Nhiều nạn nhân bị mất tiền do đầu tư tài chính, bị lừa đảo tình cảm… thông qua mạng xã hội. Không những vậy, nhiều kẻ còn tiếp cận những nạn nhân này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai.
Theo dòng thời sự

Gia tăng lừa đảo thông qua chiêu thức 'hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa'

Lam Thanh 15/04/2024 17:42

Nhiều nạn nhân bị mất tiền do đầu tư tài chính, bị lừa đảo tình cảm… thông qua mạng xã hội. Không những vậy, nhiều kẻ còn tiếp cận những nạn nhân này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai.

Lừa đảo trên không gian mạng gia tăng

Gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Đã có nhiều nạn nhân bị mất tiền do tham gia làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng, đầu tư tài chính, bị lừa đảo tình cảm…

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình này, những kẻ lừa đảo tiếp cận người dân đang là nạn nhân để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.

lua-dao-3.png
Nhan nhản lừa đảo trên không gian mạng

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là tiếp tục lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ, như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các đơn vị công an, công ty luật, văn phòng luật sư…, đưa hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát ủy quyền “thu hồi vốn treo”, “đòi lại tiền bị lừa đảo” để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác.

Thậm chí, chúng sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác với các bài viết; thường xuyên tham gia bình luận vào các bài viết trên các trang thông tin uy tín, có số lượng lớn người quan tâm tương tác để tăng cường độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân về việc sẽ lấy lại được tiền.

Khi người dân chủ động liên hệ, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo; cài đặt, tải các ứng dụng như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ. Thậm chí, chúng sẽ sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả để người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý.

lua-dao-1.png
Các chiêu trò lừa đảo thông qua việc hứa hẹn lấy lại tiền "treo"

Sau đó chúng sẽ lấy nhiều lý do, như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo tinh vi, người dân không được chuyển tiền

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hiện nay không ít kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet. Sau khi lừa tiền của nạn nhân thì chúng tiếp tục lừa lần 2 với chiêu trò mạo danh luật sư để lấy lại "tiền treo". Do đó, mọi người cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này.

"Đã bị lừa đảo trên mạng internet thì chỉ có cách duy nhất là trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Không có tiền nào "treo" cả, chỉ cần vài giây là các đối tượng đã chuyển qua tài khoản khác và chiếm đoạt. Ngoài ra, cũng không có luật sư nào có thể lấy được tiền treo. Tất cả các quảng cáo lấy tiền treo trên mạng internet là lừa đảo. Các đối tượng mạo danh luật sư, mạo danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để "lấy lại tiền treo" là thủ đoạn lừa đảo mới", ông Cường nói.

Theo luật sư Cường, khi cần dịch vụ pháp lý của luật sư thì cần liên hệ trực tiếp với văn phòng luật sư, gặp trực tiếp luật sư để trao đổi.

"Lưu ý không liên hệ qua mạng internet và đặc biệt là mạng xã hội vì rất nhiều luật sư bị giả mạo thông tin. Các đối tượng sử dụng các hình ảnh cá nhân của luật sư để lập các trang mạng xã hội (Fakebook, Zalo) mạo danh để lừa đảo nhiều người...”, ông Cường nhấn mạnh.

lua-dao-2.jpeg
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho biết gần đây, đơn vị liên tiếp nhận được nhiều đơn thư phản ánh tình trạng một số đối tượng đã mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, website... để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân và các tổ chức.

“Số lượng vụ việc mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo trên các trang mạng xã hội đang có dấu hiệu gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và hình ảnh của đội ngũ luật sư. Các hành vi của các đối tượng nêu trên là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, Liên đoàn Luật sư nêu.

Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp quản lý, ngăn chặn các thông tin giả mạo, sai sự thật được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và thông tin, cảnh báo rộng rãi tới người dân để biết phòng tránh; đề nghị cơ quan công an có các biện pháp xác minh, làm rõ, xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng mạo danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để lừa đảo.

Liên quan đến vấn đề này, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

Bài liên quan
Phát hiện gần 50 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo
Trong tháng 10.2024, hệ thống của NCSC đã phát hiện 49 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia tăng lừa đảo thông qua chiêu thức 'hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa'