Vào lúc lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, các chính khách vội vã tìm cách duy trì nguồn lương thực, còn người dân ngày càng phản đối chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Giá lương thực toàn cầu tăng cao do lạm phát và cấm xuất khẩu

Bảo Vĩnh | 23/07/2022, 16:34

Vào lúc lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, các chính khách vội vã tìm cách duy trì nguồn lương thực, còn người dân ngày càng phản đối chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Hãng tin AP ngày 23.7 nêu một phản ứng tự phát của các chính phủ là cấm xuất khẩu lương thực nhằm duy trì giá cả trong nước và nguồn cung ứng, trong khi ngày càng nhiều chính phủ các nước đang phát triển trấn an dân chúng rằng sẽ đáp ứng được tất cả các nhu cầu trước giá cả đắt đỏ.

Tại Singapore, anh Soki Wu hy vọng tiệm cơm gà của gia đình anh vẫn sẽ hoạt động tốt, sau khi chính phủ chọn Indonesia là nguồn cung cấp thịt gà.

Trước đó, tiệm ăn của gia đình Wu bị khách ăn phàn nàn thịt gà không còn thơm ngon như trước, lý do là tiệm phải đổi sang dùng gà đông lạnh sau khi Malaysia cấm xuất khẩu gà sống nhằm bù đắp cho việc vật giá leo thang trong nước. Singapore nhập 1/3 lượng gà từ Malaysia nên chịu ngay tác động của lệnh cấm ấy.

Đối với các chủ doanh nghiệp, vật giá leo thang buộc họ phải tăng giá bán, chẳng hạn khách ăn phải trả thêm 10 hoặc 20% cho việc mua cơm gà ở tiệm của Wu. Với người tiêu dùng, điều đó có nghĩa họ phải trả nhiều tiền hơn cho một món ăn kém chất lượng hơn, hoặc phải từ bỏ nhiều thói quen chi tiêu.

soki-wu.jpeg
LHQ phải tăng hỗ trợ tiền cho người dân Lebanon mua thức ăn - Ảnh: AP

Tại Lebanon, Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc đã phải tăng hỗ trợ tiền mặt cho người dân mua thức ăn, nhất là sau vụ nổ tại một cảng biển hồi năm 2020 đã phá hủy nhiều kho chứa ngũ cốc. Việc cúp điện thường xuyên và giá nhiên liệu cho máy phát điện tăng cao đã hạn chế sức mua của người dân Lebanon vì họ không thể dựa cậy vào tủ lạnh hoặc tủ trữ đông để trữ các món ăn dễ bị hư hỏng.

Giá lương thực đã tăng gần 14% trong năm nay ở các thị trường đang nổi, và tăng hơn 7% ở các nền kinh tế phát triển, theo công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics. Tại các nước mà người dân chi ít nhất 1/3 hoặc hơn từ nguồn thu nhập cho vấn đề lương thực, thì bất kỳ sự tăng mạnh nào về giá cả đều có thể dẫn đến khủng hoảng.

Capital Economics dự báo các gia đình ở những nước phát triển sẽ phải chi thêm 7 USD/tháng cho thức ăn và thức uống trong năm nay và nhiều hơn nữa trong năm 2023, chỉ bởi vì lạm phát.

Giá lương thực chiếm khoảng 60% trong mức tăng năm 2021 do lạm phát ở Trung Đông và Bắc Phi, ngoại trừ các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Sudan, nơi mà lạm phát có thể lên đến 245% trong năm nay, và ở Iran, nơi mà giá thịt gà, trứng và sữa đã tăng 300% hồi tháng 5, gây ra hoảng loạn và các cuộc biểu tình phản đối nhỏ lẻ.

Tại Somalia có 2,7 triệu người bị đói và trẻ con chết do suy dinh dưỡng. Đường là một nguồn năng lượng. Hồi tháng 5, giá 1kg đường tương đương 72 cent Mỹ ở thủ đô Mogadishu. Một tháng sau, giá đường tăng lên 1,28 USD/kg.

Người dân Ấn Độ cũng đang phải lo lắng giá cả càng tăng cao hơn, sau khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ áp mức trần xuất khẩu đường trong năm nay.

Những quy định hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo hộ nguồn cung trong nước và áp trần mức lạm phát, và đây là lý do của việc giá lương thực tăng cao.

Giá lương thực đã tăng cao trên toàn thế giới do hạn hán, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí phân bón và nhiên liệu cao.

Cuộc chiến do Nga tiến hành ở Ukraine càng làm tăng giá lúa mì và dầu ăn, “thêm dầu vào lửa” khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nga-Ukraine vừa có bước đột phá để lập hành lang an toàn cho xuất khẩu lương thực ở Biển Đen, nhưng các cảng biển Ukraine bị bao vây không thể xuất khẩu các hàng hóa chủ lực suốt 5 tháng qua và sẽ mất nhiều thời gian để chở hàng đến các nước bị khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Có sự lo ngại rằng tác động của tất cả các yếu tố này sẽ khiến có thêm nhiều nước áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu lương thực. Khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ trong một tháng hồi tháng 4, giá dầu cọ đã tăng ít nhất 200%.

Các nhà phân tích nói cấm xuất khẩu lương thực là biện pháp thiển cận, vì chúng có hiệu ứng domino là làm tăng giá.

David Laborde, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, nói cấm xuất khẩu lương thực là một chính sách rất ích kỷ “vì chỉ cố giành phần tốt hơn bằng cách khiến mọi chuyện tệ hại hơn cho người khác”.

Ông Laborde nhấn mạnh: "Tôi có thể nói 80% lệnh cấm này đã bị tư vấn kém, một phản ứng giật mình của một số chính khách. Trong thế giới nếu bạn là người duy nhất làm điều đó, thì điều đó có thể có ý nghĩa. Nhưng trong một thế giới mà các quốc gia khác cũng có thể làm điều đó, thì đó thực sự không phải là ý tưởng hay”.

Bài liên quan
Giá lương thực toàn cầu đạt mức kỷ lục vì cuộc chiến tại Ukraine
Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho thấy giá lương thực toàn cầu đã đạt mức kỷ lục vì cuộc chiến tại Ukraine, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực và tác động mà nhóm dân số dễ bị tổn thương phải hứng chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá lương thực toàn cầu tăng cao do lạm phát và cấm xuất khẩu