Giá xăng dầu tăng cao đang đặt áp lực tăng giá lớn lên nhiều mặt hàng, dịch vụ. Vì vậy mà người dân phải "dè dặt" với những khoản chi tiêu của mình.

Giá xăng dầu tăng cao, hầu bao người dân teo tóp, doanh nghiệp than thở

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 19/03/2022, 20:10

Giá xăng dầu tăng cao đang đặt áp lực tăng giá lớn lên nhiều mặt hàng, dịch vụ. Vì vậy mà người dân phải "dè dặt" với những khoản chi tiêu của mình.

Ngại những chuyến đi xa vì giá vé tăng cao

Chị Nguyễn Thị Mai, một người làm công trọ ở Hưng Yên đã hai năm nay chưa về quê ở Bình Thuận thăm bố mẹ đẻ. Chị cho biết gia đình kinh tế khó khăn, một tháng hai vợ chồng làm công chưa được 7 triệu đồng nên không dám tính chuyện về quê.

275653729_289645923241805_3659940092436145783_n.jpg
Giá xăng dầu tăng cao đang đặt áp lực lên cuộc sống của những người lao động nghèo

"Với khoản thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng đã khó khăn, chật vật với cuộc sống hàng ngày gồm: tiền ăn, tiền điện nước, tiền học của 2 đứa con, còn chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác. Giờ về quê đi xe đò thôi cũng đã 700.000 đồng/người rồi, giờ giá xăng dầu tăng cao, giá vé nhà xe cũng đã tăng lên 800.000 đồng/người. Tính ra cả đi và về cũng khoảng 8 triệu đồng. Còn đi máy bay thì nhà tôi không dám nghĩ đến vì không có tiền", chị Mai thở dài nói.

Chưa kể, giờ giá xăng tăng cao, chị kể giờ vợ chồng đi làm cũng phải tính toán, đong đếm từng đồng. Chồng chị đi chở rau cho các chợ, giá xăng tăng cao cũng chưa dám tăng giá chở thuê vì sợ mất khách nên giờ gần như chở không công. Còn chị đi làm công bốc vác rau củ quả cho các nhà vườn, cách nhà 4km cũng không dám đi xe máy mà chuyển sang đi xe đạp để tiết kiệm tiền sinh hoạt.

Chị chia sẻ: "Cuộc sống khó khăn là vậy, giờ mua bán cái gì cũng tăng giá đúng là gánh nặng cho những người nghèo như chúng tôi. Thực sự muốn về quê thăm bố mẹ lắm mà lực bất tòng tâm".

Bạn Thu Hà, sinh viên năm hai một trường đại học ở Hà Nội cho biết, từ khi thấy Nhà nước mở cửa du lịch hoàn toàn ở các địa phương từ ngày 15.3 vừa qua, mình và nhóm bạn cũng háo hức về những chuyến đi xa nhưng giá vé máy bay mấy điểm đến cả nhóm chọn như: Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn... cao quá nên giờ cũng ngại đi.

Hà kể rằng đã hỏi về nhân viên đại lý vé máy ở Hà Nội về việc giá vé máy bay tháng này tăng so với tháng trước đáng kể thì nhân viên lý giải là do giá xăng dầu, nhiên liệu tăng cao nên giá vé đã có sự điều chỉnh. Vì vậy, nhóm quyết định đi phượt xe máy lên Tam Đảo chơi vào ngày 20.3.

Không chỉ riêng trường hợp của Hà hay chị Mai, giá xăng dầu tăng cao đã đặt gánh nặng vô cùng lớn đến những người dân, người lao động có thu nhập thấp. Xăng dầu là đầu vào của mọi loại hàng hóa dịch vụ, khi giá tăng thì tất yếu những mặt hàng đều tăng giá. Do vậy, người dân rất mong chờ vào những hành động quyết liệt từ Nhà nước để có thể giảm giá xăng dầu, kìm giá các mặt hàng tăng theo.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0.36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Hàng không, vận tải "rục rịch" tăng giá, xin cơ chế hỗ trợ

Giá xăng dầu tăng cao khiến các hãng hàng không đồng loạt kêu cứu, khẩn cấp có các giải pháp hỗ trợ, như tăng trần giá vé, phụ thu nhiên liệu. Nhiều lo ngại giá vé máy bay thời gian tới sẽ tăng.

Theo ghi nhận của PV, giá vé nhiều chặng bay trong nước trong tháng này đã tăng lên so với tháng trước. Nhân viên một đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội cho biết, giá vé tháng 3, 4 của nhiều chặng như: Hà Nội - Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn... đã tăng khoảng 450.000 - 850.000 đồng/chiều. 

anh-2.jpg

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, giờ mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 năm 2019 đã không còn phù hợp. Giá dịch vụ vận chuyển khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường.

Từ năm 2015, ngành hàng không đã áp dụng giá trần vé máy bay, song sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh giảm giá trần vào năm 2019. Giá trần cho đường bay dài nhất từ 1.280 km là 3,75 triệu đồng, đường bay dưới 850 km là 2,2 triệu đồng mỗi vé.

Đến nay, khi giá nguyên liệu tăng, hãng bay này cho rằng giá trần cũng cần điều chỉnh. Việc điều chỉnh này không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà tạo điều kiện thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, một mặt bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo đó, hãng kiến nghị được miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Nếu được áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỉ đồng. Hãng cũng đề nghị được phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán, bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.

Hãng Bamboo Airways cũng cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng bay trong nước. Đây là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi.

Còn đại diện hãng bay "tân binh mới" Vietravel Airlines cho biết đang xây dựng kế hoạch giá nhiên liệu bay Jet-A1 dao động từ 83-90 USD/thùng. Tuy nhiên, đến thời điểm 15.3, giá nhiên liệu bay Jet-A1 đã tăng lên 168,5 USD/thùng, tức gần gấp đôi giá nhiên liệu theo kế hoạch. Với mức giá trên, chi phí nhiên liệu của hãng đã đội lên thêm 9-10 tỉ đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 25% so với trung bình các tháng trước. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì hoặc tăng lên thì doanh thu của hãng cũng như các hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chưa nói đến các định phí khác.

Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại giá vé máy bay sẽ tăng theo đà của nhiên liệu, đặt trong bối cảnh khôi phục các đường bay nội địa cũng như mở cửa khách quốc tế sẽ ảnh hưởng tới túi tiền người dân và rào cản phục hồi hàng không.

Không chỉ hàng không, nhiều doanh nghiệp vận tải nội địa cũng rơi vào cảnh khó khăn. Theo đó, taxi công nghệ, một số hãng taxi truyền thống và hãng xe khách đã bắt đầu điều chỉnh giá cước để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

270777863_459491042444743_1886031037142122512_n.jpg

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lớn đến các doanh nghiệp taxi. Hiện tại, các doanh nghiệp đang gồng mình để ứng phó, tuy nhiên nếu Chính phủ không điều chỉnh để kéo giảm giá xăng dầu trong thời gian tới thì buộc các doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước. Khi đó, người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất.

Grab Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 10.3, đơn vị này sẽ chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Theo đó, với dịch vụ gọi xe ôtô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại TP.HCM và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.

Không chỉ vận tải hành khách, lĩnh vực vận tải logistics nội địa cũng đã đồng loạt tăng giá để bù vào chi phí xăng dầu. Bên cạnh những doanh nghiệp sẵn sàng tăng giá cước theo xăng dầu thì nhiều doanh nghiệp vận tải khác vẫn đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì tăng giá cước sẽ mất khách, không tăng thì lỗ nặng.

Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã, doanh nghiệp ngành hàng hại kiến nghị xin cơ chế để giảm thiệt hại. Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành, Chính phủ xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường từ 2.000-3.000 đồng/lít, thời gian áp dụng từ tháng 3.2022. Đồng thời, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% xuống 5-6%. Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý trong trong đoạn giá tăng cao như hiện nay.

Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa, thời gian thực hiện từ tháng 4.2022 đến hết 31.12.2022.

Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8% xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%.

Bài liên quan
Giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại
Từ 15 giờ chiều nay (25.12), giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 468 đồng/lít lên 22.550 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 494 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu tăng cao, hầu bao người dân teo tóp, doanh nghiệp than thở