Công ty Formosa được đánh giá là chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu, đặc biệt là việc đăng ký cấp phép cho người lao động nước ngoài đến làm việc tại Vũng Áng. 

Hà Tĩnh để lọt 3.000 lao động nước ngoài làm việc 'chui' tại Vũng Áng?

Một Thế Giới | 08/10/2014, 23:07

Công ty Formosa được đánh giá là chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu, đặc biệt là việc đăng ký cấp phép cho người lao động nước ngoài đến làm việc tại Vũng Áng. 

Tin từ TTO ngày 8.10, báo cáo mới nhất của Ban quản lý Khu Kinh Tế Hà Tĩnh cho thấy: Hiện có 3.680 trong lao động Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng. 
Nhưng tính đến cuối tháng 9.2014, mới có 2.340 lao động nước ngoài trong tổng số 5.321 người là được cấp giấy phép, số còn lại gần 3.000 lao động chưa có giấy phép.
Như vậy, số 3.000 lao động chưa được cấp phép kia nhiều khả năng đa phần là người Trung Quốc.
TNO dẫn lời ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, nói: “Chúng tôi đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh liên tục đôn thúc nhà thầu để họ hoàn tất hồ sơ, trình cơ quan chức năng cấp phép cho số lao động còn lại”.
Ban quản lý cũng phối hợp với Formosa để cấp thẻ từ ra vào công trường. Lao động nước ngoài nào được cấp giấy phép sẽ được cấp thẻ để chống sự mượn thẻ như trước nay; đồng thời tăng cường phối hợp với công tăng cường kiểm tra ở công trường dự án Formosa, người nào không có giấy phép sẽ bị trục xuất. Thời hạn giấy phép là 1 năm hoặc 6 tháng (theo TTO, 8.10).
Trước đó, để tạo điều kiện cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho Formosa đưa hơn 4.000 lao động Trung Quốc vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Tuy nhiên, vì Formosa và các nhà thầu phụ chậm hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan để trình cơ quan chức năng Hà Tĩnh cấp phép, nên đến nay còn hơn 3.000 lao động Trung Quốc chưa được cấp phép.
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết: Hiện không thể khẳng định 100% lao động ở đây đều được cấp phép!

Theo VietNamNet

Liên quan đến vấn đề này, Vietnamnet đã trích dẫn nhận định trong báo cáo mới nhất của Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, rằng:
"Qua thực tế quá trình làm việc với Công ty Formosa thấy rằng Công ty Formosa chỉ quan tâm các lợi ích trực tiếp của họ và bố trí đủ nhân lực, tích cực đôn đốc để yêu cầu các cơ quan quản lý phải đáp ứng yêu cầu của họ. 
Còn những việc phục vụ cho cơ quan quản lý thì xem nhẹ, lơ là, tìm cách né tránh, thậm chí là phó mặc cho Nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực quản lý lao động, tạm trú tạm vắng, an ninh trật tự… Công ty Formosa chưa thực sự hợp tác với các cơ quản lý trong việc cung cấp thông tin nhà thầu”.
Trong đó, đáng chú ý là việc quản lý và cấp phép lao động cho người nước ngoài không được các nhà thầu nước ngoài (đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc) quan tâm, mặc dù thủ tục cấp phép đã thuận lợi tối đa.
Đại diện Formosa đã đưa lý do lớn nhất của việc chậm trễ trình hồ sơ xin cấp phép cho lao động Trung Quốc chính là chưa có “chứng nhận nhân thân”.
“Các thủ tục khác giờ đơn giản rồi, khám sức khỏe, chứng nhận năng lực… Tuy nhiên, chứng nhận nhân thân thì phải do phía Trung Quốc cấp, để chứng minh lao động này không phạm tội. Cái này bắt buộc phải có”, một cán bộ ở Vũng Áng thông tin với Vietnamnet (8.10).
Trao đổi với TTO cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), nói rõ Nghị định của chính phủ quy định người lao động nước ngoài trước khi vào Việt Nam làm việc thì phải có gấy phép.
Như vậy, số lao động chưa được cấp giấy phép đang hiện diện ở Vũng Áng là trái với pháp luật quy định.
"Không cần biết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài bao nhiêu, các địa phương đồng ý phê duyệt tuyển dụng bao nhiêu. Nhưng muốn vào làm việc tại Việt Nam thì người lao động phải có giấy phép lao động mới được phép làm việc”, bà Vân nói.
Việc Hà Tĩnh để cho nhà đầu tư ngoại đưa vài ngàn lao động trái phép vào tỉnh làm việc... thản nhiên suốt một thời gian, đến nay chưa giải quyết triệt để được, nghe ra giống như lời nói "khó nghe" của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước lãnh đạo nhiều ban, ngành Cách đây vài ngày: 
"... nhà tôi có đám giỗ, bao nhiêu người tới cảnh sát khu vực biết hết, vậy sản xuất hàng giả, buôn lậu sao lại không biết được? Quản lý thị trường đông như thế làm sao không biết được?". 
Thi Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Tĩnh để lọt 3.000 lao động nước ngoài làm việc 'chui' tại Vũng Áng?