Chuyện xuất phát từ đề xuất của 1 quan chức thuộc Bộ Y tế vào năm 2015: bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự. Theo ông này, nếu như con người có quyền được sống thì họ cũng nên có quyền được chết sao cho thanh thản nhất, giải thoát những cơn đau lúc cuối đời…

Giúp bệnh nhân thanh thản hay đấy là hành động 'giết người'?

Hồ Hùng | 13/07/2016, 06:02

Chuyện xuất phát từ đề xuất của 1 quan chức thuộc Bộ Y tế vào năm 2015: bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự. Theo ông này, nếu như con người có quyền được sống thì họ cũng nên có quyền được chết sao cho thanh thản nhất, giải thoát những cơn đau lúc cuối đời…

                    

Và mới đây, theo báo Tuổi Trẻ, ước nguyện của cô giáo neo đơn Nguyễn Thị Bạch Tuyết (63 tuổi, Long An) làm dấy lên tranh luận về quyền được chết: Nên hay không việc hiến định quyền này?

Giúp người bệnh nan y là nhân đạo?

Đề xuất này xuất phát từ tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ông đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự. Không phải đơn giản là 1 cậu quý tử nào đó đòi… chết khi dỗi hờn cha mẹ, chúng bạn, và những người thân này cũng bực dọc, nói sẳng: “Mày đi… chết đi!”, thế là cậu ta có quyền mua thuốc ngủ uống, tiêu đời!

Cũng không phải “quyền được chết” là ai cũng có thể tự kết liễu đời mình (mà chẳng sợ khi vào viện bị phạt tiền “ngu” như lâu nay) khi cảm thấy tuyệt vọng vì vỡ nợ, vì vợ bỏ, thua cá độ Euro 2016… hay đơn giản vì… ta buồn chẳng hiểu vì sao ta buồn.

Ở đây, tiến sĩ Quang đề xuất rất cụ thể, và mong có luật hẳn hoi. Và khách quan mà nói, đề xuất của ông là có cơ sở chứ chẳng phải những đề xuất… trời ơi, kiểu sửa xe đạp phải xin giấy phép kinh doanh.

Cụ thể, có rất nhiều người bị bệnh nan y, như ung thư máu, ung thư phổi, tiểu đường giai đoạn cuối gây di căn… Những căn bệnh mà ai lỡ dính thì trước sau cũng chết ấy, thời kỳ cuối khiến bệnh nhân phải chịu rất nhiều cơn đau quằn quại, hoặc chịu cảnh bán thân bất toại nghiến răng, ứa nước mắt…

Những cơn đau tê óc, tột cùng ấy khiến họ muốn chết còn hơn, bởi những ngày cuối đời ấy thân xác, tinh thần… bị hành hạ rất thê thảm. Còn người thân của họ, cũng chỉ biết chậm nước mắt mong họ sớm được “giải thoát” khỏi cõi trần.

Do vậy, ông Quang đề xuất: những người ấy, nếu họ muốn, hãy cho họ được quyền chết sớm để giải thoát cho chính mình khỏi những cơn đau, giúp “ra đi” thanh thản, nhẹ nhàng. Đấy cũng là giúp nhẹ gánh cho gia đình, cả về mặt chăm nuôi, lẫn tiền thang thuốc…

Rõ ràng, con người sớm muộn gì ai cũng phải đối mặt với cái chết. “Bạn sẽ chết như thế nào?”. Nếu như bạn thử hỏi 100 người, ngoài những người dị ứng vì câu hỏi vô duyên ấy mà… chửi hoặc đánh “nốc ao” bạn, thì những người dễ tính còn lại, có thể tất cả ai cũng đều trả lời: chọn cho mình 1 cái chết nhẹ nhàng, thanh thản, cứ gọi nôm na là “đi luôn” sau 1 giấc ngủ sâu.

Nếu không còn được sống, thì đấy là ao ước cuối cùng của 1 kiếp người. Chẳng ai muốn mình chết… cháy, chết đuối, hoặc chết sau những cơn đau kinh hoàng.

Và khi đề xuất “quyền được chết” này, tiến sĩ Quang cho rằng, chỉ nên áp dụng khi thỏa mãn 3 yếu tố bắt buộc sau: 1/ Bản thân người bệnh đó tự nguyện, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn tỉnh táo. 2/ Người đó mắc bệnh nan y, khả năng sống sót là hoàn toàn không có. 3/ Bản thân người đó không còn sức chịu đựng, kiệt quệ về thể xác, tinh thần. Và việc thực hiện “cái chết êm ái” này phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ và có kết luận của hội đồng y khoa.

Ủng hộ đề xuất này, 1 vị bác sĩ cho rằng: được chết cũng là cái quyền! Nếu không, họ sẽ tìm cách tự tử để tự quyết sinh mạng. Nếu luật cho phép, bác sĩ sẽ giúp người bệnh trở về thế giới bên kia sau 1 mũi tiêm (có thể là thuốc mê với liều cao…) trong thanh thản, nhẹ nhàng hơn, mà không mang tội giết người!

Thậm chí, theo ông này, thì đề xuất đó cực kỳ nhân đạo. Bởi đấy là nhu cầu có thực của xã hội, nhưng nếu áp dụng phải lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân.

Nhưng vì sao có người phản đối?

Khi buộc phải giết thịt 1 con gà, ai cũng muốn dùng dao cắt 1 nhát ngọt vào cổ, giúp con vật ấy “ra đi” 1 cách nhanh nhất để trở thành thực phẩm có ích cho con người.

Đó là 1 hành động bình thường. Còn nếu chúng ta cầm dao đâm 1 nhát nơi bẹn đùi chú gà, để vết thương rỉ máu, khiến con vật chết dần mòn trong đau đớn, thì đấy là hành động bị cả cộng đồng lên án, vì hành hạ dã man loài vật, khiến chúng chết tức tưởi.

Nhưng chắc rằng không thể lấy chuyện 1 con vật để liên tưởng đến chuyện áp dụng với con người. Đã có rất nhiều tranh cãi, khi cho rằng, áp dụng “quyền được chết” là trái với đạo đức.

Sinh mạng con người là quý giá nhất, thiêng liêng nhất! Truyền thuyết kể rằng, khi Đức phật Thích ca còn tại thế, có 1 thầy tỳ kheo bị bệnh nặng, điều trị mãi không hết. Thầy mới nói với người chăm sóc mình: “Thế thì phải làm sao? Tôi cũng chán ngán nỗi đớn đau này, không thể chịu đựng được nữa. Nếu thầy… giết tôi thì tốt lắm”.

Nhưng vị tỳ kheo đang nuôi bệnh, đáp: “Thầy chỉ cầu được sống. Chứ nếu muốn chết thì có thiếu gì cách để chết”. Sau đó, tỳ kheo bị bệnh đã tự sát để giải thoát cho mình. Đức Phật biết được sự việc ấy.

Ngài gọi thầy tỳ kheo nuôi bệnh đến, quở trách: “Ông không từng nghe Như Lai khen ngợi những người sống phạm hạnh, có thân từ ái, miệng từ ái, tâm từ ái, và khuyên cúng dường cung cấp cho họ những thứ cần thiết hay sao? Nay vì sao ông lại mở miệng ca ngợi sự chết? Điều đó là phi pháp, phi luật, không đúng lời ta dạy, không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp”.

Đối với Phật Giáo, cách suy nghĩ tự giải thoát như vậy là thiển cận và sai lầm. Chết không phải là chấm dứt! Đau khổ sẽ không chấm dứt sau khi chết, mà vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được tất cả ác nghiệp. Việc tự giết mình, hay giúp người khác tự tử, cũng không thể nào trốn tránh việc phải trả cho hết ác nghiệp, mà chỉ sinh ra ác mới.

Phật dạy: Nếu 1 người bệnh đang chờ chết, nếu có 1 cơ hội nào để cho họ hoặc người thân có những ý nghĩ an lành và đạo đức, thì vẫn phải cố cho họ sống thêm dù chỉ thêm 5 phút, bởi 5 phút đó đủ để vãng sinh 1 vong linh và gieo thêm mầm Thiện nguyện cho xã hội!

Và tất nhiên, nhiều người trong chúng ta, khi cha - mẹ mình hoặc người thân nào đó gặp cảnh bệnh quằn quại như vậy, dù có bán hết tài sản, mượn hết tiền ở những nơi có thể, chúng ta vẫn làm để duy trì sự sống cho người thân!

Người gần chết thì muốn mọi chuyện mau kết thúc, nhưng người sống thì có lẽ luôn muốn họ ráng “nằm thở” bên cạnh mình, được chừng nào hay chừng ấy.

Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tranh cãi về “quyền được chết”. Bởi theo họ, con người không có quyền can thiệp vào sự sống chết của người khác. Mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người bệnh được chết đều phải bị coi là giết người!

Chính vì vậy, tính đến năm 2015, chỉ có 5 nước trên thế giới ít nhiều áp dụng “quyền được chết” là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ, Canada và 4 bang ở Mỹ, nhưng họ gọi lách là “trợ tử”. Vậy liệu Việt Nam có áp dụng được không? Rất khó!

Và “quyền được chết” còn sinh nhiều hệ lụy

Nhưng giả như bác sĩ chẩn đoán sai? Mà điều này thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra, và bệnh nhân bi quan đòi hưởng “quyền được chết”, vậy là họ lại chết oan? Việc đồng tình ký vào giấy “được chết”, sau đó sẽ để lại sự ray rứt, hối hận… đối với những người còn sống.

Và nếu lúc ký giấy có người đồng ý, người không đồng ý… sẽ rất dễ dẫn tới sự rạn nứt gia đình, căm hận lẫn nhau… sau này.

Và nếu như bệnh nhân khi đó đã bán thân bất toại, mất hết lý trí, con cháu dễ lợi dụng để lăn tay của họ vào giấy an tử, rồi 1 nhóm người ký cùng, để người bệnh chết sớm nhằm đoạt tài sản; hoặc vì lý do bất nhân là con cháu muốn họ “đi” cho rảnh nợ…

Điều này vẫn có thể xảy ra nếu họ thông đồng được với bác sĩ. Thậm chí, người đang mắc nợ, hoặc muốn chết để vợ con nhận được tiền đền bù bảo hiểm, vẫn có thể chơi “chiêu ấy”…

Bên cạnh đó, bản thân nhiều bác sĩ cũng không dám? Trong lời thề Hippocrates, nguyên tắc của nghề y là cứu người, bệnh nhân còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng! Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Quốc Chánh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.Cần Thơ, cho rằng:

“Bất kỳ cái gì, dù nhỏ nhất, cũng để lại trong tiềm thức và đeo đẳng suốt đời. Riêng tôi thì quan niệm, dù bệnh nhân còn sống đến thời gian nào, chúng tôi cứu tới giờ đó. Bây giờ y học tiến bộ lắm.

Như ung thư, trước người bệnh rất sợ đau đớn trước khi chết. Nhưng nay, như ở bệnh viện này có bộ phận chăm sóc giảm nhẹ các cơn đau, có thể bằng thuốc giảm đau và nhiều biện pháp khác… Họ sẽ “ra đi” trong trạng thái vui vẻ, không cảm thấy đau đớn, cần gì “quyền được chết?

Và thầy thuốc nào can đảm làm chuyện đó (tiêm thuốc để bệnh nhân chết - PV) hay không? Họ sẽ ám ảnh suốt đời! Tôi là lãnh đạo bệnh viện, cũng sẽ chẳng dám giao nhiệm vụ, nếu họ không dám nhận.

Bác sĩ tử thần

Bác sĩ Jack Kevorkian (Mỹ) được biết đến với biệt danh “Doctor Death” (bác sĩ tử thần), vì ông đã hỗ trợ chấm dứt sự sống của ít nhất 130 người bị bệnh nặng.

Bắt đầu công việc này 25 năm trước, bác sĩ Jack Kevorkian khiến dấy lên những tranh cãi về “quyền được chết” cho đến ngày nay. Giúp nhiều người tìm đến cái chết mong muốn, còn bản thân mình, vị bác sĩ chấp nhận số phận như tội đồ.

Với chính quyền bang Michigan, bác sĩ Jack bị xem là tội phạm, và lần cuối, ông bị giam giữ suốt 8 năm trong tù với lời buộc tội “Giết người có chủ ý”, sau khi vị bác sĩ này tự tay thực hiện thay vì chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho bệnh nhân “phương tiện” chết.

Thanh Nguyễn

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp bệnh nhân thanh thản hay đấy là hành động 'giết người'?