Tầng lớp trung lưu Trung Quốc - đặc biệt là lực lượng lao động văn phòng được học hành - ngày càng lo lắng cho đời sống của họ trước chiến tranh thương mại với Mỹ, bất chấp giới truyền thông nước này liên tục gửi đi thông điệp vững vàng đối diện nghịch cảnh.
Quan ngại về tác động do chiến tranh thương mại đem lại, cộng thêm tình trạng giá thực phẩm tăng cao đã ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể vì vậy mà giảm tốc hơn nữa.
Tâm lý lo lắng cũng khiến giới trung lưu lẫn thượng lưu nỗ lực bảo vệ tài sản, bằng cách mua vàng, ngoại tệ hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài.
Bất an về tương lai
Đối với tầng lớp trung lưu sống ở thành thị - những người hưởng lợi khi kinh tế đất nước phát triển bùng nổ trong vài thập kỷ và mặc định rằng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, thế cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng gay gắt mang đến cảm giác bất an về tương lai, thúc đẩy họ tìm kiếm thông tin xung quanh cuộc chiến thương mại đang diễn ra bên ngoài báo chí chính thống chỉ tập trung tuyên truyền.
“Hãy nói cho tôi biết tác động thực sự từ chiến tranh thương mại đối với cuộc sống dân thường như tôi”, blogger nổi tiếng Tô Canh Sinh viết trên mạng xã hội Weibo vào 4 ngày sau khi Mỹ tăng thuế đánh lên 200 tỉUSD hàng Trung Quốc.
Tô nổi tiếng vì giới thiệu mỹ phẩm và chia sẻ mẹo trang điểm chứ chưa từng bàn luận chính trí. Dòng đăng trên khá bất thường nhưng dường như giúp nói lên nỗi lòng của nhiều người theo dõi tài khoản của cô, nên nhanh chóng thu hút hàng nghìn bình luận, ưa thích lẫn chia sẻ.
Số bình luận sớm bị chặn vì “vi phạm luật pháp cùng quy định liên quan”, trong khi dòng đăng vẫn còn.
Mặc dù chuyện tiếp cận tin tức chưa qua kiểm duyệt là không thể, tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại bắt đầu được cảm nhận và nhanh chóng lan truyền trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt những người có quá nhiều thứ để mất như giá trị cổ phiếu cùng bất động sản, cơ hội đưa con sang Mỹ du học, việc có thể xem loạt phim Game of Thrones mùa cuối cùng.
Tác động ngày càng rõ ràng
Lời kêu gọi “thắt lưng buộc bụng” chuẩn bị đón giai đoạn khó khăn kéo dài từ chính quyền Bắc Kinh càng khiến người dân thêm lo lắng.
Một nhà xuất khẩu tại thành phố Quảng Châu chia sẻ: “Gần đây tôi thường trò chuyện với bạn học và khách hàng sống ở nước ngoài. Chúng tôi trao đổi rất thận trọng do sợ nhắc đến nội dung nhạy cảm về chiến tranh thương mại khiến tài khoản Wechat bị chặn. Tuy nhiên, tôi rất cần biếtthêm những gì đang xảy ra, sắp tới sẽ có gì”.
“Chỉ trong 2 tuần mà suy nghĩ của bạn bè đều thay đổi. Chúng tôi từng nghĩ chiến tranh thương mại chẳng thể nào xảy ra. Bây giờ thì tôi lo đồng Nhân dân tệ sắp mất giá, thậm chí tình huống còn có nguy cơ tồi tệ nếu Mỹ - Trung khai chiến toàn diện từ thương mại, công nghệ cho đến tài chính, tiền tệ. Tôi mong nỗi sợ hãi này là thừa thãi nhưng bản thân không thể không ngừng nghĩ về chúng. Chắc tôi cần một kế hoạch dự phòng, chẳng hạn như trữ một lượng tiền mặt đồng yên Nhật, USD, tiền Úc phòng trường hợp khẩn cấp. Cần làm vậy vì gia đình”, nhà xuất khẩu nói thêm.
Tin tức kinh tế mới nhất và phản ứng của chính quyền với chiến tranh thương mại là đòn giáng mạnh vào niềm tin của tầng lớp trung lưu trước nguy cơ lạm phát lẫn thất nghiệp gia tăng.
Giá thịt lợn, trái cây tăng khiến giá thực phẩm tháng 4 tăng 6,1%. Tuần trước chính quyền Bắc Kinh thành lập một nhóm công tác đặc biệt phụ trách theo dõi tình hình việc làm - động thái cho thấy họ rất quan ngại tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao khi cuộc chiến thương mại leo thang.
Yan Chao - giám đốc một công ty quảng cáo tại Thượng Hải - bày tỏ tâm lý lo lắng: “Nhân dân tệ mất giá đến mức 7 tệ mới đổi 1 USD, nửa ký nho ở chợ tăng lên 30 tệ. Nhóm công tác theo dõi tình hình việc làm do một Phó thủ tướng (ông Hồ Xuân Hoa) lãnh đạo. Thông tin cho thấy tác động của chiến tranh thương mại xuất hiện ngày càng nhiều”.
“Công việc rất quan trọng vì vợ tôi là nội trợ còn con gái tôi chỉ mới 2 tuổi. Ba mẹ tôi là bác sĩ về hưu và giúp tôi trả phần lớn tiền vay. Kế hoạch vay tiền mua ô tô có lẽ cần dời đến năm sau khi tình hình kinh tế rõ ràng hơn “, Yan cho biết.
Li Yue - kỹ sư điện tử lâu năm tại Thẩm Quyến - vừa chuyển bớt số tiền tiết kiệm bằng Nhân dân tệ sang USD. Ông chia sẻ: “Là chuyên gia công nghệ tôi hiểu rõ nếu quan hệ Mỹ - Trung cứ xấu đi, hoặc nếu Trung Quốc mất đi nhiều đơn hàng từ phương Tây thì nhiều chuỗi cung ứng công nghệ phát triển trong quá khứ sẽ sớm bị phá vỡ”.
Bảo vệ tài sản
Theo Li Zhenbiao - người chuyên giúp giới nhà giàu Trung Quốc di cư hay mua bất động sản nước ngoài: “Tôi nghe nói nhiều người có tiền đến ngân hàng ở Hồng Kông mua rồi trữ vàng miếng. Đây là một lựa chọn tốt nếu không thấy lạc quan về triển vọng kinh tế lẫn giá trị đồng Nhân dân tệ. Cách làm này rất mới, chưa nhiều người thực hiện do mức đầu tư cao. Với người bình thường thì trữ USD dễ dàng nhất”.
Giảm nợ cũng là điều phải làm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Giám đốc kinh doanh Eli Mai tại Quảng Châu sở hữu 2 căn hộ tổng giá trị 7 triệu tệ, nhưng cũng nợ đến 2 triệu tệ tiền vay.
Ông dành phần lớn số tiền lương (khoảng 15.000 tệ) trả các khoản vay. Vì cảm thấy công việc đình trệ, chi tiêu lớn hơn thu nhập nên Mai vay ngân hàng 300.000 tệ (lãi suất trung bình trên 5%) đầu tư công ty du lịch của bạn bè.
Việc làm ăn chưa sinh lời. Dù rất mong chiến tranh thương mại sớm kết thúc, nhưng ông nghĩ cái kết của cuộc chiến sẽ chẳng mấy tốt đẹp.
Cẩm Bình (theo SCMP)