Sáng 14.4, tại lưu vực sông Tiền (đoạn thuộc xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Tổng công ty 36 và các đơn vị liên quan bắt đầu khai thác những mét khối cát đầu tiên để phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Theo dòng thời sự

Một ngày trên công trường khai thác cát sông Tiền

Tô Văn 14/04/2024 18:37

Sáng 14.4, tại lưu vực sông Tiền (đoạn thuộc xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Tổng công ty 36 và các đơn vị liên quan bắt đầu khai thác những mét khối cát đầu tiên để phục vụ dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Một ngày trên mỏ cát

Từ xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, phóng viên Một Thế Giới thuê một chiếc vỏ lãi đến địa điểm nói trên. Đó là cách tốt nhất để tới khu vực này.

1-cat-an-giang1.jpg
Tại lưu vực sông Tiền (đoạn thuộc xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Tổng công ty 36 và các đơn vị liên quan bắt đầu khai thác cát phục vụ dự án đường cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau - Ảnh: Tô Văn
Clip: Tô Văn

Có mặt tại công trường phát lệnh chính thức khai thác cát, ông Hồ Văn Hải, Giám đốc Công ty Khai thác cát Toàn Thắng cho biết đơn vị phối hợp với Tổng công ty 36 (công ty cổ phần) khai thác mỏ cát này theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

“Khi hoạt động, mỗi xáng cạp sẽ có 2 nhân viên thay nhau điều khiển để khai thác. Trong khoảng thời gian trên, khi sà lan đến mỏ thì ngay lập tức sẽ có người điều khiển xáng cạp, múc cát lên sà lan để vận chuyển đến công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, công ty luôn chấp hành đúng các quy định của tỉnh An Giang về khai thác cát để đảm bảo thực hiện đúng quy định. Đồng thời, công ty đã quán triệt cho công nhân làm việc trên công trường khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.

“Đặc biệt, việc khai thác phải đúng trữ lượng và độ sâu được phép khai thác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”, ông Hải nói.

2-cat-an-giang2.jpg
Mỗi xáng cạp sẽ có 2 nhân viên thay phiên nhau điều khiển để khai thác cát (mỗi người lái 5 giờ) - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc chi nhánh Tây Nam Bộ, Tổng công ty 36 cho biết, để có thể thực hiện được việc khai thác tại mỏ cát thuộc xã Phú An theo cơ chế đặc thù phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, nhà thầu đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan.

“Trong đó, quan trọng nhất là các phương tiện khai thác đều được gắn camera giám sát và định vị phương tiện để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện. Dự kiến trong tuần tới đơn vị sẽ đem cát tới công trường”, ông Kiên nói.

Theo quy định của UBND tỉnh An Giang, diện tích khu vực khai thác được cấp phép là 28,93ha. Trong đó, khu 1 rộng 16,49ha, khu 2 rộng 12,44ha. Khối lượng được phép khai thác là 724.498m3, trong vòng 1 năm; mức sâu khai thác là -16m; phương pháp khai thác lộ thiên; thời gian khai thác 350 ngày, mỗi ngày từ 7 giờ đến 17 giờ.

Trước đó, để có cát phục vụ thi công cao tốc ở miền Tây Nam Bộ, UBND tỉnh An Giang đã cấp phép cho các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác 10 mỏ cát với tổng khối lượng 15,2 triệu mét khối.

Đến nay, có 5 mỏ cát cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được khai thác, với tổng khối lượng hơn 4 triệu mét khối.

Không nên dùng cát tốt để đắp nền

Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng trữ lượng các mỏ cát sông khu vực ĐBSCL khó đáp ứng nhu cầu các công trình cao tốc trong vùng.

Chỉ tính riêng đến năm 2025, nhu cầu cát đắp nền cho cao tốc ở ĐBSCL cần đến 54 triệu mét khối; đến năm 2030 là gấp đôi.

Trong khi đó, những năm gần đây, do những nước thượng nguồn sông Mekong xây đập thủy điện, chặn dòng cát tự nhiên xuống hạ nguồn (khu vực ĐBSCL) nên khả năng bù đắp lượng cát bị mất đi trên sông rất yếu.

Theo các doanh nghiệp xây dựng, dù ở ĐBSCL có nhiều mỏ cát nhưng chất lượng cát tốt, đảm bảo cho trộn bê tông, xây dựng công trình thì chỉ có nhiều ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, gần đó là Vĩnh Long.

Càng xuống hạ nguồn, chất lượng cát càng xấu do nhiễm bùn, tạp chất. Nếu dồn lượng cát sông có chất lượng tốt cho đắp nền cao tốc, sẽ thiếu nghiêm trọng lượng cát cho xây dựng.

“Đắp nền có thể sử dụng cát biển, nhưng trộn bê tông, đổ dầm, làm móng và nhiều hạng mục công trình xây dựng khác thì không thể dùng cát biển được bởi hạt cát biển khá nhỏ, mịn, lại nhiễm mặn nên xi măng khó kết dính, chất lượng công trình không đảm bảo. Do vậy, cần ưu tiên cát sông có chất lượng tốt cho xây dựng thay vì dùng để đắp nền”, một chuyên gia trong ngành xây dựng nhấn mạnh.

Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một ngày trên công trường khai thác cát sông Tiền