Năm 2017, Hàn Quốc đã phải rút 9 cuốn sách giáo dục giới tính được quốc tế ca ngợi khỏi các trường học với lý do "tục tĩu".
D.Ark, thí sinh nhỏ tuổi nhất của chương trình nhạc rap "Show Me The Money 7", hồi năm ngoái đã gây ầm ĩ báo chí Hàn Quốc khi dính vào một vụ bê bối tình dục. Bạn gái cũ của D.Ark nói rằng cậu bé 15 tuổi đã cố gắng ép mình quan hệ tình dục ngoài ý muốn.
"Tôi đã từ chối vì không có biện pháp bảo vệ nhưng anh (D.Ark) vẫn nằng nặc đòi quan hệ tình dục", người bạn gái cũ viết trên Instagram. Mặc dù sau đó cô gái cho biết vụ cưỡng bức xuất phát từ sự hiểu lầm giữa họ, nhưng công chúng vẫn sốc với hành động của rapper khi chưa đủ tuổi thành niên.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt khi xem xét độ tuổi trung bình của lần quan hệ tình dục đầu tiên của thanh thiếu niên Hàn Quốc. Theo báo cáo năm 2016 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, tuổi trung bình cho lần đầu là 13,2. Điều này có nghĩa là thanh thiếu niên có trải nghiệm tình dục đầu tiên trong những năm học tiểu học hoặc trung học cơ sở. Mặc dù độ tuổi quan hệ tình dục đầu tiên của các em ngày càng thấp hơn theo thống kê hằng năm nhưng việc giáo dục giới tính ở trường học vẫn còn trì trệ và lạc hậu.
Giáo dục giới tính trong các trường học Hàn Quốc là một bài giảng "một buổi", thường được chiếu video mà không có bất kỳ giải thích cụ thể nào về các phương pháp quan hệ và tự bảo vệ một cách thực tế.
"Tôi nhớ có một buổi học ngắn về giáo dục giới tính trong lớp học công nghệ và vệ sinh khi tôi còn học cấp hai. Điểm lại, các giáo viên chỉ dạy chúng tôi sinh học. Không có thông tin thực tế nào về quan hệ tình dục và cách quan hệ an toàn", Lee Ka-won (25 tuổi) nói với Korea Times.
Trong một báo cáo của Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul (SMOE) vào năm 2017, 43,3% trong số 671 học sinh trung học cơ sở cho biết giáo dục giới tính ở trường không hữu ích. Sự chỉ trích cũng tăng lên khi các trường dạy biện pháp liên quan đến tấn công tình dục không thực tế.
Trong tài liệu giảng dạy “chuẩn” về giáo dục giới tính do Bộ Giáo dục công bố năm 2015 có hướng dẫn học sinh “nam nữ cần ở riêng với nhau” để tránh bị xâm hại tình dục. Các chuyên gia cho biết không đủ kiến thức về tình dục có thể dẫn đến những trải nghiệm tình dục không an toàn. Một số học sinh trung học sử dụng các lựa chọn không hợp vệ sinh, chẳng hạn như dùng túi nhựa để thay thế bao cao su, vì họ cảm thấy xấu hổ khi mua chúng ở nơi công cộng.
Báo cáo của SMOE cho biết chỉ 51% thanh thiếu niên sử dụng biện pháp tránh thai thích hợp. “Họ ngại mua bao cao su vì không muốn nhận được những cái nhìn tò mò từ người khác”, một nhân viên tư vấn thanh niên cho biết.
Theo Đạo luật Bảo vệ Vị thành niên, trẻ vị thành niên có thể mua bao cao su vì chúng không được đăng ký là sản phẩm dành cho người lớn. Nhưng sự khắt khe trong quan niệm về tình dục ở Hàn Quốc hoặc bất cứ điều gì liên quan đến nó, vẫn khiến chuyện quan hệ nam nữ nằm trong vòng bí mật, cấm kỵ. Bao cao su hiếm khi được quảng cáo trên truyền hình mặc dù nó là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các quảng cáo về thuốc tránh thai lại xuất hiện trên truyền hình thường xuyên, điều này cho thấy suy nghĩ của xã hội rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm về hậu quả.
Ở Mỹ và châu Âu, nhiều người sử dụng implanon, một loại que mỏng được cấy dưới da trên cánh tay để ngăn phụ nữ mang thai, nhưng chúng bị công chúng Hàn Quốc phản đối. "Dư luận phổ biến ở Hàn Quốc coi những người cấy que tránh thai là gái mại dâm", một sinh viên đại học ở Seoul, 24 tuổi, cho biết.
Một số phụ huynh, giáo viên hoặc những người có ảnh hưởng thử tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc giáo dục giới tính ở trường học. Một số thuê gia sư riêng để dạy cho nhóm từ 4-6 trẻ về đạo đức và giáo dục thực tế về tình dục, với giá khoảng 250.000 won (218 USD).
"Các bài học cá nhân thực tế và đơn giản hơn so với những gì chúng em học ở trường", một học sinh lớp 6 nói. “Có vẻ như hơi lo xa nhưng sau khi xem phong trào #MeToo, tôi cảm thấy con cái chúng ta cần có kiến thức đúng đắn về tình dục để ngăn chặn vấn đề lớn hơn”, phụ huynh của em này nói.
Daisy, một nhà sáng tạo làm đẹp trên YouTube, đã đạt được hàng triệu lượt xem sau ít tháng tải lên "bài đánh giá bao cao su". Trong clip, Daisy giải thích các loại bao cao su khác nhau, chức năng và cách sử dụng chúng. "Một số bao cao su có thể gây ra phản ứng dị ứng cho một số người. Điều quan trọng là các cặp đôi phải thảo luận cởi mở hoặc đi mua cùng nhau", Daisy giải thích trong video. Đoạn video đã nhận được phản ứng tích cực, có người cho rằng các trường học Hàn Quốc nên phát video này thay vì các clip giáo dục giới tính đã lỗi thời. Những người khác tỏ ra cảm kích vì Daisy đã nói một cách cởi mở về những thông tin thiết thực mà chưa ai dạy họ trước đây.
Giám đốc tại Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Giới tính cho Thanh thiếu niên Aha Park Hyeon-yee cho biết: "Tình yêu của thanh thiếu niên không nên được coi là một vấn đề, mà nên được thảo luận cởi mở để đưa ra thông điệp rằng họ có trách nhiệm với cơ thể của mình và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình".
"Ở Đức, giáo dục giới tính đã là một khóa học bắt buộc đối với học sinh từ năm 1992. Các chuyên gia dạy các biện pháp tránh thai đúng cách và các tư thế quan hệ tình dục khác nhau. Quan hệ tình dục xảy ra ở tuổi vị thành niên hoặc không lâu sau lứa tuổi đó. Từ chối thực tế đó có thể dẫn đến những lựa chọn hoặc hậu quả tồi tệ hơn nếu giáo dục không được coi trọng", Park Hyeon-yee nói.
Tuy nhiên, một số phụ huynh lo lắng rằng thảo luận về chủ đề này có thể khuyến khích nhiều thanh thiếu niên quan hệ tình dục hơn. Hồi năm 2017, Hàn Quốc đã phải rút 9 cuốn sách giáo dục giới tính được quốc tế ca ngợi khỏi các trường học với lý do "tục tĩu". Các bậc cha mẹ, các tổ chức nhà thờ và các chính trị gia bảo thủ đều lên án các tài liệu này vì bị cáo buộc khuyến khích trẻ em quan hệ tình dục, "cổ vũ tình dục đồng giới" và đưa ra "mô tả tục tĩu về quan hệ tình dục".
Giáo dục giới tính từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc, với học sinh thường được mô tả thoáng qua về cơ chế nơi sinh ra của trẻ sơ sinh. Ngay cả những giải thích về cách sử dụng bao cao su thường gây ra phản đối từ không ít phụ huynh.
Trong nỗ lực cung cấp cho giới trẻ Hàn Quốc hiểu biết tốt hơn về giới tính, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã quảng bá sách nước ngoài và trong nước được xác định là hữu ích trong việc nâng cao nhận thức của trẻ em về giới tính. Một hội đồng gồm sáu chuyên gia đã chọn 134 cuốn sách cho Danh sách Sách Nadaum, với “nadaum” có nghĩa là “tự chủ” trong tiếng Hàn. Những cuốn sách đầu tiên được phân phối vào tháng 11.2016, nhưng kể từ đó đã bị chỉ trích.
Tờ báo Cơ đốc giáo bảo thủ Pennmike đã đăng một bài báo vào đầu tháng 8 với tiêu đề “Bộ Bình đẳng giới và Gia đình bị chỉ trích vì cung cấp cho các trường học những cuốn sách cổ vũ đồng tính luyến ái và đưa ra những mô tả tục tĩu về quan hệ tình dục”. Bài báo đã kéo theo hàng nghìn lời phàn nàn từ các bậc cha mẹ lo ngại rằng con họ học từ sách. Trong vòng vài ngày, một bản kiến nghị trực tuyến đã được khởi xướng trên trang web của Tổng thống Nhà Xanh, với hơn 75.000 người ký tên yêu cầu chính phủ thu hồi các cuốn sách và cấm chúng được tái bản.
Kim Byeong-wook thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập đã chỉ trích một số cuốn sách trong danh sách là "không chuẩn mực", nói rằng chúng "quá gợi dục", "vẽ đường cho hươu chạy" và "đánh bóng cho đồng tính luyến ái". Những cuốn sách Kim Byeong-wook chọn gồm cả “How a Baby is Made” của nhà văn Đan Mạch từng đoạt giải thưởng Per Holm Knudsen và “The Love Book” của nhà văn thiếu nhi Thụy Điển Pernilla Stalfelt.
Trong phiên điều trần của ủy ban giáo dục tại Quốc hội, ông Kim đã chỉ trích cuốn sách của ông Knudsen vì cho rằng người lớn "thích thú" với quan hệ tình dục, trong khi cuốn sách của bà Stalfert bị lên án vì giải thích rằng bất kỳ ai cũng có thể yêu, ngay cả khi đó là hai người đàn ông hoặc hai phụ nữ. Ngay hôm sau, những cuốn sách đó bị dẹp khỏi trường học.
Nam Yoon-jeong, người đứng đầu dự án Nandaum, cho biết nhà chức trách đã bỏ lỡ cơ hội giúp những người trẻ tuổi tìm hiểu về tình dục.
Nam Yoon-jeong nói: “Hàn Quốc đã thiếu giáo dục giới tính thích hợp và bất kỳ cuộc thảo luận nào về tình dục hoặc nhân quyền đều bị đóng cửa bất cứ khi nào nó manh nha. Chúng ta tiếp xúc với hình ảnh tình dục hàng ngày và ở mọi nơi, nhưng thật trớ trêu khi họ ngăn cấm chúng ta thảo luận nó một cách công khai hoặc chính thức”.
Nam Yoon-jeong nói với tờ JoongAng Daily: "Văn hóa mâu thuẫn này dẫn đến việc trẻ em thắc mắc về điều gì đó mà chúng tiếp xúc, nhưng các em lại thẩm thấu chuyện đó một cách sai lệch vì các em không được dạy đúng cách về nó. Đáng ra phải dạy các em hiểu đúng bản chất của sự việc".
Sau nhiều năm bị chỉ trích, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định sửa đổi chương trình giáo dục giới tính vào năm 2019.