Tại vị trí 127 thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), hộ dân nói trên đã nhận tiền bàn giao mặt bằng phần điện tích đất vĩnh viễn, nhưng yêu cầu giá bồi thường làm đường tạm thi công quá cao so với quy định và các vị trí khác trên cùng địa bàn.
Hạ tầng và bất động sản

Giải phóng mặt bằng đường dây 500kV mạch 3 gặp khó do 1 hộ dân đòi bồi thường quá cao

Lam Thanh 26/03/2024 12:41

Tại vị trí 127 thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), hộ dân nói trên đã nhận tiền bàn giao mặt bằng phần điện tích đất vĩnh viễn, nhưng yêu cầu giá bồi thường làm đường tạm thi công quá cao so với quy định và các vị trí khác trên cùng địa bàn.

Thông tin này được nêu trong báo cáo của Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng về tình hình thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3.

Các dự án đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có tổng chiều dài 519km. Điểm đầu là Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, điểm cuối là Trạm biến áp 500 kV Phố Nối.

Tính đến ngày 19.3.2024, toàn bộ 4/4 tỉnh đã hoàn thành công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Hiện những thủ tục mở đường vào thi công và thực hiện thi công đang được các đơn vị triển khai khẩn trương, đồng bộ.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay phần móng cột đã bàn giao 100%. Về phần hành lang tuyến không nhiều thay đổi.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình chưa bàn giao khoảng néo nào; tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao 34/113 khoảng néo; tỉnh Nghệ An đã bàn giao 20/88 khoảng néo; tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 68/138 khoảng néo; tỉnh Ninh Bình đã bàn giao 4/9 khoảng néo, tỉnh Nam Định đã bàn giao 30/54 khoảng néo; tỉnh Thái Bình đã bàn giao 36/47 khoảng néo; tỉnh Hải Dương đã bàn giao 18/13; tỉnh Hưng Yên đã bàn giao 8/14 khoảng néo.

Như vậy đến nay, tổng cộng 4 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 218/503 khoảng néo (đạt 43,04%); còn 285 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng.

Về công tác thi công, hiện nay đang triển khai đồng loạt trên toàn tuyến được 1.177/1.177 vị trí (100%), hoàn thành đúc móng được 321/1.177 vị trí, lắp dựng cột được 23/1.177 cột.

mach-3.jpeg
Đường dây 500kV mạch 3

Báo cáo cũng cho hay hiện đang vướng mắc tại vị trí 127 thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Một hộ dân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng phần diện tích đất vĩnh viễn, nhưng chưa thể triển khai thi công được do hộ dân này yêu cầu giá bồi thường làm đường tạm thi công quá cao so với quy định và các vị trí khác trên cùng địa bàn, có dấu hiệu “trục lợi”.

Ngày 22.3.2024, tại buổi làm việc của Văn phòng Ban Chỉ đạo với các sở và UBND các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết đã xử lý theo hướng khảo sát tuyến đường khác để vào thi công, trường hợp không còn đường nào khác sẽ có những biện pháp quyết liệt với hộ dân này.

Báo cáo cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn khác. Cụ thể, đối với việc thi công các vị trí móng cọc, đây là phần công việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian thi công dài, phải có máy thi công chuyên ngành như robot ép cọc, máy đóng cọc.

Việc đồng thời huy động số lượng lớn các máy thi công cho 240 vị trí móng cọc trên toàn tuyến đường dây trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn nên phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ.

Ngoài ra máy ép cọc có tải trọng lớn (nặng 200 tấn/máy), nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Theo quy trình thiết kế - thi công, thời gian thi công móng cọc trung bình là 100 ngày (hơn 3 tháng) nên tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án..

Một khó khăn khác là cung cấp cột thép. Tổng khối lượng thép của 4 dự án mạch 3 là gần 140 nghìn tấn thép, và chế tạo thành 1.177 cột trong thời gian rất ngắn (105 ngày). Vì vậy nhiều đơn vị không nhập kịp nguyên vật liệu đầu vào, đồng thời bị quá tải so với năng lực sản xuất trong một số thời điểm, gây chậm tiến độ cung cấp cột thép.

Khó khăn về giải phóng mặt bằng cũng được báo cáo chỉ ra. Có 691 công trình phải phá dỡ, di dời, tái định cư. Nếu không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng đến công tác dựng cột, kéo dây các dự án.

Ngoài ra, tuyến đường dây đi qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều vị trí qua địa hình đồi núi cao, hiểm trở, điều kiện thi công khó khăn. Nhiều vị trí đi qua vùng ven biển, đầm lầy cũng là yếu tố khó khăn trong quá trình thi công…

Ban chỉ đạo cũng kiến nghị UBND các tỉnh tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở ngành, các địa phương của tỉnh tại nơi các dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng để các hộ dân đồng thuận, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trong tháng 3.2024; đảm bảo các dự án có thể triển khai thi công kéo dây vào đầu tháng 4.2024.

Cần chỉ đạo UBND các huyện sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (đặc biệt là việc lập và phê duyệt phương án bồi thường) đối với các vị trí móng cột và hành lang tuyến đã vận động người dân bàn giao cho chủ đầu tư; khẩn trương xem xét phương án xử lý đối với các công trình phải phá dỡ, di dời hoặc tái định cư, đảm bảo di dời các hộ dân xong trước khi đóng điện, vận hành.

Ngoài ra, cần hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thỏa thuận, mở đường vào thi công và bãi tập kết nguyên vật liệu để triển khai thi công, đặc biệt là một số vị trí đang gặp khó khăn chưa thể triển khai thi công; tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác thi công.

“Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Cẩm Xuyên tiếp tục quan tâm để sớm hỗ trợ chủ đầu tư và đơn vị thi công giải quyết vướng mắc trong công tác mở đường vào thi công vị trí 127 thuộc dự án đường dây 500 kV đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu”, báo cáo nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
31 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải phóng mặt bằng đường dây 500kV mạch 3 gặp khó do 1 hộ dân đòi bồi thường quá cao