Tiếng khóc não nề ở nhà trên làm Vi giật mình tỉnh giấc. Làm ở khu công nghiệp cả ngày, còn thêm tăng ca nên vừa đặt mình xuống là ngủ ngay. Giờ dậy, cô rón rén mở cửa phòng, dò dẫm từng bước trong bóng tối để lần theo tiếng khóc.
Trước bàn thờ leo lắt ngọn đèn dầu và nghi ngút khói hương của bé Dung, em gái Vi, là một người đàn bà tóc tai rũ rượi, đang ngồi khản giọng gọi con giữa đêm khuya. Gần 2 năm rồi, nỗi đau trong lòng người mẹ vẫn chưa vơi đi chút nào mà còn càng ngày càng chất chồng lên khi thấy bạn bè cùng trang lứa con mình giờ áo dài thướt tha đến trường, vui chơi cười đùa quanh xóm. Nỗi đau của mẹ nhiều bao nhiêu, nỗi đau của Vi cũng day dứt bấy nhiêu. Giá như ngày ấy, Vi nghe lời cậu dì, đừng đi học Cao Đẳng Sư Phạm Ngữ Văn, ở nhà làm khu công nghiệp thì đâu đến nỗi…
Cầm tấm bằng Cao Đẳng Sư Phạm Ngữ Văn loại Khá trên tay, Vi mừng không kể xiết vì qua 3 năm học, vượt qua biết bao khó khăn, bao nỗi đau, thành quả mình đạt được cũng xứng đáng. Song, ở đời chuyện thường không theo ý người. Cầm hồ sơ xin việc đi khắp các trường, các phòng giáo dục trong tỉnh, cô chỉ nhận được những cái lắc đầu cùng với những nụ cười chớm ở khóe môi. Đành ra xin vào khu công nghiệp làm công nhân giữa tiếng dè bĩu của mấy bà hàng xóm, giữa tiếng khóc than của người mẹ giờ nửa mê nửa tỉnh. Họ cười, họ bảo ráng học cho lắm rồi giờ cũng rúc đầu ra khu công nghiệp. Bỏ 3 năm để càng ngu thêm mà thôi. Vi giận mình, nhiều lúc muốn tìm tới cái chết cho xong. Nhưng mỗi lần nhìn lên bàn thờ đứa em gái mãi mãi dừng ở tuổi hoa niên, mỗi lần nghe tiếng khóc thê thiết của mẹ, cô tự bảo mình phải sống, phải vươn lên bằng mọi giá cho dù cuộc đời vùi dập mình đến bao nhiêu chăng nữa.
Ba mất, để lại mẹ Vi với một nách 3 đứa con thơ. Vi là chị đầu, học giỏi nên mẹ lúc nào cũng động viên cô học, không cho làm gì cả. Bé Dung thì rất siêng, lại biết làm vui lòng mẹ. Mới lớn nhưng công chuyện trong nhà gần như một tay nó phụ mẹ làm. Không một lời than van, nó cứ mỉm cười, một nụ cười hiền và độ lượng cho dù có bị mẹ la, chị đánh. Dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và lo cho cả thằng em út, bé Dung như một phần linh hồn của gia đình. Khi trong nhà ai có chuyện không vui, nó cười, nó kể chuyện, nó làm trò. Vậy là vui lại liền. Nó nghe lời Vi lắm. Vi bảo học bài là nó học bài, bảo ăn cơm là nó ăn cơm. Có chuyện gì nó cũng thỏ thẻ tâm sự với chị gái. Nhiều người bảo nó là con Trời. Hồi đó nghe, Vi không hiểu gì cả.
Thi Đại Học Luật 2 năm không đậu, Vi lại đậu vào Cao Đẳng Sư Phạm Ngữ Văn. Ngày tiễn chị lên đường nhập học, bé Dung nắm chặt tay, khóc không cho Vi đi. Cô không ngờ, ngày ấy là ngày mở ra bước ngoặc với em gái Vi, với bản thân Vi, với cả gia đình Vi. Vi vào giảng đường cũng là lúc bé Dung không còn điểm tựa tinh thần. Mẹ đi làm khu công nghiệp suốt ngày, ở nhà chỉ có thằng em nhỏ học lớp 1. Nỗi cô đơn của 1 đứa trẻ đang dần thành niên dần dần kéo bé Dung ra khỏi nhà, vào các quán chát, theo bạn, theo bè đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng dù có chơi bời chăng nữa, nó vẫn dành phần nhiều thời gian để chăm em và sửa soạn nhà cửa giúp mẹ khi chị vắng nhà. Mỗi lần về, nghe mẹ và hàng xóm kể chuyện nó đi chơi, Vi nhiều lần đánh nó. Nhưng rồi, đêm nằm nghe nó thút thít kể chuyện, Vi lại khóc theo. Hai chị em ôm nhau khóc tới sáng. Vi hứa với nó ra trường, sẽ làm nuôi nó học, sẽ may cho nó bộ áo dài thiệt đẹp. Còn nó bảo thích làm cô giáo và sẽ lo thật nhiều cho mẹ, cho thằng Út.
Rồi một buổi chiều năm học thứ 2, điện thoại con bạn cùng phòng trọ rung lên những hồi chuông dài mà tiếng vọng của nó đến bây giờ Vi còn nhớ như in trong tâm khảm. Lúc ấy Vi chưa có điện thoại. Đầu dây bên kia bắt đầu bằng tiếng khóc. Mẹ Vi chỉ nói được mấy tiếng: “Em mi chết rồi bé ơi!”. Sáng hôm sau, Vi mới về đến nhà. Không kịp nhìn mặt em gái lần cuối. Người ta đã liệm. Bộ quần áo tang chờ sẵn để khoát lên mình cô trong nỗi đau không thể nào bù đắp được. Nghe cậu dì nói, bé Dung đang hốt lúa phơi ngoài sân vào nhà thì mấy con bạn rủ đi tắm sông. Rồi chuyến về chỉ còn là một cái xác không hồn trên đôi tay người thân. Nó mới tròn 14 tuổi.
Niềm đau rồi Vi cũng cố chôn sâu vào lòng để quyết tâm học, quyết tâm đạt kết quả tốt, ra trường có việc làm, chăm lo cho mẹ, cho em út như ước mong của em gái. Nhưng mỗi lần về nhà, thấy khuôn mặt luôn cười của bé Dung trên bàn thờ, thấy mẹ cứ vật vờ than khóc và ngày càng gầy đi, Vi không thể cầm lòng được. May rằng bên Vi lúc nào cũng có Vũ, cậu bạn thân, luôn tận tình động viên trong những lúc Vi chán nản, tuyệt vọng. Hai đứa cùng nhau lên thư viện, cùng nhau thiết kế những bài giảng, cùng nhau tập giảng rồi cùng ôn thi tốt nghiệp. Lũ bạn nhiều chuyện xì xào, bàn tán, đặt điều nói xấu đủ thứ. Ban đầu, Vi rất căm giận chúng. Bạn bè với nhau, lúc gặp hoạn nạn, chúng nó trợn mắt cười mỉa mai. Chỉ có Vũ là luôn ở bên Vi. Vậy mà chúng lại nhẫn tâm…Dần dần, Vi mặc kệ. Mình sống không hổ thẹn với lương tâm là được.
Tiếng khóc, tiếng gọi bé Dung của mẹ làm Vi trở về với hiện thực. Cô nhè nhẹ quay về phòng, một mình ngồi trong bóng tối. Nước mắt chảy dài xuống hai gò má. Vi muốn cất thành tiếng khóc thật to nhưng không hiểu sao cứ nghèn nghẹn nơi cuống học. Cô bật màn hình điện thoại. 1 giờ 15 phút sáng. Giờ này chắc Vũ cũng chưa ngủ. Cậu ấy thường thức khuya viết bài gửi báo. Cũng không ở đâu chịu nhận vào làm việc, giờ Vũ ở nhà làm ruộng, thi thoảng viết báo kiếm thêm mấy đồng nhuận bút. Vi bấm nút gọi đi. Điện thoại cô có lẽ gần như gọi và nhận cuộc gọi của một mình Vũ. “Ừ. Vũ đây. Vi mới khóc hả? Thôi, lo ngủ đi. Mai còn đi làm nữa. Cứ cố gắng lên. Sông có khúc, người có lúc Vi à!”
Vi để mặc điện thoại qua một bên mà không cần biết Vũ đang nói tiếp những gì. Trước mắt cô, khuôn mặt luôn tươi cười của bé Dung lại hiện ra, rõ hơn lúc nào hết. Và tiếng của nó cũng nhẹ nhàng đến lạ: “Em muốn lo cho mẹ, lo cho thằng Út thiệt nhiều!”
Tiếng khóc của mẹ nhỏ dần, nhỏ dần. Chỉ còn đứa em gái vẫn cười với Vi trong giấc ngủ từ từ trở lại….
Nguyễn Thành Giang