Giới lãnh đạo Google buộc nhân viên xóa một bản ghi nhớ bí mật lưu hành trong nội bộ, có thông tin gây sốc về kế hoạch phát triển công cụ tìm kiếm cho Trung Quốc.
Một số phương tiện truyền thông thời gian qua đưa tin Google muốn quay lại thị trường Trung Quốc bằng cách tạo ra công cụ tìm kiếm mới. Dự án được tiến hành bí mật với tên gọi Dragonfly, khiến nhân viên tập đoàn lo ngại họ đang làm việc để giúp Bắc Kinh thu thập thông tin công dân nước khác.
Bản ghi nhớ đầu tháng này được chia sẻ giữa một nhóm nhân viên Google, những người tổ chức phản đối dự án Dragonfly. Giới lãnh đạo tập đoàn phát hiện và rất tức giận khi thông tin bị truyền đến những người đáng ra không được phép biết đến, vì vậy đã gửi email chỉ thị nhân viên nếu có sở hữu thì lập tức xóa bản ghi nhớ hoặc bản sao.
Theo bản ghi nhớ, nguyên mẫu công cụ tìm kiếm là một ứng dụng cho thiết bị iOS lẫn Android buộc người dùng đăng nhập trước khi dùng. Không chỉ liên kết lịch sử tìm kiếm với số điện thoại cá nhân (như trang The Intercept tiết lộ trước đó) mà thông tin về vị trí địa lý của người dùng, địa chỉ IP cùng liên kết mà họ từng vào đều được lưu trữ. Bản ghi nhớ chỉ trích Google tạo ra “công cụ gián điệp” cho Trung Quốc.
Dù thông tin lưu trữ chuyển đến cơ sở dữ liệu tại Đài Loan, nhưng một công ty Trung Quốc mà Google lập liên doanh sẽ có quyền truy cập. Công cụ tìm kiếm còn lập ra “danh sách đen” với một số tìm kiếm nhạy cảm bằng tiếng Trung như “nhân quyền”, “sinh viên biểu tình”…
Theo trang The Intercept, việc công ty Trung Quốc có quyền truy cập có nghĩa chính phủ nước này cũng có thể. Như vậy công cụ tìm kiếm tạo điều kiện cho cơ quan an ninh Bắc Kinh theo dõi được những người mà họ muốn. Bản ghi nhớ còn tiết lộ Google huy động ít nhất 250 nhân viên cho dự án Dragonfly
Những thông tin mà bản ghi nhớ mâu thuẫn với tuyên bố vào giữa tháng 8 của giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, cho biết Dragonfly chỉ mới ở giai đoạn khám phá ban đầu.
Đầu tháng 8, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư truy vấn lý do Google muốn trở lại thị trường Trung Quốc. Ông Pichai từ chối trả lời mọi câu hỏi.
Cẩm Bình (theo The Intercept)