UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý 3 và quý 4/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý 4 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%.

Hà Nội phấn đấu tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%

Lam Thanh | 23/09/2021, 18:39

UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý 3 và quý 4/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý 4 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%.

8 nhóm nhiệm vụ cho tăng trưởng 2021

Tại phiên họp của kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa 16, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý 2 tăng 6,61%, cao hơn quý 1 (tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%).

Một số chỉ tiêu 8 tháng cũng tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỉ đồng, bằng 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 22,5 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 841,8 triệu USD; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 164.400 tỉ đồng, tăng 8,4%.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Hà Nội đã xác định tập trung thực hiện hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, đầu tiên là xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.

UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý 3 và quý 4.2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý 4 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Hà Nội cũng xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường, nhân lực, kết nối cung cầu và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

ha-noi.jpg
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc họp

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Song song với đó là các nhóm giải pháp về an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường...

Lựa chọn 10 chung cư cũ để cải tạo giai đoạn 2021-2025

HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.

Thống kê đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

UBND Thành phố dự kiến triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm đối với việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Đề án phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý 2.2023, chia làm 4 đợt.

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15.12 tới.

Trong đó, lập danh mục chung cư cũ cần thực hiện cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước 2021), nhóm dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 và nhóm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai tiếp theo.

Thành phố cũng lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025, trong đó có 6 khu có tính khả thi cao là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp. Hà Nội cũng đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D...

Ngoài ra, Hà Nội cũng bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ.

Bài liên quan
Lần đầu tiên người dân Hà Nội trải nghiệm 'phở số' do robot phục vụ
Du khách có cơ hội thưởng thức các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và trải nghiệm "phở số" hoàn toàn mới lạ và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
một giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội phấn đấu tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%