Liên quan vụ án Hồ Duy Hải đang được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, sáng 6/5, Viện KSNDTC đã trình bày nhiều nội dung kháng nghị.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSNDTC kháng nghị nhiều nội dung

06/05/2020, 18:56

Liên quan vụ án Hồ Duy Hải đang được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, sáng 6/5, Viện KSNDTC đã trình bày nhiều nội dung kháng nghị.

Đại diện VKSNDTC nêu quan điểm về vụ án

2 luật sư vắng mặt

Tại phiên giám đốc thẩm sáng nay, sau khi Thư ký điểm danh đại điện được mời đến phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông rất tiếc khi một số luật sư, kiểm sát viên,... tham gia trong quá trình giải quyết vụ án đã vắng mặt. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là phiên tòa quan trọng, là dịp để các bên cùng có trách nhiệm làm rõ, xem xét lại vụ án.

Theo đó, 2 luật sư là Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) vắng mặt. Người cung cấp chứng cứ vụ án là luật sư Trần Hồng Phong có mặt tại phiên xét xử.

Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, luật sư Trần Hồng Phong không phải là người tham gia vụ án ngay từ đầu (cấp sơ thẩm và phúc thẩm). Tuy nhiên, luật sư lại có đơn gửi đến TANDTC đề nghị kháng nghị lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Chủ tọa đã hỏi luật sư Phong là căn cứ vào cơ sở nào để luật sư Phong gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm?

Trước câu hỏi trên, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, do gia đình Hồ Duy Hải đến trực tiếp văn phòng luật sư nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Sau đó, văn phòng luật sư có ký dịch vụ pháp lý để bảo vệ bị cáo Hải.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, văn phòng luật sư có gặp gỡ trực tiếp một số người là nhân chứng trong các vụ án, trong đó có anh Đinh Vũ Thường, Lê Phụng Hiếu, Nguyễn Văn Thu.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, gia đình Hồ Duy Hải có 3 lá đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (là người yêu một trong 2 nạn nhân trong vụ án); đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An.

Trước những vấn đề luật sư Phong nêu ra, Chủ tọa đã yêu cầu luật sư Trần Hồng Phong trình bày các chứng cứ mới liên quan đến vụ án và tránh trình bày các ý kiến trùng lặp với kháng nghị của VKS. Luật sư Phong chỉ cung cấp giấy xác nhận nhân chứng Đinh Vũ Thường nói rằng không được cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm mời tham gia. Tuy nhiên, vấn đề luật sư Phong đưa ra đã có trong kháng nghị của VKS không phải là các chứng cứ mới.

Các nội dung Viện kiểm sát kháng nghị

Cũng tại phiên xử sáng nay, đại diện VKSNDTC đã trình bày lý do kháng nghị và những nội dung cụ thể như: Bán án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm của Tòa án hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Cụ thể, nội dung lời khai của bị cáo Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên tòa.

Mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân: Các lời khai ban đầu của Hải khai, lấy dao ở kệ chạy theo bị hại Hồng, dùng tay phải nắm đầu Hồng đập mạnh vùng mặt vào lavabo rửa mặt khoảng 3 cái, dùng dao để cắt đứt cổ.

Có lời khai: Sau khi đập đầu Hồng vào lavabo, Hải đi vào nhà lấy con dao ở bàn quay lại nhà tắm, cắt cổ chị Hồng; sau đó lại khai: Hải đập phần mặt và trán chị Hồng vào lavabo, Hải kéo chị Hồng vào chân cầu thang lấy cái thớt đập mạnh vào vùng đầu rồi dùng dao cắt cổ chị Hồng.

Các lời khai sau: Hải đuổi theo xô chị Hồng ngã ngửa dưới nền cầu thang, dùng tay phải đánh vào mặt Hồng nhiều cái, lấy cái thớt cầm hai tay đập lên vùng đầu, mặt của Hồng hai cái, lấy con dao cắt cổ Hồng qua lại hai cái…

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSNDTC kháng nghị nhiều nội dung

Mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án: Lúc đầu Hải khai, về nhà cửa không khóa, vào nhà ngủ không ai biết. Tuy nhiên sau đó Hải khai: tự lấy chìa khóa mở cửa vào nhà, hay khai lại: “Khi về cửa nhà còn mở, tôi tự dẫn xe vào rồi kêu Nguyễn con dì Út đóng cửa dùm…”.

Mâu thuẫn về việc tiêu thụ tài sản: Lúc đầu Hải khai, bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200 ngàn đồng, bán nữ trang được 3 triệu không nhớ tiệm ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó Hải lại khai bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200 ngàn đồng, bán nữ trang cho một thanh niên lạ mặt khác được 3 triệu đồng. Cuối cùng Hải lại khai: Bán điện thoại cho một cô gái trên đường Hùng Vương được 200 ngàn đồng, bán nữ trang cho một cô gái ở tiệm thứ 2 được 3,5 triệu đồng…

Mâu thuẫn về hành vi hiếp dâm chị Hồng: Ban đầu Hải khai, định quan hệ tình dục nhưng bị chị Hồng phản ứng, bỏ xuống nhà vệ sinh.

Nhiều lời khai sau đó thể hiện: Hải khống chế chị Hồng, dùng hai tay bóp cổ chị Hồng, cởi hết quần áo của chị Hồng. Giao cấu với chị Hồng xong, cả hai mặc lại quần áo. Sau đó lại khai: Khống chế chị Hồng chưa làm được gì thì bị chị Hồng đạp vào bụng bật ra, rồi chị bật dậy chạy ra ngoài…

Có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường lúc 8h10’ ngày 14/1/2008, phản ánh trên bàn bếp có ly, tô, dĩa đã sử dụng nhưng chưa rửa; khu vực nền nhà tắm và lavabo khô ráo, mở vòi nước trên lavabo không có nước chảy.

Hải có nhiều lời khai về việc đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, rửa dao cho sạch máu. Như vậy, có sự mâu thuẫn rất lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo về các vấn đề: Đêm ngày 13/1/2008, Bưu điện Cầu Voi có mất nước hay không? Hải có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt chị Hồng vào lavabo nhưng kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết ở lavabo?

Diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án: Theo lời khai của bị cáo và kết luận của các bản án, Hải dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách rồi dùng hai tay kéo chị Vân, đặt đầu chị Vân lên bụng nạn nhân Hồng để cắt cổ. Nhưng theo bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thì chiếc ghế đó lại nằm dưới nền nhà ngay sát cửa đi ra nhà tắm và nạn nhân Vân gác chân lên chiếc ghế.

Trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quyện, dấu vết đế dép và dính những hạt cơm khô đều là những dấu vết mới nhưng không được điều tra làm rõ tại sao lại có những dấu vết đó để xác định tính xác thực của lời khai nhận tội.

Mặc dù Cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra thời gian, quãng đường từ nơi ở của Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi, nhưng chưa giải thích được triệt để những mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian vào hoạt động của bị cáo và thời điểm bị cáo xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi…

Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Từ những căn cứ trên, VKSNDTC đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Trước những nội dung kháng nghị nêu trên, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ xem xét đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác từng vấn đề.

Theo báo Công lý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSNDTC kháng nghị nhiều nội dung