Từ ngày 20.3, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên mức 1.864,04 đồng/kWh, tăng gần 144 đồng so với mức bình quân năm 2018 là 1.720 đồng/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa cho biết giá điện chính thức tăng thêm 8,36% từ hôm nay (20.3). Cụ thể, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Quyết định tăng giá điện đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sau hơn 2 năm kìm giữ, giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng.
Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là 1.12.2017. Theo đó, mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó. Với quyết định tăng giá điện thêm 8,36% thì sẽ làm giảm GDP 0,22%, làm CPI tăng 0,29%.
"Bất cứ điều chỉnh giá nào cũng ảnh hưởng tới CPI và phần nào GDP, nhưng đây là việc cần thiết để đảm bảo cho ngành điện phát triển lành mạnh, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế phát triển. Chúng ta sẽ nỗ lực các yếu tố khác để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ngành điện phát triển không lành mạnh có thể còn tác động tới các ngành kinh tế khác lớn hơn", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, ngành điện đã rà soát lại cơ cấu các yếu tố đầu vào tác động tới giá thành giá điện. Do nhu cầu điện ở nước ta hiện tăng cao trên 10% nhưng tốc độ triển khai các dự án điện, các dự án điện than BOT (không phải của EVN) còn chậm nên nhiều lúc phải huy động nguồn điện giá thành cao như khí, dầu…
Trong khi đó, giá dầu, khí… đã tăng liên tục nên giá thành sản xuất điện tăng lên. Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, ngành điện phải huy động nhiều hơn từ các nguồn điện than, khí.
Tuyết Nhung