Bộ Công Thương đã lên tiếng lý giải về việc giá điện phải "gánh" khoản lỗ về tỉ giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Giá điện phải 'gánh' khoản lỗ của EVN có phù hợp?

05/09/2023, 21:15

Bộ Công Thương đã lên tiếng lý giải về việc giá điện phải "gánh" khoản lỗ về tỉ giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trước ý kiến cho rằng việc hạch toán khoản lỗ (chênh lệch tỉ giá, lỗ kinh doanh...) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không phù hợp, mới đây Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có thông tin làm rõ hơn vấn đề này.

Cụ thể, Cục Điều tiết Điện lực cho biết cơ sở để đề xuất quy định cho thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN trong tính toán giá điện tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24) đã được xem xét dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tế, cũng như ý kiến của các bộ, ngành...

gia-dien.jpeg

Theo đó, tại điều 4 Quyết định 24 quy định các thành phần cấu thành lên giá bán lẻ điện bình quân hàng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Theo quy định tại Quyết định 24, các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm N (năm tính giá) do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hàng năm.

Quyết định 24 đã quy định việc các khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa được tính vào giá điện trong các lần điều chỉnh trước đây sẽ được xem xét để tính toán phân bổ vào giá điện của kỳ đang tính toán.

Trong giai đoạn trước khi ban hành Quyết định 24, chênh lệch tỉ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như giá điện hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính của mỗi năm.

Từ giữa quý 1/2022, giá nhiên liệu thế giới đã tăng cao do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, dẫn đến làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu hoặc có giá nhiên liệu tham chiếu theo giá thị trường. Chi phí mua điện tăng cao nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26 nghìn tỉ đồng (đã tính đến các khoản doanh thu và thu nhập khác từ hoạt động cho thuê cột điện và hoạt động tài chính).

Giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước 2022, gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4.5.2023 (là mức tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định 24 và thấp hơn so với kết quả tính toán) để đảm bảo tác động đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân là nhỏ nhất cũng đã giải quyết một phần khó khăn cho tình hình tài chính và dòng tiền của EVN, tuy nhiên chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá (mà chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN).

Như vậy, thực tế năm 2022 và 2023, việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù dắp cho các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện).

Do đó, các khoản chi phí đầu vào của các năm 2022, 2023 theo quy định tại Quyết định 24 được thu hồi thông qua giá điện mà chưa được thu hồi (năm 2022 không điều chỉnh tăng giá điện) hoặc chưa được thu hồi đầy đủ (năm 2023 chỉ điều chỉnh tăng ở mức 3%) để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển chung thì cần được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh giá điện tiếp theo.

Cục Điều tiết Điện lực dẫn quy định ở Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19.6 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2024) quy định nguyên tắc định giá của nhà nước là "Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật phù hợp với mặt bằng thị trường bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ".

Theo Cục Điều tiết Điện lực, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp. Do đó, tại dự thảo mới đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế để đảm bảo các chi phí chưa được thu hồi đủ trong các lần điều chỉnh giá điện thì được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh tiếp theo.

"Nếu không có quy định cụ thể về việc xem xét thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện trong quá khứ sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn nhà nước của EVN, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài", Cục Điều tiết Điện lực giải thích.

Bài liên quan
WB: Tăng giá điện có thể tác động đến lạm phát nửa cuối năm
Trong khi lạm phát có xu hướng giảm trong tháng 4, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá điện phải 'gánh' khoản lỗ của EVN có phù hợp?