho năm 2023 là phần đầu tiên trong kế hoạch chi quân sự 43.000 tỉ yen (325 tỉ USD) trong 5 năm tới, như một phần của Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mà chính phủ Nhật Bản đã công bố hồi cuối năm 2022.

NSS gồm phát triển một “năng lực phản kích” nhằm tấn công phủ đầu vào các mục tiêu của đối phương và nêu rõ quyết tâm tăng chi quốc phòng lên gần gấp đôi trong 5 năm tới.

Khái niệm “năng lực phản kích” gồm chuyển đổi học thuyết phòng thủ tên lửa từ đánh chặn sang phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công đáp trả.

“Năng lực phản kích” nhằm giải quyết môi trường an ninh khu vực bị suy giảm, và kế hoạch này đã đạt được sự nhất trí trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản.

Đây là một sự thay đổi gây tranh cãi, do trước đây Nhật Bản cam kết chỉ trang bị năng lực phòng thủ sau khi nước này thất trận Thế chiến 2.

Ngày 27.2, Thủ tướng Fumio Kishida đã nói với Quốc hội Nhật Bản rằng chính phủ của ông sẽ mua 400 quả tên lửa Tomahawk.

Kế hoạch mua Tomahawk thu hút sự chỉ trích về chi phí, các nghị sĩ đối lập trách Thủ tướng Fumio Kishida ưu tiên chi quốc phòng hơn là giải quyết những vấn đề khác, ví dụ tình trạng dân số Nhật Bản ngày càng giảm.

“Nghị sĩ Chinami Nishimura của đảng Dân chủ hiến pháp Nhật Bản nói trước Ủy ban Ngân sách hạ viện: “Sự cải thiện vấn đề chăm sóc trẻ em đã bị bỏ lơ trong hơn 10 năm qua. Tại sao ngân sách chi quá nhiều tiền mua Tomahawk lại được phê duyệt quá nhanh?”. Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida đáp: “Tôi không nghĩ có chuyện chọn việc này bỏ việc kia. Cả hai việc đều quan trọng cho mạng sống và cuộc sống của người dân”.

Thủ tướng Kishida đã gọi việc dân số lão hóa nhanh và giảm sút là một cuộc khủng hoảng quốc gia, cam kết sẽ tung ra gói giải pháp toàn diện để giải quyết tình trạng này trong những tháng tới.

Chính phủ sẽ lập một cơ quan mới là Cơ quan Trẻ em và gia đình từ tháng 4 tới, để giúp điều phối các chính sách về nhiều vấn đề xã hội gồm trẻ em nghèo và trẻ em bị ngược đãi. Ngân sách của Nhật Bản sẽ chi 4.800 tỉ yen (35 tỉ USD) cho cơ quan này, nhưng các chuyên gia nói cần có thêm kinh phí và những thay đổi xã hội lớn hơn nhằm giảm thiểu gánh nặng chăm sóc trẻ em và giáo dục, cũng như khuyến khích giới trẻ Nhật Bản lập gia đình và có con.

Ngân sách Nhật Bản cũng chi hơn 850 tỉ yen (6,25 tỉ USD) cho Bộ Kinh tế - Công nghiệp nhằm giúp giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cùng 53 tỉ yen (388 triệu USD) để quảng bá chương trình số hóa và tăng sản lượng chip điện toán...

Bài liên quan
Nhật Bản tăng chi quốc phòng ở mức kỷ lục, muốn trang bị tên lửa Tomahawk
Khoản chi quốc phòng năm 2023 của Nhật Bản sẽ tăng 20% so với năm trước, lên mức 6.800 tỉ yên (khoảng 51 tỉ USD).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ viện Nhật Bản phê chuẩn chi quốc phòng kỷ lục