Các luật sư cho rằng hành vi trục lợi tiền từ thiện tùy vào tính chất và mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo dòng thời sự

Gian lận, biển thủ tiền từ thiện: Có thể bị xử lý hình sự

Lam Thanh 17:37 14/09/2024

Các luật sư cho rằng hành vi trục lợi tiền từ thiện tùy vào tính chất và mức độ, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Phông bạt", biển thủ tiền từ thiện

Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã công bố bước đầu bản sao kê danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, tại tài khoản ngân hàng Vietcombank từ ngày 1 đến 10.9.

Theo báo cáo, tạm tính đến ngày 13.9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ trung ương 775,5 tỉ đồng.

Ban Vận động cứu trợ trung ương đã có quyết định phân bổ và làm thủ tục chuyển tiền đến ban cứu trợ các địa phương đợt 1 là 388,5 tỉ đồng. Số tiền còn lại, Ban Vận động cứu trợ trung ương tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương vùng thiệt hại do bão lũ.

Việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sao kê tiền ủng hộ nạn nhân bão lũ cũng nảy sinh nhiều chuyện “dở khóc dở cười”, ví dụ ủng hộ ít nhưng chỉnh sửa, làm giả thông tin chuyển khoản lên gấp nhiều lần để “phông bạt”, hoặc nghiêm trọng hơn là chiếm dụng tiền quyên góp của người khác nhằm mục đích cá nhân.

sao-ke-2.jpg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, tiến sĩ-luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng từ thiện nhiều hay ít tùy vào hoàn cảnh, không ai chê trách điều này. Tuy vậy, việc dùng các phần mềm chỉnh sửa biên lai chuyển tiền để thể hiện tăng số tiền từ thiện là không đúng về đạo đức.

“Điều này có thể gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án”, ông Cường nêu.

Ngoài ra, theo ông Cường, hành vi sửa biên lai chuyển tiền của người đóng góp từ thiện còn vi phạm pháp luật - làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người sửa biên lai chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Cường, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu... thì người thực hiện hành vi làm giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp hành vi làm giả chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức, phạt từ 5 - 10 triệu đồng với cá nhân.

Trục lợi tiền từ thiện có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh Thông Luật), pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các đối tượng có hành vi trục lợi tiền từ thiện, vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

sao-ke-1.jpg
Mặt trận Tổ quốc công bố sao kê

Cụ thể, theo điểm c khoản 1, khoản 3 điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất nếu là người nước ngoài.

Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần cá nhân vi phạm. Nếu hành vi trục lợi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 174 hoặc điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Theo điều 174 bộ luật này quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì tùy vào số tiền chiếm đoạt mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

binh-2.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh Thông Luật)

Theo điều 175 bộ luật này quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (không áp dụng với pháp nhân thương mại), tùy vào số tiền chiếm đoạt được mà người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất là 20 năm tù giam.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Những ngày qua đã có hàng triệu tài khoản cá nhân chủ động chuyển tiền vào tài khoản của Ban Cứu trợ trung ương. Có cá nhân ủng hộ 50 ngàn, có người 100 ngàn nhưng có những tài khoản ủng hộ số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Có người không chủ động xưng danh mà âm thầm ủng hộ. Đây là những nghĩa cử rất đáng trân trọng.

Với sự ủng hộ, tình cảm của người dân cả nước đối với đồng bào các vùng đang chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, MTTQ đang tập trung cao độ để tổ chức tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ và kịp thời và làm thủ tục chuyển tiền đến ban cứu trợ các địa phương bị thiệt hại, để triển khai công tác cứu trợ.

Sự ủng hộ của đồng bào, của các cá nhân là rất vô tư, trong sáng thể hiện "tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bước đầu đã công khai sao kê tài khoản tại ngân hàng Vietcombank để cho các tổ chức, cá nhân có thể thấy được và yên tâm khi sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ và sẽ về được với người dân bị thiệt hại.

Thời gian tới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục công khai minh bạch đầy đủ những thông tin của những tổ chức, cá nhân chuyển tiền ủng hộ tới địa chỉ tài khoản của Ban Vận động cứu trợ trung ương để người dân tham gia theo dõi, giám sát.

Ông Cao Xuân Thạo, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian lận, biển thủ tiền từ thiện: Có thể bị xử lý hình sự