Sau hơn 2 năm thi công, các hạng mục của công trình đường vành đai 3 trên cao nối cầu Thăng Long tới Mai Dịch đã hoàn thiện và chính thức được thông xe ngày hôm nay.

Hà Nội: Chính thức thông xe tuyến đường trên cao hơn 5.300 tỉ đồng

Tuyết Nhung | 11/10/2020, 10:16

Sau hơn 2 năm thi công, các hạng mục của công trình đường vành đai 3 trên cao nối cầu Thăng Long tới Mai Dịch đã hoàn thiện và chính thức được thông xe ngày hôm nay.

Sáng nay (11.10), Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã phát lệnh thông xe, khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội sau hơn 2 năm thi công.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án và các đối tác Nhật Bản để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT và TP.Hà Nội thực hiện tốt việc bàn giao dự án; khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa dự án vào khai thác hiệu quả.

Dự án này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội mà còn từng bước hoàn thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, tạo nên tuyến liên kết vùng và khu vực, kết nối với Sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Thăng Long.

dji-0786-1602210807986(1).jpg
Dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội

Theo Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, tuyến đường vành đai 3 TP.Hà Nội, trong đó có đoạn tuyến từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long có một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây thủ đô Hà Nội.

Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 5.343 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA là 20,591 tỉ yen, tương đương 4.525 tỉ đồng và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 817 tỉ đồng, do Bộ GTVT là chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao tổ chức thực hiện và quản lý dự án.

Dự án có điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long. Tổng chiều dài dự án là 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc 4,591km. Địa điểm xây dựng tại quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.

Dự án này có 2 gói thầu, gói thầu số 1 là đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế (Km0+130 - Km2+812,50). Nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui và Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Liên danh SMCC - CIENCO 4); giá trị hợp đồng sau khi hoàn thành tương đường khoảng 1.081 tỉ đồng; dự án được triển khai thi công xây dựng tháng 1.2018, hoàn thành tháng 9.2020.

Gói thầu số 2 là đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long (Km2+812,50 - Km5+497,72). Nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tokyu và Tập đoàn Taisei (Liên danh Tokyu - Taisei); giá trị hợp đồng sau khi hoàn thành tương đương khoảng 1.021 tỉ đồng; triển khai thi công xây dựng tháng 1.2018, hoàn thành tháng 9.2020.

Trong thời gian đưa vào hoạt động, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh Ram lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành vào quý 2/2021 và tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại.

"Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận, ngoài ra tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các khu vực này.

Trong tương lai khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến đường vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của TP.Hà Nội, cũng như khu vực hai bên sông Hồng tạo nên trục không gian cảnh quan của thủ đô", đại diện Bộ GTVT nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Chính thức thông xe tuyến đường trên cao hơn 5.300 tỉ đồng