Thanh tra TP.Hà Nội đã chính thức lập đoàn thanh tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế công viên nước Thanh Hà.

Hà Nội chính thức thanh tra vụ việc công viên nước Thanh Hà

19/02/2020, 23:00

Thanh tra TP.Hà Nội đã chính thức lập đoàn thanh tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế công viên nước Thanh Hà.

Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế trước Tết Âm lịch 2020 - Ảnh từ Dân Trí

Chiều 19.2, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Thanh tra TP.Hà Nội đã tổ chức công bố quyết định về việc thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại công viên nước Thanh Hà. Thời gian thanh tra từ ngày 19.2 đến ngày 29.2.2020.

Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên do ông Nguyễn Trọng Hòa - Phó trưởng Phòng Thanh tra 2 làm trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ thanh tra trách nhiệm của UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông để xảy ra việc xây dựng trái phép tại công viên nước Thanh Hà; quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc thì vài ngày trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của chủ đầu cư công viên nước Thanh Hà và cơ quan này chuyển đơn tới UBND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định.

Bài viết trên ANTD.VN ngày 19.2 cho biết, dư luận đang tranh luận về hoạt động thực thi công vụ của UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông là “tháo dỡ” hay “phá dỡ” khiến toàn máy móc, thiết bị trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà không thể sử dụng được.

Ông Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội từng nêu quan điểm dù "tháo dỡ" hay "phá dỡ" thì cũng không phải là việc đập phá, phá hủy công trình vi phạm. “Trong vụ việc này, theo tôi cách thực hiện của lực lượng cưỡng chế là không đúng vì không pháp luật nào cho phép phá dỡ theo nghĩa là đập phá”, ông nói.

Cũng theo ông Thảo cho dù theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hay theo các nghị định hướng dẫn thi hành nếu dùng từ "tháo dỡ" hay "phá dỡ" cũng tuyệt đối không được đập phá, hủy hoại tài sản, trang thiết bị gắn liền với công trình vi phạm. Thậm chí, lực lượng cưỡng chế có trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài sản liên quan đến công trình bị cưỡng chế.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nếu chủ đầu tư vi phạm thì chính quyền áp dụng các quy định buộc phải khắc phục hậu quả, chứ không được phá tài sản đến mức không sử dụng được.

“Công trình vi phạm mà cố tình không phá dỡ, buộc nhà nước phải cưỡng chế thì còn mất thêm tiền. Tuy nhiên, hệ thống máy móc, thiết bị vẫn phải bảo đảm cho người ta; nó vẫn là tài sản của chủ đầu tư nên không được phá hủy”, ông nói thêm.

Dân Trí còn đưa tin, tại buổi giao ban báo chí trước đó do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận này đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng và cá nhân có liên quan đến công trình công viên nước Thanh Hà.

A.T.T tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội chính thức thanh tra vụ việc công viên nước Thanh Hà