Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm. Tuy vậy, các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp, thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”, nguồn vốn để thực hiện chương trình tín dụng xanh còn hạn chế…
Nhịp đập khoa học

Giải pháp nào tạo đột phá cho tài chính xanh?

Lam Thanh 01/11/2024 12:10

Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm. Tuy vậy, các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp, thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”, nguồn vốn để thực hiện chương trình tín dụng xanh còn hạn chế…

Tín dụng xanh vẫn khiêm tốn

Xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trên thế giới. Doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm (từ 55,9 tỉ USD vào năm 2018 lên mức 661 tỉ USD vào năm 2023).

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Khung pháp lý về thể chế liên quan đến hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện.

Cụ thể, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030… đã được ban hành. Ngành ngân hàng cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn điều chỉnh hoạt động tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và trung gian tài chính Việt Nam.

tcx-1.jpg
Tín dụng xanh đang được chú trọng

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2022) đánh giá, để theo đuổi một lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỉ USD cho đến năm 2040.

Theo Bộ Tài chính, trong thời kỳ 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh.

Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỉ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh.

Các thống kê cũng cho thấy dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng đều đặn qua các năm, tăng từ gần 60 nghìn tỉ đồng vào năm 2018 lên hơn 340 nghìn tỉ đồng vào năm 2023, với mức tăng trung bình 48,91%/năm.

Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 40%). Tỷ trọng tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, trở thành lĩnh vực có dư nợ tín dụng xanh cao thứ hai vào năm 2023, tương ứng 30% tổng dư nợ tín dụng xanh…

Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng xu hướng xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp Việt Nam.

tcx-2.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Theo ông Thịnh, trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có gắn các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

“Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Theo PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh, các TCTD ngày càng chú trọng tới công tác quản lý rủi ro môi trường xã hội trong quá trình cho vay. Số lượng các TCTD tham gia cấp tín dụng xanh ngày càng gia tăng

Về phía doanh nghiệp, trong giai đoạn đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, nhiều doanh nghiệp còn thiếu các thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng, và gặp nhiều khó khăn với yêu cầu để được cấp tín dụng xanh.

Bà Hoàng Anh cho rằng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm, với dự án đa dạng các ngành nghề. Các sản phẩm tín dụng xanh ngày càng phong phú, đa dạng theo các chương trình khác nhau của Chính phủ.

“Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững. Động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại. Các tài liệu như Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành vẫn chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích chứ chưa mang tính bắt buộc”, bà Hoàng Anh nêu.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo bà Hoàng Anh là các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp; thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”; nguồn vốn để thực hiện chương trình tín dụng xanh còn hạn chế; thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức trong thực hiện quản lý rủi ro về môi trường - xã hội. Các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là những ngành nghề rất mới ở Việt Nam nên có thể xảy ra rủi ro thị trường cao…

Theo đó, PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh khuyến nghị cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh; đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ.

anh-man-hinh-2024-11-01-luc-10.40.56.png
Ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ngoài ra, trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay…; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác: phát triển trái phiếu xanh; giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI; thúc đẩy việc sử dụng báo cáo bền vững…

Ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh rằng phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính… Do đó, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp.

“Chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi, dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng”, ông Sang nói.

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào tạo đột phá cho tài chính xanh?