Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng nóng, các chuyên gia kinh tế cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu, hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian nhất định.
Cần kịch bản ứng phó với biến động giá xăng dầu
Trước tình hình giá xăng dầu tăng nóng trên cả thị trường thế giới lẫn nội địa thời gian qua, ngày 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với hiện hành; riêng mức thuế với dầu hỏa giảm đến 70%. Kể từ 1.4 đến 31.12.2022, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy giá xăng dầu vẫn còn những biến động phức tạp thời gian tới. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có kịch bản điều hành giá mặt hàng này để giảm áp lực lên lạm phát, tránh ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng xăng, dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Thời gian qua, Quỹ bình ổn xăng, dầu đã phát huy rất tốt vai trò, góp phần giữ giá xăng, dầu trong nước ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và an sinh của người dân tốt hơn. Trong một nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá xăng, dầu 2021 chậm hơn so với giá xăng, dầu thế giới khoảng 12%.
Ông Thịnh cũng nêu, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, kỳ điều hành giá xăng, dầu sẽ vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng/tức là điều hành 10 ngày/lần (trước đây là 15 ngày/lần). Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới liên tục tăng từng ngày như hiện nay, nếu tiếp tục duy trì kỳ điều chỉnh 10 ngày không còn phù hợp nữa, nên điều chỉnh xuống còn từ 5 - 7 ngày và tiến tới để giá xăng, dầu đi theo giá xăng, dầu thế giới.
Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng nền sản xuất cần hướng tới tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh, đa dạng hóa nguồn cung phát triển năng lượng khác thay thế xăng, dầu; sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.
Tại tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 23.3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về dài hơi, theo ông Đông, cần phải tính tới tính công cụ thuế linh hoạt hơn, tính tới bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơn với môi trường. Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch; giảm thuế nhập khẩu để nhập về phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng cần có các gói an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng kinh doanh trực tiếp xăng dầu, hay người sử dụng xăng dầu. Hoặc về dự trữ quốc gia, hiện chúng ta đã có tiềm lực về tài chính, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối. Làm sao trong quy hoạch sản xuất phải tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm.
“Thời gian qua, một số nước rất linh hoạt trong vấn đề này, như Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu và dự trữ quốc gia, họ có chiến lược 10 năm, nhờ mua dầu thô giá rẻ và bơm ra thị tường, qua đó, vừa lợi về kinh tế, vừa là công cụ điều tiết thị trường”, ông Đông nói.
Vì sao xăng dầu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Ông Đặng Văn Khoa - ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho biết, hiện nay người dân đang rất quan tâm về các biện pháp kiềm chế giá xăng. Giá xăng dầu tăng rất nhanh thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo ông Khoa, xăng dầu hiện nay được xem là mặt hàng thiết yếu. Người dân mua 100.000 đồng xăng, trong đó có thể 50% là thuế và lệ phí, như vậy là quá cao. Ngoài ra, hiện nay xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia, theo ông là "quá phi lý".
Ông Khoa cho hay vừa qua, Nhà nước có điều chỉnh giảm VAT xuống 8% cho một số mặt hàng, nhưng xăng vẫn giữ 10% trong khi đây là mặt hàng thiết yếu.
"Mấy chục năm trước, khi đất nước khó khăn, người ta quan niệm chỉ người giàu mới dùng xăng dầu, coi như mặt hàng không thiết yếu, nhưng đến bây giờ vẫn áp dụng quan điểm này thì quá là phi lý", ông Khoa nói.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31.12.2022.
Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định Bộ Tài chính đang đề xuất. Hơn nữa, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
Tuy nhiên, về vấn đề giảm thuế cho xăng, dầu, ông Thịnh cũng từng chia sẻ, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và gây ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu nậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của Chính phủ. Ngoài ra, giảm thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng.
Đặc biệt, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Như vậy, càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, trong khi người có thu nhập thấp ít được hỗ trợ hơn.
Về vấn đề cơ cấu thuế phí trong giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ). Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.
"Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.