UBND TP.Hà Nội muốn được lắng nghe và hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp, gỡ khó 20 nhóm vấn đề

Tuyết Nhung 16/08/2024 15:18

UBND TP.Hà Nội muốn được lắng nghe và hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Gỡ khó 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề

Ngày 16.8, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn.

image_gallery.jpg
Lãnh đạo UBND TP đối thoại với doanh nghiệp

Theo đó, hiện các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề như sau:

Lĩnh vực giáo dục: 4 nhóm vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp giấy phép hoạt động.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.

Lĩnh vực t tế: 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác.

Lĩnh vực quảng cáo: 3 nhóm vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo.

Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 4 nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật.

Lĩnh vực thể thao: 3 nhóm vấn đề về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.

Có thể thấy, những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai. Vì vậy, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng TP cần có các giải pháp phù hợp và hiệu quả về chính sách hỗ trợ để điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án phát triển.

Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng đến nay, các trường học công lập trên địa bàn TP còn thiếu; các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn. Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều.

Đối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực tế tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, các trường đại học tại Thủ đô có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.

Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa bền vững; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động. Trong khi đó, thực tế có nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo kỹ năng cụ thể theo yêu cầu vị trí công việc, nên việc tháo gỡ công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng.

Đối với lĩnh vực y tế, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. Thực tế các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính...); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện.

Đối với lĩnh vực văn hóa, những hạn chế trong các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Thay đổi nội dung biểu diễn đã được chấp thuận; chưa có quy định về biện pháp thẩm định thông qua Hội đồng nghệ thuật; không quy định điều kiện về nhân thân các nghệ sĩ tham gia biểu diễn (bao gồm cả các nghệ sĩ ở hải ngoại và nghệ sĩ là người nước ngoài...).

Nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện triển khai thi hành Luật Thủ đô để luật sớm đi vào cuộc sống là cơ hội thúc đẩy lĩnh vực văn hóa - xã hội Thủ đô với các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô; áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.

Ngoài ra, TP cũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, TP đã phê duyệt toàn bộ 68/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 1): Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm đạt 99,8%. TP đã rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị và tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong khu đô thị (bao gồm trường học) theo chỉ đạo của UBND TP.

Đối với lĩnh vực y tế, TP phát triển, mở rộng mạng lưới các bệnh viện tư nhân trên địa bàn cả về số lượng bệnh viện và số giường bệnh với khoảng 4.000 - 6.000 giường bệnh.

Cùng với đó, TP ưu tiên phát triển bệnh viện tư nhân và các dịch vụ y tế tư nhân sử dụng công nghệ y học cao, hiệu quả khám chữa bệnh lớn; khuyến khích thành lập các bệnh viện tư nhân mới tại các khu đô thị mới, các cụm tổ hợp y tế và huyện ngoại thành; hạn chế đầu tư xây mới bệnh viện tại các quận trung tâm thành phố như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, TP luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh; tiến hành xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống sân vận động, nhà thi đấu; xây dựng kế hoạch tập luyện, tập huấn, tổ chức giải và tham gia các giải trong nước và thế giới.

TP thí điểm chuyển giao một số hoạt động trong lĩnh vực thể thao thành tích cao cho các tổ chức xã hội và cơ sở ngoài công lập; mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác, vận động thu hút các nguồn tài trợ, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư cho thể thao.

Để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, TP đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; chú trọng sửa đổi theo hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất trong công tác quản lý.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực quảng cáo; phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lắp dựng công trình quảng cáo tại các vị trí quảng cáo đã được quy hoạch; ban hành quy định cụ thể quy trình, thủ tục về đấu thầu các vị trí quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo để phù hợp thực tiễn quản lý và đảm bảo tính khả thi.

Cùng với đó, TP đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc kê khai giá thuốc thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 và Nghị định 85 thay cho Luật Dược có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2024.

Bài liên quan
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội: Đông khách nhất đoạn Nhổn - Cầu Giấy
Theo thống kê, trong ngày thứ 3 chạy tàu thương mại tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đón lượng khách kỷ lục, lên tới 66.078 lượt đi trải nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp, gỡ khó 20 nhóm vấn đề