Đa dạng hóa thị trường là giải pháp cần thiết hiện nay đối với các loại nông sản đang bí đầu ra của Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang bí đầu ra, phải quay đầu tìm cách tiêu thụ gấp ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, cung lớn hơn cầu gấp nhiều lần đã khiến nhiều loại nông sản tồn đọng, khó tiêu thụ.
Khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, các địa phương đã đưa ra số liệu đáng lo ngại về sản lượng tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thanh long đang vào vụ thu hoạch. Theo thống kê ước tính của các tỉnh, có đến 300.000 tấn đang vào vụ và chưa có hướng cụ thể về đầu ra. Ví dụ như tại Long An, tới thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn ùn ứ hàng chục ngàn tấn nông sản, nhiều nhất là thanh long với 24.000 tấn đang tới kỳ thu hoạch cần tiêu thụ gấp.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang khó tìm đầu ra như hiện nay, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được xem là giải pháp hiệu quả nhất.
Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã chủ động thực hiện các giải pháp cấp bách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản mùa vụ, có sản lượng lớn thông qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước, kết nối các nhà cung ứng nông sản địa phương với các hệ thống siêu thị, các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong đó, các các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bình Thuận, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La... là những địa phương điển hình được hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá nông sản mùa vụ. Đồng thời, Cục đã tổ chức các hội nghị, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên môi trường số đã hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản tại các khu vực, thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như: EVFTA, CPTPP, Mỹ, Nhật Bản, châu Phi...
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. Các hoạt động xúc tiến thương mại được kết nối trên nền tảng số, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa, thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản nhanh chóng, Cục Xúc tiến thương mại đã nghiên cứu và triển khai các hoạt động, như: xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại; hệ thống quản trị, điều hành thông tin xúc tiến thương mại; phát triển nền tảng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số; nền tảng hội chợ, triển lãm; nền tảng định danh điệ tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại...
"Có thể nói, xúc tiến thương mại đã góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ trong bối cảnh nông sản tồn đọng, khó tiêu thụ", đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, Việt Nam đã có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, bị dội hàng từ biên giới hay dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng đưa nông sản vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai tại phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM là kênh tiêu thụ đặc biệt với những mức tiêu thụ và hợp đồng tiêu thụ hàng năm được chốt cho các doanh nghiệp rất lớn", đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Theo bà Nga, đến nay, các kênh phân phối lớn nhất đã lên các chương trình tiêu thụ hàng tết lồng ghép với chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường, tiêu thụ hàng tết với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.