Điều đặc biệt trong cái Tết của gia đình “nhà Nho cuối cùng” - gia đình GS Vũ Khiêu là truyền thống họp mặt toàn thể con cháu vào mùng 3 hoặc mùng 4 Tết.

Gia đình ­'nhà Nho cuối cùng­' ăn Tết ra sao?

Theo GĐXH | 17/02/2018, 09:55

Điều đặc biệt trong cái Tết của gia đình “nhà Nho cuối cùng” - gia đình GS Vũ Khiêu là truyền thống họp mặt toàn thể con cháu vào mùng 3 hoặc mùng 4 Tết.

Quan trọng là hoa câu đối và thư pháp

Năm nay GS Vũ Khiêu 103 tuổi. Ông đang lâm bệnh nên GS Đặng Cảnh Khanh, người con trai trưởng đã thay mặt ông tiếp chúng tôi tại tư gia. Nói về việc nhà Nho ăn tết, GS Cảnh Khanh cho rằng, bất kỳ một gia đình Việt Nam nào cũng có mộtchút nho giáo. Nhưng đó là Việt nho, nó khác nhiều với nho giáo Trung Hoa. Người Việt rất tôn trọng gia đình, tôn trọng người mẹ, người phụ nữ. Cụ Phan Bội Châu dạy rằng “nhà là cái nước nhỏ, nước là cái nhà to”, là với ý nghĩa tôn trọng gia đình đó. Bởi vậy mà ngày Tết ở Việt Nam trước hết được coi là ngày của gia đình.

Ông bà ta xưa quan niệm Tết không chỉ là một ngày lễ thông thường, ngày vui, ngày hội mà còn là dịp để mỗi người, mỗi gia đình kiểm nghiệm lại mình, nhận ra điều hay điều dở, chuẩn bị tâm thế mà đón chào những cái mới mẻ sẽ đến. Bởi vậy, người xưa cho rằng, vui vẻ tống tiễn cái cũ là một nhẽ nhưng nghiêm túc đón mừng cái mới lại là một nhẽ khác.

Tết Việt bao giờ cũng có hai giai đoạn, giai đoạn chuẩn bị trước Tết và giai đoạn đón Tết. Giáo sư Cảnh Khanh cho rằng đối với gia đình ông thì những ngày chuẩn bị trước Tết là hết sức quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả những ngày vui Tết. Cha ông - giáo sư Vũ Khiêu thường là người trực tiếp điều hành việc chuẩn bị Tết. Ông quan tâm rất nhiều đến việc thực hiện các nghi lễ sao cho đúng phong tục tập quán chung của dân tộc nhưng lại theo những cách thức rất riêng của gia đình, dòng họ. Giản dị mà thanh cao là nguyên tắc cao nhất.

Có hai vấn đề được GS Vũ Khiêu chú ý rất nhiều, đó là chọn hoa trang trí và giấy mực để ông viết câu đối. Trước đây, khi còn khỏe bao giờ ông cũng trực tiếp đi chọn mua hoa, dẫn theo các cháu nhỏ vào tận vườn đào Nhật Tân vừa chọn hoa vừa giảng giải cho con cháu về ngữ nghĩa của việc chọn hoa. Ông thích những gốc đào cổ, cành gốc phải gân guốc, rắn chắc bởi vì “mộc xuất thiên chi do hữu bản” (cây sinh ra hàng nghìn cành cũng là do có gốc), hoa không thể đẹp nếu không có gốc khỏe. Với ông, chọn gốc còn quan trọng hơn chọn hoa. Hoa không cần phải quá nhiều nhưng phải nở trên những cành có dáng dấp phong sương, mạnh mẽ. Ông thích chơi đào phai vì cho rằng màu phớt hồng của nó mảnh mai, dịu dàng và kín đáo hơn đào thắm.

Giáo sư Cảnh Khanh cũng kể rằng giáo sư Vũ khiêu đã dạy con cháu rằng, chơi hoa là một chuyện, còn cảm thụ được hoa lại là một chuyện khác. Cảm thụ hoa là phải thấu cảm được với cái thần của hoa. Ông lấy một cuốn sách của Phạm Đình Hổ trên giá và mở cho tôi một trang viết, nói về cách chơi hoa của một gia đình Thăng Long xưa. Tôi đọc và ghi lại: “Khoảng năm Ất mão, Bính Thìn (1795-1796) ta có vào chơi nhà một anh em bạn, khi vào đến cửa, ngửi thấy mùi thơm sực nức hình như hương hoa lan, mà lại có phần thanh hơn, vẫn không ngờ là thứ lan ngọc quế. Đến khi vào nhà khách, mới thấy thứ lan ấy vừa nở, mà lại trồng vào trong một cái chậu vỡ, đất sỏi, để ở góc hè, cành lá lơ thơ, dài chỉ độ năm sáu tấc, hoa nhỏ mà cánh mỏng, sắc rất đạm nhưng hương thơm ngát. Ta vừa được thưởng thức mùi hương thiên nhiên ấy, liền khen là khéo trồng thì chủ nhân bẽn lẽn nói rằng không có lúc nào bón tưới cả” .

Giáo sư Cảnh Khanh nói tôi nên chú ý đến sự tinh tế trong cách chơi hoa của người Thăng Long khi đó, hoa quý nhưng lại chỉ trồng trong “cái chậu vỡ, đất sỏi, để đầu nhà”, đồng thời cũng chỉ cần “hoa nhỏ mà cánh mỏng, sắc rất đạm nhưng hương thơm ngát”. Ông bảo cách chơi sâu lắng này khiến ta nghĩ đến truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa con gái của vua Hùng, đến dự một lễ hội đầy hoa thơm, bướm lạ, muôn màu muôn vẻ nhưng lại chỉ quan tâm đến một con bướm nâu buồn bã nơi góc vườn, để rồi sau này chính nàng bướm nâu bình dị ấy lại nhả ra những sợi tơ vàng óng dệt nên trăm nghìn mảnh lụa quý.

Giáo sư Vũ Khiêu đặc biệt yêu thích hoa mai. Ngày Tết trong nhà ông không bao giờ thiếu được những cành mai trắng tinh khiết. Trong phòng làm việc của ông luôn có treo câu đối của danh sĩ Cao Bá Quát về “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là trong cuộc đời thì con người chỉ cúi đầu trước sắc đẹp của hoa mai mà thôi. Vào năm 1991, khi con trai nhận học hàm giáo sư, ông nhờ người bạn thân là nhà thư pháp Nguyễn Văn Hòa viết cho con 5 chữ “mai hoa hồng nhật chiếu”, ý dặn rằng dù cuộc đời có như thế nào thì cũng phải sống thanh cao, ngay thẳng như hoa mai dưới ánh mặt trời, đừng bao giờ cúi luồn cũng như khuất phục trước những sự cám dỗ. Cũng là hoa mai, khi cụ bà Vũ Khiêu mất cách đây đã 25 năm, ông viết ở đầu giường mình câu đối:

Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối

Một nhành mai nhỏ thức thâu canh

Chuyện ngày 30 Tết

Cách đây hơn ba mươi năm, một người bạn cố tri hay viết thư pháp ở nhà giáo sư Vũ Khiêu vào ngày xuân là nhà thơ Hoàng Trung Thông. Nhà thơ là người có cách viết thư pháp theo lối chữ thảo đặc biệt phóng khoáng. Ông viết theo kiểu cuồng sĩ của Trương Húc và Hoài Tố đời nhà Đường, cứ phải uống rượu say tít mít rồi mới cầm bút. Khi viết thì quên hết trời đất, càng uống say chữ viết càng bay bổng. Đến nay, giáo sư Vũ Khiêu vẫn cho rằng những ngày uống thật say và viết thư pháp cùng thi sĩ Hoàng Trung Thông là những ngày chẳng bao giờ quên được trong cuộc đời mình. Chỉ tiếc rằng những bản thư pháp tuyệt đẹp của các ông viết trong rượu xuân, mưa phùn buốt lạnh và tiếng pháo nổ râm ran ngày ấy, bây giờ chẳng biết lưu lạc nơi đâu...

Giáo sư Vũ Khiêu cũng thường cho rằng trong những lúc khai bút đầu xuân ấy, những ý tưởng sáng tạo sẽ cứ thế mà nảy sinh một cách chân thực và tự nhiên nhất. Chính vì thế mà dịp khai bút đầu xuân cũng là lúc ông thường có được những câu đối hay nhất tặng bạn bè con cháu. Giáo sư Vũ Khiêu có một người bạn thân, học rộng, biết nhiều nhưng chỉ là một thợ chữa đồng hồ bình thường. Ngày xuân năm nào các ông cũng uống rượu với nhau, nhưng rồi một sáng đầu xuân, người bạn kia bỗng thấy buồn và hỏi xin một đôi câu đối về treo. Giáo sư Vũ Khiêu không ngần ngại đứng lên lấy bút. Chỉ một thoáng ông đã đưa bạn một câu đối như sau:

Bảy mươi xuân, quay ngược thời gian, từng giờ từng khắc từng phút từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn

Mồng một Tết, nhìn ngang thế lộ,

ai chậm ai nhanh, ai sai ai đúng,

rót rượu cùng say

Câu đối đúng là để tặng một ông thợ đồng hồ với đầy đủ thời gian, giờ khắc, phút, giây, nhanh, chậm, nhưng lại mang đầy khí tiết của một đấng trượng phu trong đời.

Theo giáo sư Cảnh Khanh, ở gia đình GS Vũ Khiêu, trong đêm 30 tất cả con cháu đều phải tụ họp để làm lễ cúng, đón tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Sau đó tất cả con cháu ra Hồ Gươm để đón giao thừa, hái lộc mua mía và gặp lại nhau tại nhà giáo sư để ăn giao thừa và để được ông chúc tết.

Gia đình GS Vũ Khiêu có truyền thống họp mặt toàn thể con cháu vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 Tết. Buổi họp mặt đó năm nào cũng đông đến cả trăm người, vì không chỉ có con cháu trong gia đình ruột thịt mà còn cả con cháu của những người thân mà ông coi như con đẻ, con nuôi, con cháu của bạn bè. Tại buổi họp mặt này, con cháu đều được ông tặng câu đối, tặng chữ, được nghe những lời khuyên bảo, dặn dò từ ông. Ông tự tay viết câu đối, viết thành nhiều bản và phát chung cho con cháu. Cũng có những trường hợp ngẫu hứng ông viết riêng cho một vài người. Từ rất lâu rồi, buổi họp mặt như vậy đã trở thành “lễ hội đầu xuân” của gia đình. Ngày đó, con cháu không chỉ được nghe những lời chỉ giáo sâu xa mà còn được dự “quay xổ số” bốc thăm trúng thưởng từ toàn bộ số quà tết mà người ta mang biếu tặng ông trong dịp Tết

Năm nào cũng vậy, ngày này trở thành ngày lễ đầu xuân vui nhất, ý nghĩa nhất đối với con cháu trong gia tộc nhà Nho cuối cùng của Việt Nam hiện nay.

Không phải chữ mà cốt cách làm nên nhà Nho

Khi được hỏi về những di sản mà GS Vũ Khiêu để lại cho con cháu, GS Đặng Cảnh Khanh nói: Di sản mà cha tôi để lại cho con cháu không gì ngoài trí tuệ và cốt cách nho nhã thanh cao của một nho sĩ. GS Khanh cho rằng, với người Nho sĩ thì điều quan trọng không phải là tiền tài, sự nghiệp, danh vọng, thậm chí cả tri thức cao xa mà là cốt cách con người. Ông nói:“Nhắc đến nhà Nho nhiều người vẫn nhầm hiểu rằng đó chỉ là những người có “nhiều chữ”. Thực ra là không phải vậy. Với nhà Nho, học chữ không quan trọng bằng học hồn cốt, đạo lý của Nho. Tính chất của nhà Nho biểu hiện ở sự khí khái mà tinh tế, hiểu biết mà khiêm nhường, giản dị mà thanh cao. Chất Nho học thể hiện ở nhân cách, phong cách. Nhà Nho coi trọng người quân tử, khinh ghét kẻ tiểu nhân. Không phải ai học Nho thì cũng thấm được chất Nho. Học để có nhiều chữ là một chuyện, nhưng khó nhất là thấm nhuần được cốt cách của Nho để sống cho xứng đáng”.

GS Đặng Cảnh Khanh nói rằng cha ông không theo dõi nhiều về việc họchành của con cái, bởi ông không có nhiều thời gian và cũng bởi với gia đình ông chuyện chữ nghĩa có lẽ đã là một thứ nghiệp, một thứ trách nhiệm. Điều GS Vũ Khiêu thường nhắc nhở con cái là, tri thức không chỉ mang đến niềm vui của sự lao động sáng tạo mà còn là nỗi khổ hạnh. Phải biết chấp nhận những khổ hạnh đó thì mới vươn lên được. Ông treo trong nhà một chữ “tri” trong đó có lời nhắc “sinh nhi tri, học nhi tri, khốn nhi tri” nghĩa là con người sinh ra vì tri thức, học hành vì tri thức và rồi khốn khổ cũng vì tri thức. Ông cũng nhắc con cháu về câu nói của cụ Nguyễn Trãi rằng “cổ lai thức tự đa ưu hoạn” nghĩa là xưa nay những người có tri thức thường gặp ưu tư, hoạn nạn. Bởi vậy nhân cách con người mới là quan trọng, nếu không giữ được nhân cách thì chữ nghĩa, tri thức, học vấn cũng là vô ích.

Có lẽ trong gia đình GS Vũ Khiêu, GS Đặng Cảnh Khanh là người con thu nhận được nhiều nhất chất Nho của cha mình. Là một nhà nghiên cứu về xã hội học nhưng ở GS Khanh cũng toát lên phẩm cách của một nhà văn hóa lớn. Phong cách giản dị, khiêm nhường, tâm thái an tĩnh của GS Khanh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cốt cách nho học của GS Vũ Khiêu. GS Khanh cũng thông thuộc khá nhiều thư pháp và chữ nghĩa, thích nghe ca trù và chầu văn nhưng lại vẽ tranh siêu thực và chơi đàn piano giỏi. Ngồi trò chuyện với GS Khanh, chúng tôi được nghe rất nhiều những tích chữ của các cao nhân xưa. GS Khanh rành chữ đến nỗi ngồi nói chuyện với GS nhưng tôi có cảm giác như được trò chuyện cùng cha ông, GS Vũ Khiêu vậy. Cơ duyên được ngồi hầu chuyện nhiều lần cùng GS Đặng Cảnh Khanh và giáo sư Lê Thị Quý tại tư gia của vợ chồng ông và điều đặc biệt ấn tượng đối với tôi là chưa thấy giáo sư cáu giận bao giờ. Ông vừa giữ được tố chất của một nhà báo chiến tranh vừa thích sống ẩn dật như một cư sĩ. Lúc nào căng thẳng, ông lại ngồi một mình bên cây đàn Piano. ông bảo ông chơi đàn cũng giống như một nhà sư lần tràng hạt vậy. Đây có lẽ cũng chính là cốt cách “rất nho” được truyền dạy từ tâm thế con người của GS Vũ Khiêu.

GS Khanh cũng cho rằng, GS Vũ Khiêu học nho nhưng lại “chê” bởi những nguyên tắc, mà nhiều khi là trói buộc con người của Khổng Tử. Ông gần với tư tưởng khoáng đạt của Lão Tử và Trang Tử hơn. Có lẽ vì vậy ông sống bình dị, không ham muốn nhiều về vật chất.

Để lại gì cho con?

Cho đến 90 tuổi, giáo sư Vũ Khiêu vẫn sống ở căn hộ tập thể 40 m2 tại phố Vạn Bảo. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất thân thiết với GS Vũ Khiêu, chính cụ Mười đã dắt cụ Khiêu cùng hoạt động cách mạng. Ngày mừng GS Khiêu 90 tuổi, cụ Đỗ Mười có đến thăm, thấy cụ Khiêu cùng con cháu ở chật quá, sách vở xếp ngổn ngang ngoài hành lang và ban công, cụ Mười xúc động tặng cụ Khiêu câu: “Hai bàn tay trắng không vương bụi/Một tấm lòng son ở với đời”.

Về căn nhà của GS Vũ Khiêu hiện nay, GS Cảnh Khanh kể rằng, đã nhiều lần lãnh đạo thành phố Hà Nội ngỏ ý muốn cấp cho ông một căn nhà nhưng giáo sư Vũ Khiêu đều không nhận. Sau cùng thì đám con cháu, bạn bè cũng quyết định gom tiền mua cho ông căn nhà hiện nay. Điều đáng nói là toàn bộ trang bị trong nhà từ cửa ra vào, giường tủ, bàn ghế, bếp núc, cây cảnh đều là đồ “xã hội hóa” cả, mỗi người thân góp một thứ…

Để tiếp tục trả lời câu hỏi “GS Vũ Khiêu để lại gia sản gì cho con?”, GS Đặng Cảnh Khanh kể rằng gần đây giáo sư Vũ Khiêu mệt nhiều. Ông không thể trực tiếp nói chuyện với con cháu, hễ cần gì ông lại viết lên giấy. Khách đến thăm, có nhiều người thương lại đưa phong bì. GS cầm để sau mép giường, người khác đến thăm cũng hay kể chuyện hoàn cảnh, ông lại lấy phong bì từ mép giường ra, cho lại họ. Giao sư Khanh mở tủ, mang ra cho tôi xem một mẩu giấy được xé ra từ cuốn vở học sinh có nét chữ của cụ Khiêu viết lúc ốm rất nặng. Cụ viết: “Tiền có bao nhiêu thì cũng tiêu hết. Còn cho rồi thì cũng có bấy nhiêu thôi”.

Đọc mấy dòng chữ xiêu vẹo của GS Vũ Khiêu, tôi thực sự xúc động. Đây chỉ một chuyện rất nhỏ nhưng qua đó cho thấy rất rõ phẩm cách “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” của GS Vũ Khiêu. Là người ảnh hưởng phẩm cách nho nhã của cha mình nhất, GS Đặng Cảnh Khanh xem mẩu giấy đó như là một thứ “di sản” quý giá mà cha mình đã để lại cho con cháu trong gia đình. Chúng tôi cũng hiểu rằng GS Đặng Cảnh Khanh nâng niu mẩu giấy đặc biệt này bởi đó là một lời chỉ bảo về nhân cách sống, một sức mạnh để sống giữa cuộc đời đầy phức tạp này.

Giáo sư Cảnh Khanh cũng kể rằng mặc dù rất tôn trọng phong tục xưa, nhưng trong cách chuẩn bị ngày Tết, giáo sư Vũ Khiêu không bao giờ thích bày biện những biểu vật tượng trưng cho sự sang giàu, của cải vật chất hoặc là biểu trưng cho uy lực, quan quyền. Ngày Tết trong nhà ông chưa bao giờ có “cóc vàng ngậm tiền”, “long ngân” hay những biểu trưng kiểu như đại bàng, sư tử, rồng phun lửa, hổ nhe nanh... Có năm, một người bạn làm doanh nghiệp mang tặng một tượng thần tài béo tốt, tay giơ cao thỏi vàng lớn, ông nhận mà buồn mãi...

Giáo sư Vũ Khiêu đặc biệt hưng phấn với việc chuẩn bị viết chữ trong những ngày đầu năm mới. Ông chọn giấy, nghiên, mực, bút viết khá kỹ càng, thường là phải dặn con út ông, một họa sĩ tìm đặt kỹ lưỡng. Có năm, gia đình nhiều niềm vui, ông chọn mua lụa, đặt con vẽ tranh nền để viết thư pháp lên trên tranh. Thông thường thì ông viết, chữ ngang dọc như người múa kiếm. Trên thực tế ông không bao giờ cho rằng chữ mình viết là đẹp, nên những khi cần tặng bạn bè thân thiết thì ông lại nhờ cụ Hòa, cụ Bách, những nhà thư pháp tài hoa hàng đầu chốn Hà Thành, vốn là bạn bè thân thiết viết. Trước đây, giáo sư Vũ Khiêu thường nhờ họa sĩ Hữu Đức, con rể ông vừa viết, vừa minh họa câu đối của ông trên lụa. Ông Hữu Đức là một họa sĩ rất kỹ tính, những bức tranh lụa ông vẽ và viết tặng giáo sư Vũ Khiêu bao giờ cũng đẹp một cách khác thường, cứ giống như những bức họa lụa cổ vậy.

Theo Võ Thị Thủy/Báo gia đình
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình ­'nhà Nho cuối cùng­' ăn Tết ra sao?