Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP đã ghi nhận trường hợp thứ 5 tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn thủ đô.
Bệnh nhân là nam giới, 61 tuổi, ở đường Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông. Bệnh nhânvào Bệnh viện 103 ngày 24.7 và tử vong sau 2 ngày do tình trạng xuất huyết quá nặng.
Đây là ca tử vong thứ 5 tại Hà Nội tính từ đầu năm do sốt xuất huyết, trong đó, 3 trường hợp là người lớn mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh cảnh khác (nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao, rung nhĩ)và một trường hợp 8 tuổi dương tính với sốt xuất huyết kèm bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn.
Theo báo cáo của ngành y tế, Hà Nội hiện đứng thứ 2 cả nước về số người mắc sốt xuất huyết.Tính đếnngày 1.8.2017, Hà Nội có hơn 8.459 trường hợp sốt xuất huyết và 90% đã điều trị khỏi. Hiện còn 958 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 5 người đã tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, cao nhất ở quận Đống Đa, tiếp đó là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông...
Ông Nguyễn Khắc Hiền nhậnđịnhdịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và có diễn biến phức tạp. Theo ông Hiền,trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyếttrên địa bàn có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, số lượng bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng đột biến. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh việnNhi trung ương cho biết,có đêm có đến 6 trẻ bị sốt xuất huyết vào viện. Điều đáng nói là có nhiều trẻ đã bị biến chứng nặng vì “dính” sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám sốt xuất huyết tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ, trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.
Không chỉ lo lắng về vấn đề sốt xuất huyết, hiện nay các trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, viêm não hay biến chứng cũng tăng vọt vì thời tiết độc hại.Trong vòng 1 tháng gần đây, mỗi ngày khoa Nội nhi của Bệnh viện Nhi trung ươngtiếp nhận từ 20-30 ca/ngày. Về triệu chứng, cả hai bệnh sốt xuất huyết và viêm não đều có triệu chứng sốt cao và có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Riêng sốt xuất huyết có triệu chứng kèm theo là đau nhức khá rõ, đau cơ, đau hốc mắt. Bên cạnh đó là triệu chứng biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng. Rõ hơn nữa là chảy máu răng và xuất huyết dưới da.
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Điển khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy người lớn phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
- Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục ≥ 38,5oC
- Toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau các khớp, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu.
- Xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt.
- Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng hay hành kinh sớm hơn và kéo dài.
- Đau bụng âm ỉ.
- Buồn nôn, nôn hay nôn khan.
- Xuất huyết tiêu hóa là dấu hiệu nặng: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu đỏ tươi.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau:
- Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
- Trẻ buồn nôn và nôn.
- Đau bụng.
- Chảymáu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ).
- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà:
- Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.
- Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
- Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
- Cho trẻ uống nhiều nước: nước Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa…
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin: rau, nước quả ép.
- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.
- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Dạ Thảo